Trong thời gian qua, lực sĩ Thạch Kim Tuấn đã gây ấn tượng mạnh khi giành tấm HCV ở môn cử tạ tại Olympic trẻ thế giới. Cộng với những thành công trước đó của Tuấn (Á quân giải trẻ thế giới), người hâm mộ có quyền hy vọng thể thao Việt Nam sẽ có một Hoàng Anh Tuấn thứ hai.
Thế nhưng khi tìm hiểu ra thì lực sĩ trẻ Thạch Kim Tuấn dù đã 16 tuổi nhưng mới chỉ học đến lớp 6 phổ thông. Với tiềm năng lớn việc rồi đây Kim Tuấn sẽ thường xuyên tham dự các các đấu trường quốc tế là chuyện đương nhiên. Thế nhưng với học lực như thế, em sẽ giao tiếp thế nào với bạn bè quốc tế để họ hiểu Việt Nam nhiều hơn?
|
Lực sĩ Thạch Kim Tuấn. |
Và xa hơn nữa, Kim Tuấn sẽ phát huy khả năng của mình ra sao sau khi giã từ thể thao đỉnh cao? Đó là cả một vấn đề đáng suy ngẫm bởi với thể thao, tuổi nghề VĐV thường rất ngắn, quãng thời gian sau khi từ giã thể thao đỉnh cao mới là chính yếu. Khi đã xuống sức, nếu không có trình độ văn hóa phổ thông, VĐV sẽ rất khó xoay xở trong cuộc sống, cho dù tiếp tục theo đuổi thể thao hay chuyển sang làm một nghề khác.
Ở các nước tiên tiến, khi đưa con em vào các trường thể thao, bao giờ gia đình cũng ký với nhà trường một bản hợp đồng có nhiều nội dung nhưng luôn phải có điều khoản "nhà trường bảo đảm cho con chúng tôi được học hết phổ thông". Còn ở nước ta thì điều đó lâu nay gần như được bỏ bẵng ở mọi môn thể thao.
Việc một VĐV 16 tuổi Thạch Kim Tuấn mới học hết lớp 6 rõ ràng là điều khiến chúng ta phải suy nghĩ. Nó cho thấy sự khập khiễng trong việc đào tạo VĐV ở nước ta hiện nay. Phải chăng, một số địa phương vì chạy theo thành tích mà quên mất quyền lợi chính đáng của VĐV?
Dường như giờ đây, khi thể thao đang tiến tới chuyên nghiệp, thành tích mới là quan trọng vì nó đem lại tiền bạc ngay, còn việc học văn hóa của VĐV đang bị xem nhẹ. Điều đó quả thật là vô cùng nguy hiểm vì khi trình độ văn hóa của VĐV kém, nó sẽ kéo theo những hệ lụy không ngờ.
Thùy Trâm (Hà Nội)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.