CÙNG THEO ĐUỔI CÔNG NGHỆ
Khủng bố xuất hiện trong giai đoạn từ giữa đến cuối thế kỷ 19, cùng thời kỳ mà truyền thông đại chúng bắt đầu nở rộ. Khủng bố tiếp tục phát triển tới nửa đầu thế kỷ 20 mặc dù thời kỳ đó dư luận chú ý tới hai cuộc chiến tranh thế giới. Khủng bố bạo lực trỗi dậy từ thời kỳ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai. Giai đoạn này trùng hợp với thời gian truyền hình bắt đầu lan tỏa tới từng nhà dân ở Mỹ và châu Âu. Làn sóng bạo lực khủng bố tại Trung Đông đã hình thành từ cuối những năm 1960 và lên đến đỉnh điểm vào thập kỷ tiếp theo với những vụ ám sát, cướp máy bay và đánh bom.
Ông Bruce Hoffman, một trong những nhà nghiên cứu học thuật hàng đầu về khủng bố, chỉ ra rằng sự phát triển của khủng bố trùng hợp với một loạt thay đổi công nghệ. Công nghệ giúp cho việc truyền hình ảnh tiết kiệm hơn và nhanh hơn, tạo điều kiện để các kênh truyền hình Mỹ đưa tin nhiều và kịp thời hơn về những sự kiện nóng trên khắp thế giới.
Hình ảnh trong một đoạn video hành quyết của IS. Ảnh: AFP/TTXVN
Năm 1972, nhóm người Palestine có tên “Black September” (Tháng 9 Đen) đã bắt cóc và sát hại các vận động viên người Israel tại thế vận hội Olympic ở Munich. Đây là thế vận hội đầu tiên được truyền hình trực tiếp và cũng là lần đầu tiên sự kiện thể thao này trở thành mục tiêu tấn công khủng bố. Trong thập kỷ tiếp theo, bắt cóc và cướp máy bay luôn là những sự kiện được khán giả theo dõi từng diễn biến.
Khi Osama bin Laden thành lập mạng lưới khủng bố al-Qaeda năm 1988, phương tiện truyền thông đại chúng tại thế giới Arab vẫn bị nhà nước và các tập đoàn có khả năng tài chính mạnh thao túng. Khủng bố cực đoan chỉ có thể sử dụng băng video và băng âm thanh được truyền tay nhau trong các thánh đường hoặc được bán ở các cửa hàng đặc biệt.
Vào cuối những năm 1990, cơ hội mới mở ra khi kênh truyền hình vệ tinh địa phương đã bắt đầu nở rộ ở các nước Hồi giáo, cho phép người ta có thể xem các nội dung không bị kiểm duyệt. Những kênh này nhanh chóng trở nên nổi tiếng. Al-Jazeera là “con ngựa ô” dẫn đường nhưng cũng chỉ là một phần nhỏ của hiện tượng lớn. Người ta nói chuyện về những gì được phát trên truyền hình từ trong nhà đến các quán cà phê hay văn phòng ở Trung Đông.
Rồi giữa những năm 2000, truyền hình kỹ thuật số xuất hiện và đã thay đổi mạnh cách hoạt động của khủng bố. Chỉ trong vòng một vài năm, việc huấn luyện và lôi kéo các phần tử cực đoan đối với chúng dường như dễ dàng hơn bao giờ hết. Chúng không nhất thiết phải mở trại huấn luyện vì có thể hướng dẫn chế tạo bom cho các phần tử cực đoan ở nhiều nước qua màn hình máy tính và điện thoại.
Thành viên nhóm khủng bố Tháng 9 Đen tại tòa nhà nơi các vận động viên Olympic Israel bị bắt làm con tin vào tháng 9.1972.
Đối với nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS), việc sử dụng công nghệ cho mục đích tuyên truyền đã đạt “trình” mới. Khi các đoạn video của IS xuất hiện trên truyền hình, nhiều người đã bất ngờ trước kỹ năng sử dụng phương tiện hiện đại cho mục đích tuyên truyền của IS. Nhiều đoạn video của IS có mục đích kép, một là truyền cảm hứng cho một số đối tượng có ý đồ cực đoan, hai là dằn mặt các nhóm đối thủ.
Ngoài ra, IS còn tận dụng tối đa mạng xã hội để tuyên truyền khi điện thoại thông minh, Facebook và Twitter phát triển mạnh mẽ. Cũng qua các phương tiện đó, IS đã truyền cảm hứng và khuyến khích nhiều phần tử cực đoan hành động riêng rẽ nhân danh IS. Từ đó, “sói đơn độc” đã trở thành xu hướng mới.
Vụ một binh sĩ tại London năm 2013 bị đâm chết, vụ một giáo sĩ gốc Iran bắt giữ 17 con tin trong một quán cà phê ở trung tâm thành phố Sydney (Australia) năm 2014 hay vụ đánh bom Boston (Mỹ), tất cả đều do những kẻ không thuộc tổ chức khủng bố nào thực hiện. Ngay cả thủ phạm đã sát hại 12 người ở tòa soạn tạp chí châm biếm Charlie Hebdo của Pháp cũng chỉ có mối liên hệ lỏng lẻo với nhóm khủng bố.
Rất khó để dự đoán điều gì sẽ diễn ra trong tương lai nhưng có một điều chắc chắn đó là những kẻ khủng bố sẽ luôn tìm tòi để tiếp cận và lợi dụng công nghệ truyền thông mới bất cứ thời điểm nào. Để ngăn chặn khủng bố lợi dụng truyền thông, điều quan trọng là kiểm duyệt và cách xử trí của các kênh thông tin trước những hình ảnh bạo lực khủng bố đang xuất hiện ngày càng dày đặc.
Hà Linh (Báo Tin Tức)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.