|
Phạm Thị Huệ (đứng thứ hai từ trái sang) - HCB đội nữ Rowing. Ảnh: Tố Mai |
Từ bóng chuyền tới mái chèo
Ở lứa tuổi 20-25 của Phạm Thị Thảo - Phạm Thị Huệ (HCB đôi nữ thuyền rowing), Phạm Thị Hài - Đặng Thị Thắm - Nguyễn Thị Hữu - Trần Thị Sâm (HCB thuyền rowing 4 người), như người khác thì đua nhau làm đẹp, thay vì đổ mồ hôi luyện tập trên mặt hồ Tây cả năm trời.
Nhưng cái "máu" của những người dân miền biển Thái Bình, Hà Tĩnh, Quảng Bình... đã ăn sâu vào các bạn trẻ. Sau những ngày mưu sinh, người dân hào hứng với những cuộc chơi thể thao: Đua thuyền trên sông, chơi bóng đá, bóng bàn, bóng chuyền, điền kinh...
Trưởng bộ môn Đua thuyền Hà Nội Nguyễn Văn Thắng - người gắn bó lâu năm với đua thuyền Việt Nam: "Khi đi chọn VĐV năng khiếu 13 - 14 tuổi ở nhiều nơi, chúng tôi đặc biệt chú ý tới những em xuất thân từ gia đình có truyền thống, đam mê thể thao. Những giá trị tinh thần được nuôi dưỡng qua nhiều thế hệ sẽ giúp họ có thêm niềm tin trước những thử thách khắc nghiệt trong tập luyện, thi đấu đỉnh cao".
Từ những cuộc tranh tài giữa từng nhóm nhỏ trong thôn, xóm, lan rộng thành lời "thách đấu" của các làng, xã.
Không khí sôi động ấy đã nuôi dưỡng niềm đam mê cho các VĐV đua thuyền Việt Nam. "Em cũng không ngờ khi 24 tuổi lại trở thành VĐV đua thuyền. Bóng chuyền mới là môn thể thao em thích nhất. Trong nhà có 5 anh chị em, không ai chơi chuyên nghiệp, nhưng tất cả mê bóng chuyền lắm!" - Sâm bật mí.
Khổ nỗi, chiều cao 1,68m của cô lại không đủ để thuyết phục những người đi tuyển chọn VĐV bóng chuyền, dù Sâm đã có lời "giới thiệu" sống động bằng tấm HCĐ nhảy cao tỉnh Hà Tĩnh. Và ở vào những thời điểm thất vọng nhất, cô gái miền Trung đã tìm được niềm an ủi, tiếp tục theo đuổi niềm đam mê ở môn thể thao hoàn toàn mới lạ: Đua thuyền rowing.
Không biết bơi vẫn... xuống sông
Ít người biết các cô không hề... biết bơi hồi mới làm quen với mái chèo. Niềm đam mê và tinh thần đồng đội đã giúp họ quên đi cảm giác sợ hãi khi lần đầu tiên bước lên thuyền, đối diện với không gian mênh mông của hồ Tây.
"Những ngày đầu, em bị sặc nước nhiều lần. Nhiều hôm tập luyện xong, phải ở lại thêm để tập bơi. Mệt lắm, nhưng nghe thầy cô động viên nên cứ cố thêm một chút, một chút nữa... Chuẩn bị cho ASIAD 2010, một ngày bọn em chèo thuyền 20km quanh hồ Tây là bình thường" - Sâm tâm sự.
Kém Sâm 4 tuổi, "đàn em" Phạm Thị Huệ mới nhập môn được 2 năm 3 tháng, nhưng cũng đã khẳng định được bản lĩnh. Trong nhà không có ai theo nghiệp thể thao, chính "cái nôi" thể thao phong trào đã đưa bé Huệ - VĐV đa năng, mải miết chạy theo những cuộc thi bóng đá, bóng chuyền, điền kinh... tỉnh Quảng Bình suốt những năm học phổ thông.
"Mới đầu, cha mẹ cũng trách lắm. Nhưng sau thấy em mê thể thao quá nên đành... ủng hộ. Em đã sưu tập được rất nhiều HCB, và đến ASIAD 2010 cũng là HCB luôn", Huệ vui vẻ bộc bạch. Đáng nể nhất là kể từ lần đầu cầm mái chèo năm 2008, Huệ chỉ mất 9 tháng để được gọi vào đội tuyển quốc gia trước khi đặt dấu ấn trên đấu trường châu lục.
Lê Đức
Vui lòng nhập nội dung bình luận.