Phát ngôn viên Taliban, Suhail Shaheen.
Trả lời báo Nga Sputnik vào tuần trước, Suhail Shaheen, phát ngôn viên Taliban, nói tổ chức này sẵn sàng thiết lập quan hệ với Mỹ và các quốc gia trên thế giới, ngoại trừ một nước.
“Đúng, nếu Mỹ muốn xây dựng quan hệ với chúng tôi, vì lợi ích của hai nước và nếu Mỹ muốn tham gia tái thiết Afghanistan, chúng tôi luôn đón chào”, Shaheen nói.
“Dĩ nhiên, chúng tôi sẽ không có bất cứ quan hệ nào với Israel. Chúng tôi muốn xây dựng quan hệ với tất cả các quốc gia, ngoại trừ Israel”, Shaheen nói thêm.
Trong một bài xã luận đăng tải trên từ Jerusalem Post, tác giả Seth J. Frantzman cho rằng, hầu hết các quốc gia từ chối quan hệ với Israel ngày nay đều theo đạo Hồi.
Các nước này có một sự căm ghét Israel dựa trên tín ngưỡng Hồi giáo, kết hợp với chủ nghĩa bài Do Thái, cũng như quan điểm ủng hộ “những người anh em Hồi giáo Palestine”.
Xe tăng của quân đội Israel.
Theo tác giả Frantzman, tuyên bố của phát ngôn viên Taliban dựa trên học thuyết và quy tắc quan hệ quốc tế có từ năm 1948 và đã được chấp nhận ở các quốc gia Hồi giáo, đó là sự không chấp nhận nhà nước Do Thái Israel.
Kể từ năm 1948, Israel đã nhiều lần gây chiến với các quốc gia Ả Rập, hầu hết đều giành chiến thắng, dẫn đến việc Ai Cập bình thường hóa quan hệ với Israel vào năm 1979 và Jordan năm 1994. Tuy vậy, phần còn lại của thế giới Ả Rập vẫn luôn coi Israel là kẻ thù.
Trong số các quốc gia Hồi giáo không thiết lập quan hệ với Israel, có thể kể đến Iran, Iraq, Ả Rập Saudi, Syria, Qatar, Pakistan, Indonesia và Malaysia. Ả Rập Saudi, cái nôi của Hồi giáo trên thế giới, thậm chí còn không coi Israel là một nhà nước hợp pháp.
Một lý do khác được tác giả Frantzman nhắc tới, là việc Taliban muốn tránh làm phức tạp thêm mối quan hệ với các quốc gia đồng minh. Qatar và Pakistan, hai quốc gia có mối quan hệ chặt chẽ, được coi là trung gian liên kết Taliban với cộng đồng quốc tế, đều không thiết lập quan hệ với Israel.
Dưới thời ông Trump, Mỹ tích cực giúp Israel bình thường hóa quan hệ với các quốc gia Ả Rập.
Dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, Mỹ là quốc gia tích cực giúp Israel dần bình thường hóa quan hệ với thế giới Hồi giáo, thông qua Hiệp ước Abraham.
Hiệp ước ký năm 2020 mở đường để Các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Bahrain thiết lập quan hệ với Israel.
Theo tác giả Frantzman, con đường để Israel ký thêm các hiệp ước bình thường hóa quan hệ với các nước khác trong thế giới Hồi giáo, như Pakistan, Malaysia, Qatar hay thậm chí là tiểu vương quốc Afghanistan do Taliban thành lập (chưa được cộng đồng quốc tế công nhận), vẫn còn là điều xa vời.
Chuyên gia Zev Chafets, cựu cố vấn của Thủ tướng Israel Menachem Begin (1977 – 1983), bình luận trên báo Mỹ Bloomberg, rằng Israel có thể cảm nhận rõ sự cô độc khi Mỹ rút khỏi Afghanistan.
Khoảng cách địa lý giữa Tel Aviv và Kabul là khoảng 3.200 km. Nhưng sau khi Mỹ rút khỏi Afghanistan, Israel ngày càng lo ngại rằng Taliban và các đồng minh Hồi giáo đang gây sức ép ở ngay bên cạnh.
Các tay súng của phong trào Hồi giáo Taliban.
Đây là quan điểm mà Thủ tướng Israel Naftali Bennett đã đưa ra trong cuộc gặp với Tổng thống Joe Biden ở Nhà Trắng.
“Chúng tôi sống ở một khu vực khắc nghiệt nhất thế giới. Biên giới phía nam có IS (ở bán đảo Sinai), Hezbollah ở phía bắc, Hamas và dân quân Iran bao quanh. Tất cả đều muốn tiêu diệt nhà nước Do Thái”, ông Bennett nói.
Các nhóm vũ trang Hồi giáo đối địch với Israel đều đã lên tiếng chúc mừng chiến thắng của Taliban ở Afghanistan. Sau hàng thế kỷ, một đội quân Hồi giáo đã chiến thắng lực lượng hùng hậu đến từ phương Tây, do Mỹ dẫn đầu.
Sau khi chính phủ Afghanistan thân Mỹ sụp đổ, thủ lĩnh Hamas của Palestine, Ismail Haniyeh đã gọi điện chúc mừng phó thủ lĩnh Taliban, Abdul Ghani Baradar.
Haniyeh nói chiến thắng của Taliban là “khúc dạo đầu cho sự sụp đổ của tất cả các lực lượng chiếm đóng, bao gồm Israel chiếm đóng lãnh thổ của người Palestine”. Về phần mình, Baradar chúc “người Palestine chiến thắng trong cuộc kháng chiến của mình”.
Cộng đồng người Shiite ở Iran, cũng chúc mừng Taliban, nói rằng “anh em Hồi giáo đã giành thắng lợi trước những kẻ ngoại đạo”.
Kể từ cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979, Iran trở thành “kẻ thù không đội trời chung” với Israel. Iran hiện bày tỏ sự thân thiện, sẵn sàng thiết lập quan hệ với chính phủ do Taliban thành lập ở Afghanistan.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.