Đạo quân trung thành của Thaksin

Thứ ba, ngày 23/03/2010 10:30 AM (GMT+7)
NTNN - Họ sẵn sàng từ bỏ ruộng vườn, nhà cửa ở các vùng quê, tình nguyện hiến cả máu của mình để ủng hộ cuộc đại biểu tình chống Chính phủ tại thủ đô Bangkok.
Bình luận 0

img
Người "áo đỏ" mang theo hình ảnh của Thaksin đi biểu tình.

Đó là chân dung của hàng trăm nghìn nông dân nghèo trung thành với cựu Thủ tướng bị lật đổ Thaksin Shinawatra, hiện đang sống lưu vong ở nước ngoài.

 

Bí kíp "dân túy"

Mặc dù đã giảm mạnh so với cuối tuần trước, song đến ngày 22-3, lực lượng "áo đỏ" ủng hộ ông Thaksin vẫn còn khoảng 100.000 người tại Bangkok.

Cuộc tuần hành thu hút một lượng người khổng lồ này cho thấy một thực tế: Việc Tòa án tối cao Thái Lan ra phán quyết khẳng định ông Thaksin tham nhũng và tịch thu 1,4 tỷ USD trong tổng số tài sản trị giá 2,4 tỷ USD của ông không làm giảm bớt sự trung thành của nhiều người Thái ủng hộ ông.

So sánh với các cuộc biểu tình năm 2008 chống ông Thaksin của lực lượng "áo vàng" thuộc Liên minh nhân dân vì dân chủ (PAD) mà lúc đông nhất cũng chỉ từ 40.000 - 50.000 người, thì các cuộc biểu tình của phe "áo đỏ" thuộc Mặt trận thống nhất dân chủ chống độc tài (UDD) thường thu hút hàng trăm nghìn người tham gia. Tại sao những cuộc biểu tình ủng hộ ông Thaksin lại có một lực lượng hùng hậu như vậy?

Nông dân Prachob và vợ Thongsi là 2 ủng hộ viên "áo đỏ", sống tại một vùng quê nghèo ở tỉnh Udon Thani trong cảnh thiếu thốn điện, nước. Khi phóng viên đến, trong một góc nhà, Prachob đang tách những nan mây để đan một chiếc giỏ, thỉnh thoảng ông lại ngả người về phía vợ để mượn cặp kính đeo mắt mà hai vợ chồng dùng chung. Trong khi đó, bà Thongsi không ngừng nói về sự biết ơn của bà đối với ông Thaksin Shinwatra.

Thực tế cho thấy, kể từ khi lên nắm quyền năm 2001 và tái đắc cử Thủ tướng nhiệm kỳ 2 vào năm 2005, ông Thaksin đã thực hiện rất nhiều chính sách "dân túy" có lợi cho người nghèo, như cho nông dân vay vốn với lãi suất thấp, xây dựng hệ thống y tế phổ cập, phát triển cơ sở hạ tầng, phúc lợi xã hội, tăng cường chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, cung cấp thuốc kháng HIV/AIDS giá rẻ cho người bệnh.

Trong thời gian nắm quyền lực, ông Thaksin đã đưa về nông thôn các dịch vụ chăm sóc y tế giá rẻ cho người nghèo. Điều đó đã giúp Prachob được chữa trị căn bệnh động kinh.

"Chồng tôi bị bệnh nhưng ông vẫn đến tham dự các cuộc biểu tình, mong muốn đóng góp một phần sức lực để đưa ông Thaksin trở về Thái Lan"- bà Thongsi xúc động nói.

Cũng giống như Thongsi và Prachob, hàng trăm nghìn người khác ở các vùng quê đã ùn ùn kéo về thành phố với ước nguyện tương tự.

Ông T.Suporn - một thủ lĩnh của UDD nói với tờ Bangkok Post: "Đa số người dân Thái đi biểu tình là những người nghèo, trình độ học vấn thấp và mối lo lắng duy nhất của họ là cái ăn cái mặc. Do đó nếu đảng nào giàu sẽ mua được lá phiếu từ họ".

Tuy nhiên, không phải tất cả người “áo đỏ” UDD đều là "dân nghèo, thiếu học thức". Trong các cuộc biểu tình của UDD ở Bangkok có không ít người là sinh viên đại học, kỹ sư, bác sĩ, nhiều người trung lưu sống ở thủ đô Bangkok...

Trong cuộc tuần hành của hàng vạn người "áo đỏ" ở Bangkok ngày 21-3, đa phần tầng lớp lao động và trung lưu tỏ ra thông cảm và nhiều người đã đổ ra đường để ủng hộ UDD và phản đối chính phủ.

Bài toán khó của ông Abhisit

Bắt đầu từ ngày 22-3, UDD điều một nhóm "phản ứng nhanh" gồm khoảng 10.000 thành viên theo đến bất kỳ nơi nào mà Thủ tướng Abhisit Vejjajiva có mặt. Nhiệm vụ của nhóm này không chỉ là ngăn cản Thủ tướng Abhisit thực thi nhiệm vụ mà còn gây sức ép để buộc ông phải giải tán Hạ viện và tổ chức bầu cử trước thời hạn. UDD cũng cảnh báo, nếu kênh truyền hình nhân dân của họ bị chính phủ chặn sóng hay làm gián đoạn thì sẽ có thêm nhiều người biểu tình tràn ra đường phố Bangkok.

Chính trường Thái Lan vốn chứa đựng nhiều bất ổn và không có nhiều vị thủ tướng "trụ" quá một nhiệm kỳ. Ông Thaksin lại là người tái đắc cử nhiệm kỳ 2...

Theo khảo sát của Ngân hàng Thế giới (WB), dù chính sách kinh tế của ông Thaksin bị chỉ trích mạnh mẽ ở nhiều phương diện, nhưng dưới thời của ông, tỉ lệ hộ nghèo ở Thái Lan giảm từ 21,3% (năm 2000) xuống còn 11,3%, thu nhập bình quân tính theo đầu người tăng 38%, GDP tăng từ 149 tỷ USD lên gần 216 tỷ USD, thu nhập của nông dân ở vùng Đông Bắc nghèo nàn tăng 40%...

Nhờ đó, Thái Lan đã trả nợ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) sớm 2 năm. Một thủ lĩnh của UDD tuyên bố: "So với các nhà lãnh đạo tiền nhiệm, chưa có ai làm được cho dân nhiều như ông Thaksin".

Từ khi Thaksin bị lật đổ trong cuộc đảo chính năm 2006, nhiều người Thái vẫn tỏ ra nuối tiếc thời ông làm Thủ tướng.

Chính quyền cựu Thủ tướng Surayud Chulanont hạn chế đầu tư nước ngoài khiến thị trường chứng khoán Thái Lan đảo lộn, việc tăng ngân sách quân sự 35% và nhiều chính sách khác đã đẩy tỉ lệ tăng trưởng Thái Lan xuống mức thấp nhất trong vòng 5 năm.

Cuộc biểu tình chiếm sân bay Suvarnabhumi của PAD hồi tháng 11-2008 đã khiến kinh tế Thái Lan thiệt hại gần 6,4 tỷ USD, ảnh hưởng nặng nề đến du lịch - ngành tạo công ăn việc làm cho 2 triệu người Thái.

Hiện chính sách của Thủ tướng Abhisit coi sự bất ổn và bạo loạn ở Thái Lan hoàn toàn do lỗi của ông Thaksin rõ ràng không mang lại yên ổn trong xã hội.

Giáo sư chính trị Pongsidhirak thuộc Đại học Chulalongkorn nói: "Lẽ ra chính quyền cần lắng nghe những bức xúc của lực lượng áo đỏ chứ không nên phủ nhận hoàn toàn. Chính điều đó sẽ thổi bùng lên ngọn lửa chống đối của UDD".

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem