Trung Quốc chính thức mở đại sứ quán ở Solomon hôm 21.9 (ảnh: SCMP)
Không chấp nhận quan hệ chính thức với Trung Quốc, Malaita – tỉnh lớn nhất của đảo quốc Solomon – đang đòi độc lập.
Trước đó, Thủ tướng Solomon Manasseh Sogavare tuyên bố việc chuyển quan hệ ngoại giao chính thức từ Đài Loan sang Bắc Kinh là “điều đúng đắn phải làm” để đưa đảo quốc hơn 690.000 dân vào “lề phải của lịch sử”.
Li Ming – tân đại sứ Trung Quốc tại Solomon – cho rằng, việc thiết lập quan hệ với Solomon là “phù hợp với xu hướng của thời đại và lợi ích của người dân hai nước”.
Tuy nhiên, tỉnh Malaita với khoảng 150.000 dân – đông nhất cả nước Solomon – lại không cho rằng đó là quan điểm đúng đắn.
Chính quyền tỉnh này kịch liệt phản đối quan hệ với Trung Quốc và đang chuẩn bị tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý để tách khỏi Solomon.
Daniel Suidani – Thủ hiến của Malaita – cho biết, cuộc bỏ phiếu để tách khỏi Solomon sẽ diễn ra trong vài tuần. Theo giới chuyên gia, nếu trưng cầu dân ý được tổ chức, đa số người dân ở Malaita sẽ ủng hộ việc ly khai.
Malaita từ lâu đã có truyền thống quan hệ thân thiết với Đài Loan và Mỹ.
Việc chính phủ Solomon đón nhận sự xuất hiện của nhiều nhà đầu tư Trung Quốc đang làm trầm trọng thêm sự chia rẽ giữa Malaita với đảo quốc.
“Malaita từ lâu đã muốn tách nhưng chính phủ Solomon xem nhẹ nguy cơ này. Trong khi chính quyền trung ương ngày càng tỏ ra thân thiết với Bắc Kinh, Malaita lại thêm tức giận”, Peter Kenilorea Jnr – nghị sĩ ở Solomon – nhận xét.
Tháng 9 năm ngoái, Solomon tuyên bố chuyển quan hệ chính thức từ Đài Loan sang Trung Quốc. Quyết định này lập tức vấp phải sự chỉ trích của tỉnh Malaita – chiếm tới 1/4 dân số cả nước.
Malaita tuyên bố chính phủ “không hề hỏi ý kiến của họ” và họ “không muốn rơi vào ngoại giao bẫy nợ của Bắc Kinh”.
Các đảo quốc Thái Bình Dương đang là nơi cạnh tranh ảnh hưởng giữa Mỹ và Trung Quốc (ảnh: SCMP)
Theo các chuyên gia, nếu tỉnh Malaita thực sự tách khỏi, Solomon sẽ mất “phân nửa quốc gia”. Tuy nhiên, nhận xét này thiên về tính chính trị nhiều hơn bởi diện tích của Malaita chỉ là hơn 4.300 km vuông trong khi diện tích của toàn đảo quốc Solomon là gần 29.000 km vuông.
Thủ hiến Daniel Suidani tuyên bố không chấp nhận bất kỳ khoản vay ưu đãi hoặc đầu tư nào từ Trung Quốc. Ông Daniel Suidani cũng cáo buộc chính phủ “đe dọa” mình vì không chấp nhận quan hệ với Bắc Kinh.
Đầu tháng này, một chiếc máy bay đưa công dân đảo quốc Solomon hồi hương trong dịch Covid-19 bị cáo buộc là “toàn người Trung Quốc” đã khiến dư luận đảo quốc phẫn nộ. Cụ thể, chỉ có 21 hành khách trên chuyến bay là người Solomon còn lại là nhân viên ngoại giao, công nhân Trung Quốc.
Chiếc máy bay gây tranh cãi đã thổi bùng căng thẳng giữa tỉnh Malaita và chính quyền trung ương.
Trước thông tin tỉnh Malaita sắp tổ chức trưng cầu dân ý để tách khỏi, Solomon tuyên bố không công nhận kết quả và có thể đưa toàn bộ chính quyền tỉnh Malaita hầu tòa.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.