Chương trình đã được Ủy ban ATGT Quốc gia và Ford Việt Nam khởi động ngày 29.6. Theo đó, trong năm 2016, chương trình dự kiến mở rộng nội dung đào tạo kỹ năng liên quan đến việc lái xe trên đường cao tốc, tham gia giao thông trên đường hỗn hợp hoặc với điều kiện sương mù cho giảng viên tại các trung tâm sát hạch lái xe.
Chương trình còn đào tạo cho các lái xe taxi, xe khách, xe tải thông qua các Hiệp hội Vận tải và Văn phòng Ban ATGT các địa phương. Dự kiến trong năm nay có 1.500 tài xế được đào tạo miễn phí, đưa tổng số người hưởng lợi từ chương trình trong 8 năm qua lên 11.500 người.
Cùng ngày, Ủy ban ATGT Quốc gia và Ford Việt Nam cũng đã ký kết Kế hoạch phối hợp giảng dạy kỹ năng lái xe an toàn cho sinh viên giai đoạn 2016 - 2020. Ngay trong năm 2016, chương trình sẽ hướng đến mục tiêu đào tạo kỹ năng lái xe cho sinh viên của các 5 trường đại học ở TP.HCM và Hà Nội.
Nội dung đào tạo bao gồm các kỹ năng tham gia giao thông an toàn cùng các hoạt động kêu gọi giới trẻ nâng cao ý thức, văn hóa khi lưu thông trên đường. Đồng thời, chương trình cũng đặt trọng tâm cảnh báo cho giới trẻ về nguy cơ của việc sử dụng điện thoại, chất có cồn khi điều khiển phương tiện giao thông.
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết: “Thực tế lái xe cho thấy, kinh nghiệm chưa phải là điều chắc chắn nhất. Trong vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng tại đèo Prenn vừa qua, tài xế đã có 15 năm kinh nghiệm nhưng vẫn để xảy ra tai nạn. Vì vậy, các tài xế cần được tập huấn thêm về các kỹ năng xử lý tình huống”.
Bên cạnh đó, ông Hùng cũng cho rằng trong khoảng 10 năm tới, tình trạng ô tô đi chung đường với xe máy vẫn sẽ tiếp tục, vì vậy các tài xế cũng cần có kỹ năng xử lý khi tham gia giao thông hỗn hợp.
“Số lượng người đi xe máy chiếm chủ yếu nhưng có khoảng 25% số vụ tai nạn chết người là do người lái xe ô tô gây ra cho người đi xe máy. Do đó, cần tập huấn các kỹ năng xử lý với tình huống có thể xảy ra tai nạn trên đường”- ông Hùng cho hay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.