Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Trong làng nhạc Việt, nhạc sỹ Tuấn Phương được nhiều người ưu ái gọi là "vua nhạc phim" bởi ông sáng tác rất nhiều ca khúc chủ đề cho các bộ phim truyền hình ăn khách của thập niên 90 – 2000 như: "Biển chiều" nhạc phim "Đảo vắng", "Chỉ có mình em thôi" nhạc phim "Tìm lại chính mình", "Tình đất" nhạc phim "Chuyện đã qua", "Người ơi hãy về" nhạc phim "Đồng quê xào xạc", "Thức dậy đi em" nhạc phim "Chàng trai đa cảm"...
Nhiều ca khúc đã vượt ra khỏi khuôn khổ của bộ phim, trở thành những tác phẩm âm nhạc có sức sống bền lâu và mãnh liệt. Tiêu biểu trong số đó là bài "Tình đất" gắn với giọng hát của nhiều ca sĩ như: Trang Nhung, Nông Ái Xuân, Anh Thơ, Phạm Phương Thảo, Tân Nhàn, Ngọc Liên, Huyền Trang…
"Khán giả nói, bài hát "Tình đất" của tôi thân thuộc vì mỗi ca từ đều rất gần gũi, bình dị. Tôi rất hạnh phúc khi ca khúc đã vượt ra khỏi biên giới của một bộ phim để sống độc lập đến tận bây giờ, được các ca sĩ chọn hát rất nhiều".
Nhà thơ Phan Thế Cải (Hà Tĩnh) cảm thán rằng: "Không hiểu sao, cứ mỗi lần nghe Đất bạc màu và vai áo em bạc thêm. Trắng mưa trên đồng, mưa giăng lối nhỏ em về. Đất cùng ta trải bao nắng bao ngày mưa. Đất ôm trọn kiếp người, mảnh đất quê hương ta… Đất yêu người bàn chân lấm bùn khuya sớm. Đất thương người lẻ loi thân cò trên đồng. Nghe rì rào đâu đó tiếng thì thầm của đất. Tiếng dòng sông vỗ sóng gọi ta về… tôi lại lặng người nhớ về nguồn cội, nhớ về đất, nhớ xóm làng. Tôi bắt gặp trong khúc ca ấy hồn cốt quê nhà với cây rơm, cây rạ, với thôn nữ má ửng hồng đợi "mùa xuân chín" đi giữa "mưa giăng lối nhỏ"… Câu hát ngân lên là bóng hình cha mẹ tôi trở về với "cày đồng đang buổi ban trưa", với "cặm cụi thân cò" để làm nên hạt lúa, củ khoai nuôi con nên người".
Chia sẻ với Dân Việt, nhạc sĩ Tuấn Phương cho biết, nếu không có đạo diễn Tất Bình "kéo" ông vào viết nhạc phim từ năm 1994 và không có đạo diễn Trần Phương đặt hàng ông viết nhạc phim "Chuyện đã qua" năm 1998 thì đã không có "Tình đất". Vì thế, nhắc đến ca khúc này, ông lại nhớ về kỷ niệm với cố đạo diễn Trần Phương.
Theo đó, năm 1998, đạo diễn Trần Phương bắt tay vào thực hiện bộ phim "Chuyện đã qua" – một bộ phim truyền hình được phóng tác từ tiểu thuyết "Thủy hỏa đạo tặc" của Hoàng Minh Tường, nói về những vấn đề nổi cộm ở nông thôn Bắc Bộ thời hiện đại, đặc biệt là vấn nạn bè phái trong chính quyền, mâu thuẫn giữa các dòng họ và giải pháp tăng năng suất lao động trong bối cảnh cơ chế không theo kịp tiến triển thời đại.
"Lúc đặt hàng tôi viết nhạc, đạo diễn Trần Phương có bảo: "Cậu viết làm sao mà bài hát phải diễn tả được nỗi khổ, nỗi lo lắng của người nông dân". Về nhà, tôi nghĩ mãi mới, cuối cùng quyết định dùng hình ảnh "đất bạc màu và vai áo em bạc thêm" để diễn tả nỗi khổ của người nông dân.
Tôi thấy tuổi thơ của mình rõ mồn một trong bài "Tình đất". Bởi tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Đông nhưng những ngày chiến tranh phải về quê Chương Mỹ (Hà Nội) sơ tán, ăn cơm nấu từ gạo mậu dịch do bố mẹ gửi về, lúc nào cũng mong ngóng bố mẹ về nơi sơ tán. Nhờ những ngày sơ tán, tôi biết người ta gọi nhau đi họp tổ lao động như thế nào, trời mưa người nông dân vẫn lầm lũi lao động ngoài ruộng hợp tác ra sao.
Lúc mới viết xong ca khúc này, tôi mời một nữ ca sỹ thu âm nhưng bản thu này vẫn chưa ưng ý. Chỉ đến khi mời được Nông Xuân Ái - một nghệ sỹ người Tày ở Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc từ Thái Nguyên xuống Hà Nội thu âm thì tôi mới thực sự ưng. Xuân Ái hát có những câu từ như "vặn" vào lòng mình vậy. Sau này, có rất nhiều ca sỹ hát "Tình đất" như Anh Thơ, Tân Nhàn, Huyền Trang… nhưng có lẽ tôi thích Xuân Ái hát nhất", nhạc sỹ Tuấn Phương tâm sự.
Nhạc sĩ Tuấn Phương cũng tiết lộ rằng, "Tình đất" là ca khúc mà ông viết nhanh nhất trong sự nghiệp sáng tác của mình. Ông thức viết lúc 2h đến 4h sáng đã viết xong để kịp cho ca sĩ Trang Nhung thu âm trước khi bay sang Tây Ban Nha lưu diễn. Ông cảm giác như bao ký ức từ ngày xửa ngày xưa, khi gắn bó với đồng ruộng, khi chứng kiến sự lam lũ của người nông… chất chứa trong mình bộc trào ra theo mạch cảm xúc. Vì thế mà trong bài hát, từ "đất" được lặp đi lặp lại rất nhiều lần và mỗi lần đều xuất hiện dưới một hình thái khác nhau. Và cũng bởi lẽ đó mà "Tình đất" và "Chỉ có mình em thôi" là hai ca khúc mà nhạc sĩ Tuấn Phương tâm đắc nhất trong gia tài âm nhạc của mình.
"Tình đất" chứa đựng sự mộc mạc, giản dị như đời sống người nông dân một thời nên cũng đã chạm vào ký ức của rất nhiều khán giả trung tuổi. Có một vị lãnh đạo sau khi nghe "Tình đất" của tôi đã gọi điện nói rằng, nghe ca khúc này anh ấy rất xúc động, nhớ đến bàn chân mẹ thời nghèo khó khi xưa lấm bùn, bùn thấm cả vào gót chân.
Anh ấy nghe bài hát còn kỹ lưỡng đến mức muốn đổi chữ "lấm bùn" trong câu "Đất yêu người bàn chân lấm bùn khuya sớm" thành "thấm bùn". Chữ "thấm" ấy rất đắt, chỉ tiếc rằng ca khúc đã có đời sống hàng chục năm, không thể đổi lại được. Khán giả nói, bài hát của tôi thân thuộc vì mỗi ca từ đều rất gần gũi, bình dị. Tôi rất hạnh phúc khi ca khúc đã vượt ra khỏi biên giới của một bộ phim để sống độc lập đến tận bây giờ, được các ca sĩ chọn hát rất nhiều", nhạc sĩ Tuấn Phương kể.
Trò chuyện với Dân Việt, NSND Phạm Phương Thảo tiết lộ rằng, thập niên 2000, khi bắt đầu sự nghiệp ca hát với Giải 3 (dòng nhạc dân gian) Sao Mai 2003, chị đã bén duyên với ca khúc "Tình đất" của nhạc sĩ Tuấn Phương. Ca khúc này được nhiều người yêu thích đến nỗi chương trình nào chị tham gia cũng được yêu cầu hát bài này. Và chính nhờ ca khúc này mà chị đã mua được chiếc xe ô tô hiệu Honda đầu tiên trong đời.
"20 năm trước, người ta xây dựng nhiều lắm. Các tòa nhà văn phòng, khu công nghiệp… mỗi lần động thổ đều làm lễ khởi công và mời ca sĩ về hát. Có ngày tôi chạy 6- 7 show hát trong lễ động thổ. Và lễ động thổ nào cũng yêu cầu tôi hát bài "Tình đất" của nhạc sĩ Tuấn Phương. Nhờ ca khúc này mà tôi gom góp mua được chiếc xe ô tô tiền tỷ đầu tiên trong đời", Phạm Phương Thảo kể.
Trong khi đó, tâm sự với Dân Việt, ca sĩ Anh Thơ cũng bộc bạch rằng: "Giai điệu và lời ca của bài "Tình đất" rất gần gũi vì tôi cũng xuất thân từ nông thôn. Hồi bé, tôi cũng lăn lộn trên ruộng đồng như bao đứa trẻ "nhà nông", từng cuốc đất bị mảnh sành cứa chảy máu, phải dùng vải băng chân lại rồi cuốc tiếp, những trưa nắng chang chang đi bắt cua, trốn bố mẹ đi tắm sông.
Mỗi khi hát lên ca khúc này, không chỉ tôi mà nhiều khán giả như được trở về với mảnh ruộng khô nứt nẻ trước nhà và những chiều mùa đông lạnh cóng. Thấy được cả hình ảnh của bà, của mẹ, của chị… của những người phụ nữ tảo tần trên đồng ruộng. Đây cũng là một ca khúc đưa đến cho tôi rất nhiều thứ, tôi mua được nửa căn nhà đầu tiên có lẽ là nhờ "Tình đất". "Tình đất" gắn bó với tôi trong không biết bao nhiêu sân khấu lớn nhỏ và đến bây giờ người ta vẫn yêu thích".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.