Doanh số thấp, lại có nhiều doanh nghiệp được vinh danh đóng góp lớn cho ngân sách cũng có nghĩa là giá ô tô sẽ còn cao ngất ngưởng.
2 DN ô tô đóng thuế nhiều nhất
Trong số 30 doanh nghiệp đóng thuế nhiều nhất được Tổng cục Thuế điểm tên mới đây, ngành ô tô có 2 doanh nghiệp. Đó là Công ty Toyota Việt Nam và Công ty ô tô Trường Hải.
Toyota đầu tư vào Việt Nam từ năm 1995. Sau 25 năm, hãng đạt tổng doanh số bán cộng dồn hơn 650.000 xe, trong đó có 550.000 xe lắp ráp trong nước và đã nộp số thuế tổng cộng gần 9,4 tỷ USD (tương đương trên 200.000 tỷ đồng). Tính riêng giai đoạn 2015-2019, Toyota Việt Nam đã đóng góp vào ngân sách nhà nước 2,7 tỷ USD (tương đương hơn 60.000 tỷ đồng).
Còn Công ty ô tô Trường Hải, giai đoạn từ 2015-2019 đã nộp 85.294 tỷ đồng thuế, cho sản lượng ô tô gần 500.000 chiếc các loại, bao gồm cả xe tải.
Ngoài hai doanh nghiệp trên, ngành ô tô còn có những cái tên khác thời gian qua luôn đóng góp lớn cho ngân sách, chẳng hạn như Công ty TC Motor (thuộc tập đoàn Thành Công), hay Mercedes Benz Việt Nam, Ford Việt Nam,... Năm 2018, trong số 1.000 doanh nghiệp đóng thuế lớn nhất, do Tổng cục Thuế công bố, thì Mercedes Benz Việt Nam xếp vị trí thứ 70 và Ford Việt Nam xếp thứ 74.
Tuy nhiên, thị trường ô tô Việt Nam trong giai đoạn 2015-2019 chỉ đạt quy mô bình quân khoảng 300.000 xe/năm, thì nộp thuế nhiều cũng đồng nghĩa với việc phải chịu gánh nặng về thuế.
Chịu gánh nặng nhất chính là ô tô cá nhân từ 9 chỗ ngồi trở xuống. Hiện nay, ô tô cá nhân đang phải chịu các khoản thuế chính gồm, thuế nhập khẩu (xe nguyên chiếc hoặc bộ linh kiện), thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng. Ngoài ra doanh nghiệp kinh doanh có lãi, còn phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng đều là thuế gián thu, người mua xe phải trả. Hơn nữa 3 loại thuế này còn bị đánh chồng lên nhau, nên thường chiếm từ 30-70% trong giá bán, tùy từng mẫu xe.
Theo tính toán, một 1 chiếc xe ô tô lắp ráp tại Việt Nam có giá xuất xưởng 500 triệu đồng, nếu được ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện 0% chỉ phải chịu 40% thuế tiêu thụ đặc biệt và 10% thuế giá trị gia tăng thì hai khoản này đã lên tới 270 triệu đồng. Với Toyota Việt Nam, có doanh số bán cộng dồn 650.000 xe mà nộp thuế tới 9,4 tỷ USD, tính bình quân mỗi chiếc xe bán ra nộp vào ngân sách khoảng 300 triệu đồng.
Xa vời giấc mơ xe giá rẻ
Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây đã đưa nhận định: giá ô tô Việt Nam cao gấp hơn gần 2 lần so với các nước như Thái Lan, Indonesia và con số này còn lớn hơn, nếu so với các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản,... Nguyên nhân lớn nhất khiến giá xe trong nước tăng cao là do thuế, phí cao, trong khi sản lượng tích lũy thấp.
Giới chuyên môn cho rằng, chính vì thuế, phí quá cao, trong khi thu nhập thấp, đã hạn chế số người mua xe, khiến thị trường ô tô Việt Nam có quy mô nhỏ, không thể tăng sản xuất. Sản lượng thấp, lại khiến cho chi phí sản xuất cao, đặc biệt là chi phí khấu hao, dẫn đến giá bán cao.
Ngoài 3 khoản thuế lớn trên thì người mua xe còn phải chịu thêm lệ phí trước bạ từ 10-12%, tính trên giá bán tùy từng địa phương, chưa kể những phí khác.
Mấy năm gần đây, thị trường ô tô Việt Nam đã chứng kiến mức tăng trưởng cao, tuy nhiên, tỷ lệ sở hữu xe tính trên 1.000 dân vẫn thấp xa so với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Việt Nam hiện có tỷ lệ 23 xe/1.000 dân, thấp hơn hẳn so với các nước Brunei, Malaysia, Thái Lan, Indonesia,...
Với dân số trên 96 triệu người, trong khi cả nước chỉ có hơn 3 triệu ô tô các loại. Nếu chỉ tính xe cá nhân chiếm 55% tổng số ô tô thì con số này còn thấp hơn nữa, mới chỉ khoảng 2% dân số có ô tô riêng.
GDP bình quân đầu người Việt Nam năm 2019 mới chỉ đạt 2.740 USD/người/năm, trong khi giá xe ô tô lại cao gấp 2-3 lần thế giới, vì vậy sở hữu ô tô là chuyện rất xa xỉ với nhiều người. Với thu nhập bình quân như vậy, tính ra phải sau 7 năm không chi tiêu gì, mới tích cóp đủ tiền mua một chiếc xe có giá tầm 400 triệu đồng.
Trong khi đó, một số quốc gia lân cận từ lâu đã khuyến khích người dân sử dụng ô tô. Chẳng hạn như Thái Lan có những chương trình kéo dài nhiều năm cho người dân vay vốn mua ô tô, được hỗ trợ lãi suất; hay Indonesia thúc đẩy kế hoạch sản xuất ra những chiếc xe giá rẻ dưới 10.000 USD để tầng lớp bình dân có thể dễ dàng tiếp cận. Khi giá xe thấp thì sản lượng tăng và ngành công nghiệp ô tô phát triển. Tại Thái Lan hàng năm sản xuất 2 triệu ô tô, còn Indonesia khoảng 1,2 triệu ô tô, không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước còn xuất khẩu.
Việt Nam có tổng công suất lắp ráp xe cá nhân hơn 500.000 xe/năm nhưng mới chỉ hoạt động đạt gần một nửa. Doanh số thấp, lại có nhiều doanh nghiệp được vinh danh đóng góp lớn cho ngân sách cũng có nghĩa là giá ô tô sẽ còn cao ngất ngưởng. Giấc mơ ô tô giá rẻ của người Việt chưa biết đến khi nào mới thành hiện thực.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.