Đội tàu chiến Nhật Bản tập trận (ảnh: Reuters)
Theo giới quan sát, nếu chính sách quân sự mới này được thông qua, đây sẽ là “bước ngoặt” lớn nhất đối với năng lực phòng thủ của Nhật Bản. Sau Thế chiến II, Nhật Bản đã cam kết không xây dựng quân đội để tấn công xâm lược nước khác.
Lực lượng quân sự hiện nay của Nhật Bản là Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, có vai trò phòng thủ đất nước.
Hội đồng An ninh Quốc gia Nhật Bản (NSC) cho biết, họ đã nhận được chỉ đạo từ ông Abe, xem xét cho phép lực lượng phòng vệ nước này bắn tên lửa vào căn cứ quân sự đối phương, nhằm ngăn chặn nguy cơ nước Nhật bị tấn công.
Theo Thủ tướng Abe, việc cho phép Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản bắn tên lửa vào quốc gia khác chỉ nhằm mục đích phòng thủ, không phải tấn công xâm lược.
Sự thay đổi chính sách của Nhật Bản đưa ra trong bối cảnh nước này ngày càng lo ngại những hoạt động quân sự của Trung Quốc gần quần đảo tranh chấp Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư).
“Nguyên nhân chính cho sự thay đổi của chúng tôi là Trung Quốc”, Masahisa Sato – Nghị sĩ đảng Dân chủ Tự do (cùng đảng với ông Abe) – nói.
Theo NSC, cơ quan này vẫn đang họp bàn về đề xuất của ông Abe. Vấn đề lớn nhất cần cân nhắc là liệu việc cho phép lực lượng phòng vệ bắn tên lửa vào Trung Quốc hoặc một số nước khác cùng khu vực có thực sự giúp bảo vệ Nhật Bản hay không.
Các chuyên gia cho rằng, ông Abe muốn thông qua chính sách mới này trước khi rời ghế Thủ tướng. Điều này sẽ giúp người kế nhiệm ông không phải gánh nhiều áp lực khi mới nhậm chức.
“Đây là một ân huệ lớn đối với người sắp kế nhiệm ghế Thủ tướng của ông Abe”, Jeff Kingston – chuyên gia nghiên cứu châu Á tại Đại học Temple – nhận xét.
Thủ tướng Abe muốn Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản được phép bắn tên lửa vào nước khác (ảnh: SCMP)
“Việc thay đổi chính sách quân sự mang tính bước ngoặt như vậy có thể gây phản ứng không tốt cho người kế nhiệm. Đây không phải vấn đề mà ai cũng dám đặt ra. Cho phép Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản bắn tên lửa vào nước khác chắc chắn sẽ kích động một số nước láng giềng”, ông Jeff Kingston nói thêm.
Theo ông Kingston, cam kết “vĩnh viễn từ bỏ chiến tranh xâm lược” của Nhật Bản sẽ bị “lung lay” nếu chính sách mới được thông qua. Ngoài ra, Nhật Bản cũng sẽ bị Trung Quốc chỉ trích.
Trong những năm cuối nhiệm kỳ của mình, Thủ tướng Abe đã nỗ lực thay đổi một số quy định về quân sự được áp dụng từ sau Thế chiến II, nâng cao sức mạnh phòng thủ cho Nhật Bản.
Mặc dù lực lượng phòng vệ được đánh giá là mạnh mẽ, nhưng Nhật Bản lại không có tên lửa đạn đạo.
Theo các chuyên gia, nếu Nhật Bản muốn phát triển khả năng bắn tên lửa vào nước khác, chi phí sẽ rất tốn kém. Tuy nhiên, Nhật Bản có thể tiến rất nhanh nhờ sự hỗ trợ từ công nghệ vũ khí của Mỹ.
Katsutoshi Kawano – cựu quan chức Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản – cho rằng, tên lửa Tomahawk của Mỹ sẽ là vũ khí được nhắm đến nếu Nhật Bản thông qua chính sách quân sự do Thủ tướng Abe đề xuất.
Tên lửa Tomahawk có tầm bắn 2.500 km, nếu được đặt ở Nhật Bản, sẽ đưa hầu hết lãnh thổ Trung Quốc vào tầm ngắm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.