Dầu ăn sử dụng không đúng cách tác hại khôn lường

Thứ bảy, ngày 19/03/2016 13:00 PM (GMT+7)
Các món chiên, xào là khoái khẩu của nhiều người nhưng việc sử dụng dầu ăn để chế biến không đúng cách lại gây tác hại đến không ngờ.
Bình luận 0

Dùng dầu ăn hoàn toàn thay mỡ

img

Để có sức khỏe tốt khi nấu ăn tốt nhất nên dùng cả dầu thực vật và mỡ động vật để chế biến thức ăn. Mỡ động vật vẫn có những tác dụng nhất định với cơ thể nên chúng ta vẫn cần dùng đến trong thực đơn hàng ngày.

Mỡ động vật cung cấp lipid để cấu tạo nên các bộ phận trong cơ thể, cung cấp cholesterol cho cơ thể mặc dù số lượng không nhiều. Dầu thực vật có tác dụng cung cấp các axit béo không no (omega3 và omega6).

Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên, với người khỏe mạnh bình thường thì nên sử dụng song song dầu thực vật mà mỡ động vật (trẻ em nên ăn theo tỉ lệ 50 - 50). Còn với người béo phì, cholestorol cao, mỡ máu, có nguy cơ tăng huyết áp, tiểu đường… thì chỉ nên dùng dầu thực vật để giảm lượng chất béo động vật vào cơ thể. Người bị xơ vữa động mạch đã có biểu hiện ra thành bệnh tim mạch thì nên ăn hoàn toàn dầu thực vật.

Dầu ăn chiên đi chiên lại

Rất nhiều người có thói quen khi chiên, rán thức ăn thường dùng nhiều dầu mỡ. Sau khi rán xong, thay vì đổ đồ mỡ thừa đi thường giữ lại chiên đi chiên lại hoặc rán, xào các món ăn cho bữa ăn sau. Tuy nhiên, đây là cách không tốt cho sức khỏe chút nào.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, dầu ăn sau khi dùng để chiên, rán tốt nhất nên bỏ đi không nên sử dụng lại vì sau khi rán, mùi mỡ đã có mùi thức ăn cũ, khét khi dung chế biến tiếp sẽ làm thực phẩm mất hương vị thơm ngon.

Sau khi nấu ở nhiệt độ cao trong thời gian dài, trong dầu ăn rất dễ sản sinh ra transfat - một chất có hại cho sức khỏe, aldehyde, fatty acid oxide... Những chất này khi đi vào cơ thể sẽ phá hủy các men tiêu hóa làm khó tiêu, đau bụng, tiêu chảy, các bệnh lý tim mạch, ung thư…

Dầu ăn chiên đi chiên lại cũng làm giảm giá trị của dầu, phá hủy các vitamin có trong dầu. Đồng thời những cặn thực phẩm bị cháy trong quá trình chiên rán còn đọng lại trong dầu đã qua sử dụng mà mắt thường không nhìn thấy cũng là một tác nhân gây hại cho sức khỏe người sử dụng.

Khi nấu ăn, các bà nội trợ cần cân đối lượng dầu mỡ phù hợp tránh lãng phí và không dùng lại dầu, mỡ thừa.

Dùng dầu ăn ở nhiệt độ cao

img

Một sai lầm "chết người" mà rất nhiều người mắc phải là cho dầu vào nồi rồi chờ tới khi dầu ăn sôi và bốc khói mới cho thức ăn vào chế biến.

Nhiệt độ cao không những làm ảnh hưởng, phá vỡ chất dinh dưỡng có trong dầu ăn và còn sản sinh ra các chất độc là nguyên nhân dẫn tới căn bệnh ung thư.

Các nhà khoa học cho rằng, dầu ăn khi đun nóng trên 180 độ C sẽ khiến dầu biến chất sinh ra các chất độc hại. Cụ thể, khi bị ra nhiệt quá cao (đun nấu ở nhiệt độ cao), các chất axit béo trong dầu thực vật sẽ bị rối loạn cấu trúc tế bào, có thể gây đột biến gen.

Chúng có thể tạo ra các amin sinh vật dẫn đến nguy cơ gây ung thư, đặc biệt là ung thư trực tràng, ung thư gan, phổi, vú. Ngoài ra chúng còn có nguy cơ làm giảm miễn dịch của cơ thể do làm dư thừa lipid...

Để an toàn, bạn có thể dùng chảo hay nồi để trên bếp cho tới khi nóng già rồi mới đổ dầu vào và chế biến. Nhận biết nhiệt độ dầu qua cảm quan bằng cách dầu càng sôi lâu thì nhiệt độ càng tăng.

Ăn duy nhất một loại dầu ăn

Hiện nay, hầu như các gia đình thường chỉ dùng duy nhất một loại dầu ăn. Thật ra nên dùng nhiều loại dầu ăn để thay thế cho nhau hoặc là mỗi loại nên dùng trong một thời gian.

Hết quãng thời gian đó thì chuyển sang loại dầu ăn khác vì không phải loại dầu ăn nào cũng đáp ứng đầy đủ những chất mà cơ thể cần. Việc thay đổi các loại dầu ăn khác nhau sẽ có lợi cho cơ thể.

Nhiều người lại có tâm lý ngại dầu ăn vì sợ chất béo. Đây là cách nghĩ sai lầm. Nhu cầu chất béo chiếm từ 15-30% trên tổng năng lượng mang lại từ khẩu phần ăn là cân đối. Dầu ăn sẽ cung cấp một lượng chất béo hữu ích.

Trong căn bếp của mỗi gia đình nên có 2 loại dầu. Một loại phù hợp cho chiên, rán như các loại dầu cooking vì có khả năng chịu được nhiệt độ cao trong quá trình nấu nướng.

Còn một loại dầu chỉ dùng để sử dụng với những món ăn xào, ướp thực phẩm, ăn sống trực tiếp, làm salad, gỏi như các loại dầu như hướng dương, đậu nành, hạt cải, ôliu… hấp thu tốt các vitamin A, D, E, K có trong thực phẩm, bổ sung các acid béo thiết yếu và tăng vị ngon cho thức ăn.

Cách phân biệt dầu ăn sạch - bẩn

img

Hiện nay trên thị trường, xuất hiện hàng trăm lít dầu ăn bẩn được làm từ rác thải và cặn dầu đã qua chế biến nhập khẩu từ nước ngoài. Đó là chưa kể đến số lượng dầu ăn kém chất lượng, dầu ăn giả được pha bằng các chất hóa học do các cơ sở trong nước làm giả.

Tất cả số dầu ăn này, được bán tràn lan khiến các bà nội trợ gặp nhiều khó khăn trong việc phân biệt dầu ăn thật giả. Những mẹo nhỏ sau đây có thể giúp bạn phân biệt được chất lượng dầu ăn qua màu sắc, mùi vị, trạng thái và độ trong của dầu ăn:

Màu sắc

- Dầu ăn thật: Dầu có màu vàng sẫm, dầu chất lượng trung bình, màu nhạt hơn. Nhìn chung, dầu ăn chất lượng có màu tươi sáng hơn.

Nếu là dầu hạt cải thì trong màu vàng có thoáng chút màu xanh lục, nếu là dầu hạt lạc thì sẽ thấy thoáng có chút sắc cam hoặc vàng cam.

- Dầu ăn giả: Màu sậm, không sáng mà hơi xỉn màu. Thường là các màu vàng nâu, vàng sậm, hơi đen.

Độ trong của dầu

- Dầu ăn thật: Có độ trong suốt, không thấy lợn cợn hoặc dấu hiệu lắng cặn, đông đặc. Khi lắc can dầu, cảm giác dầu chảy trơn tru, dễ dàng hơn.

- Dầu ăn giả: Thường ít trong hơn do có lẫn tạp chất hoặc nước pha. Có dấu hiệu lắng cặn và đông đặc. Khi lắc can dầu, cảm giác dầu chảy sền sệt, đông đặc hơn.

Độ đông đặc

- Dầu ăn thật: Ít bị đông đặc trong nhiệt độ phòng ở mùa lạnh. Nếu có thì chỉ xuất hiện lớp đông hơi lợn cợn phía trên thành can dầu.

- Dầu ăn giả: Dễ bị đông đặc lắng cặn dưới đáy can dầu hoặc thậm chí là đông đặc cả can dầu trong nhiệt độ phòng ở mùa lạnh.

Mùi vị

- Dầu ăn thật: Có độ béo ngấy, thơm đặc trưng của dầu ăn. Nếu là các loại dầu ăn chiết xuất đặc biệt như dầu dừa, dầu hạt cải, dầu hạt lạc thì sẽ thấy hương vị riêng của từng loại. Khi nếm không có vị đắng chát, chua.

- Dầu ăn giả: Không có vị béo ngấy và thơm như dầu ăn thật. Nếu nếm thử sẽ không thấy độ béo ngậy, thậm chí có thể thấy các mùi vị khác lạ do dầu ăn được pha tạp chất hoặc các hóa chất.

Ngoài ra, bạn cũng có thể dùng một số mẹo đơn giản sau để thử kiểm tra chất lượng dầu ăn trong gia đình.

- Lấy một ít nước i-ốt hoặc muối i-ốt nhỏ thử vào một ít dầu ăn thí nghiệm, nếu thấy có màu xanh lam nổi lên, chứng tỏ, dầu ăn mà bạn chọn đã bị pha trộn tạp chất có chứa tinh bột.

- Thử đun nóng dầu ăn lên nhiệt độ 150ºC hoặc nhiệt độ cao nhất có thể và để nguội. Nếu thấy có lắng cặn thì dầu ăn đã bị pha tạp chất. Càng nhiều lắng cặn chứng tỏ càng nhiều tạp chất.

Mimi (Ngôi sao)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem