Nghệ sĩ Hán Văn Tình được chẩn đoán ung thư phổi cách đây một năm rưỡi. Mới đây, ông nhập viện trong tình trạng khẩn cấp và tiên lượng xấu. Ông qua đời tại nhà riêng lúc 11h20 trưa 4.9 tại nhà riêng ở Hà Nội. Chưa hết sốc với thông tin này, người hâm mộ lại bất ngờ khi bạn bè chia sẻ ca sĩ Minh Thuận cũng đang mắc ung thư phổi.
Theo chia sẻ, nam ca sĩ Minh Thuận đang điều trị tại bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, TP HCM. Anh bị tai biến nên phải nằm ở phòng hồi sức. Đến ngày 2.9 bác sĩ mới cho biết Minh Thuận bị bệnh ung thư phổi.
Ca sĩ Minh Thuận mắc ung thư phổi, theo bạn bè anh, Minh Thuận đang phải nằm ở phòng hồi sức. Ảnh: I.T
Ung thư phổi là căn bệnh nguy hiểm do khối u ác tính gây ra. Theo các bác sĩ, người bệnh có cơ hội chữa khỏi bệnh nếu chẩn đoán ở giai đoạn đầu, nhận biết được dấu hiệu bệnh ung thư phổi; ở giai đoạn muộn tuy không chữa khỏi được nhưng vẫn có thể điều trị giảm triệu chứng bệnh, kéo dài thời gian sống.
Nhiều người nghĩ rằng nguyên nhân chính khiến ung thư phổi ngày càng gia tăng là do ô nhiễm môi trường song thực tế không hẳn vậy. Theo bác sĩ Lim Hong Liang, chuyên gia về ung thư phổi và vùng đầu mặt cổ thuộc Trung tâm ung thư Parkway Singapore (PCC), môi trường có liên quan đến bệnh này nhưng chiếm tỷ lệ rất thấp. Còn theo các nghiên cứu, hút thuốc lá mới là nguyên nhân phổ biến nhất gây ung thư phổi.
Trên một tờ báo, bác sĩ, Tiến sĩ Bùi Chí Viết, Trưởng Khoa Ngoại 2, Bệnh viện Ung bướu TP HCM cho biết, tại Việt Nam ung thư phổi đứng hàng thứ nhất trong 10 loại ung thư thường gặp trên cả hai giới.
Hút thuốc lá là nguyên nhân phổ biến nhất gây ung thư phổi. Ảnh: I.T
Ung thư phổi chiếm ưu thế ở nam giới 50-75 tuổi. Đa số ung thư phổi xuất hiện ở những người đã và đang hút thuốc lá (80%) cộng thêm 5% ước tính do hậu quả của sự tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá...
Có 10 đến 13% người nghiện thuốc lá có nguy cơ ung thư phổi với một thời kỳ tiềm ẩn từ 30 đến 40 năm tính từ lúc mới bắt đầu hút thuốc cho đến khi xuất hiện ung thư phổi.
Công nhân làm việc ở một số mỏ có nguy cơ ung thư phổi cao hơn như mỏ phóng xạ uranium, mỏ kền, mỏ cromate, công nhân làm việc trong một số ngành nghề có tiếp xúc amiant, công nghiệp hóa dầu, công nghiệp nhựa, khí đốt. Việc tiếp xúc với khí radon, các ô nhiễm không khí từ kỹ nghệ kim loại nặng và môi trường ô nhiễm khói thuốc có liên quan đến sự xuất hiện ung thư phổi…
Theo bác sĩ Bùi Chí Viết, bệnh nhân cần được khám lâm sàng một cách tỉ mỉ, đối với các bệnh nhân đã biết rõ hoặc nghi ngờ ung thư phổi vì những biểu hiện đa dạng của diễn tiến tại chỗ - tại vùng và di căn xa.
Những dấu hiệu nhận biết ung thư phổi: Các triệu chứng thường gặp là ho, chiếm khoảng 70% các trường hợp, khó thở, ho ra máu, viêm phổi tái diễn, đau ngực. Có thể kèm triệu chứng khan tiếng, do khối bướu xâm lấn trực tiếp hay do các hạch bạch huyết ở trung thất bị di căn và làm liệt dây thanh âm.
Sụt cân là một dấu hiệu thường thấy, nhưng nó thường kết hợp với các triệu chứng khác, cho nên nó không phải là triệu chứng đặc hiệu riêng cho ung thư phổi.
Phòng ngừa căn bệnh ung thư phổi: Hút thuốc lá là nguyên nhân chú yếu dẫn đến ung thư phổi, Tỷ lệ mắc ung thư phổi của người hút thuốc lá so với những người không hút cao hơn gấp 10 lần. Vì thế việc đầu tiên là cần bỏ thuốc lá và tránh xa khói thuốc. Ngoài ra cần tập thể dục, vận động thể lực, ăn nhiều rau xanh và hoa quả đồng thời tránh tiếp xúc với phóng xạ, kim loại nặng…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.