Đâu là nguyên nhân gây đắm tàu ngầm nguyên tử USS Scorpion?

Trần Lợi Thứ ba, ngày 24/03/2020 20:30 PM (GMT+7)
Sau khi tàu ngầm nguyên tử USS Scorpion của Mỹ đắm vào ngày 22/5/1968 làm toàn bộ 99 thủy thủ thiệt mạng, Bộ Hải quân đã thành lập một tòa án nhằm điều tra nguyên nhân đắm tàu. Tòa án đưa ra giả thuyết một quả thủy lôi Mark 37 đã vô tình phát nổ làm đắm tàu. Tuy nhiên, những tài liệu được giải mật mới đây cho thấy đắm tàu có thể do một nguyên nhân khác.
Bình luận 0

Được hạ thủy năm 1959, tàu Scorpion là loại tàu ngầm được thiết kế với nhiệm vụ chống lại các hạm đội tàu ngầm của Liên Xô trong trường hợp xảy ra xung đột. Trên tàu có cả một nhóm các nhà ngôn ngữ chuyên nghiên cứu tiếng Nga để nghe trộm các đường truyền thông tin của Hải quân Liên Xô và các đơn vị quân đội khác.

img

Tàu ngầm nguyên tử USS Scorpion.

Sau ba tháng hoạt động tại biển Địa Trung Hải cùng hạm đội 6 của Mỹ, tháng 5/1968, tàu Scorpion được điều động trở lại căn cứ tại Norfolk. Khoảng nửa đêm ngày 17/5/1968, USS Scorpion nổi lên mặt nước tại căn cứ tàu ngầm của Mỹ đặt tại Rota, Tây Ban Nha để trả hai người lên đất liền. Và đó cũng là lần cuối cùng người ta nhìn thấy nó. 5 ngày sau, các nhà chức trách thông báo tàu USS Scorpion bị đắm.

Hơn 5 tháng sau, xác của con tàu ngầm USS Scorpion được người ta phát hiện dưới đáy Đại Tây Dương, nằm sâu dưới mặt nước tới 2 dặm. Tất cả 99 thủy thủ trên tàu đều thiệt mạng.

Ngay sau khi nhận được tin tàu bị đắm, Bộ Hải quân Mỹ đã cho thành lập một tòa án để điều tra xác định nguyên nhân đắm tàu. 7 sĩ quan cao cấp của Hải quân Mỹ trong tòa án đã làm việc từ mùa hè năm 1968 tới tận tháng Giêng năm 1969 mới hoàn thành bản báo cáo cuối cùng về vụ đắm tàu này. Tuy nhiên, bản báo cáo cuối cùng được giữ bí mật suốt 24 năm sau đó vì lý do an ninh quốc gia. Trong suốt khoảng thời gian đó, Bộ Hải quân trả lời rằng họ không xác định được nguyên nhân chính xác tàu USS Scorpion bị đắm và từ chối công bố kết luận của tòa án.

Đến cuối năm 1993, Hải quân Mỹ cho giải mật gần như toàn bộ kết luận của tòa án điều tra này. Trong bản báo cáo cuối cùng dày 1.345 trang, tòa án điều tra đã phản bác lại khả năng tàu bị đắm là do trục trặc kỹ thuật khiến nước tràn vào trong tàu và họ cho rằng, tàu đắm do một nguyên nhân khác. Bernard Austin, người đứng đầu ủy ban này kết luận: Chứng cứ rõ ràng nhất khiến tàu ngầm bị đắm là do một quả ngư lôi vô tình phát nổ và làm vỡ vỏ tàu.

Những tiết lộ mới

Tòa án điều tra thì kết luận vụ đắm tàu USS Scorpion không có liên quan đến việc con tàu này do thám tàu ngầm của Liên Xô, và cho rằng sự có mặt của các tàu Liên Xô tại khu vực tàu USS Scorpion bị đắm chỉ là để nghiên cứu thủy âm học chứ không tham gia một nhiệm vụ quân sự. Lúc đó có hai tàu nghiên cứu cùng một tàu ngầm cứu hộå. Cho đến mãi tận gần đây, người phát ngôn của Hải quân Mỹ vẫn khẳng định rằng, tàu ngầm nguyên tử USS Scorpion bị đắm là do trục trặc kỹ thuật khi đang trở về căn cứ tại Norfolk và phủ nhận sự liên quan của một tàu chiến hay tàu ngầm của Liên Xô.

Trên thực tế, việc tàu USS Scorpion bị đắm là hậu quả của một mạng lưới tình báo, việc trinh sát công nghệ cao và có thể là cả sự đối đầu quân sự thời Chiến tranh lạnh mà cả Liên Xô và Mỹ đều muốn giấu.

Trước hết, tàu Scorpion không phải bị đắm trên đường vượt Đại Tây Dương trở về căn cứ mà đang trên đường thực hiện một nhiệm vụ tối mật. Theo những tài liệu mới được giải mật, ngày 17/5/1968, tàu Scorpion đang trên đường trở về căn cứ tại Norfolk thì nhận được một bức điện mật vào lúc gần nửa đêm. Phó đô đốc Arnold Schade, chỉ huy của lực lượng tàu ngầm tại Đại Tây Dương giao một nhiệm vụ mới cho Scorpion.

Tàu được lệnh phải thay đổi lộ trình và hướng về phía quần đảo Canary, nơi Hải quân Mỹ đã phát hiện thấy một hạm đội tàu ngầm của Liên Xô đang hoạt động. Theo thông báo thì trong hạm đội này của Liên Xô có cả tàu ngầm nguyên tử lớp Echo-II được thiết kế để tấn công tàu sân bay và được trang bị thủy lôi chống tàu ngầm.

Thứ hai, mặc dù theo báo cáo chính thức thì tàu bị nạn do trục trặc kỹ thuật, và có thể do một quả ngư lôi phát nổ, các chuyên gia vẫn chưa thống nhất được liệu đó là một quả ngư lôi có sẵn trong tàu hay của Liên Xô.

Thứ ba, người ta cho rằng tàu Scorpion hoạt động một cách hoàn toàn bí mật, nhưng John Walker, một điệp viên tài ba của Liên Xô trong Hải quân Mỹ, đã cung cấp cho phía Liên Xô mật mã để họ có thể theo dõi tàu ngầm Mỹ nhiều giờ trước khi nó bị đắm. Liên Xô có khả năng theo dõi tất cả những tín hiệu điện tử truyền tới tàu Scorpion, bao gồm cả những mật lệnh đã được mã hóa gửi đến tàu.

Walker bắt đầu làm gián điệp cho Liên Xô từ tháng 3/1967, sau khi ông ta tiếp xúc với Đại sứ quán Liên Xô tại Washington. Là một chuyên gia về thông tin liên lạc tàu ngầm của Hải quân Mỹ, Walker được chuyển tới trụ sở lực lượng tàu ngầm Mỹ trên Đại Tây Dương ở Norfolk.

Tại trung tâm này, Walker là một trong 4 giám sát viên của trung tâm thông tin liên lạc tuyệt mật, nơi xử lý các bức điện gửi tới và nhận từ tàu ngầm về. Tàu Scorpion cũng liên lạc qua trung tâm này. Walker đã cung cấp cho phía Liên Xô bản danh sách chìa khóa các mật mã tàu ngầm của Mỹ sử dụng theo thứ tự - theo như lời ông thú nhận khi bị bắt năm 1985.

Vào ngày 23/1/1968, tức là 10 tháng sau khi Walker làm gián điệp cho Liên Xô, CHDCND Triều Tiên đã bắt giữ tàu do thám Pueblo của Mỹ khi nó đang hoạt động tại vùng biển này. Chính nhờ vụ bắt giữ này mà phía Liên Xô có được những máy liên lạc bằng mật mã của Hải quân Mỹ. Từ đó, Liên Xô đã có thể xâm nhập được hệ thống thông tin liên lạc bằng mật mã bí mật của Hải quân Mỹ, trong đó có các tàu ngầm. Trên tàu ngầm Scorpion có sử dụng 3 máy thông tin liên lạc bằng mật mã mà phía Liên Xô đã thu được trên tàu Pueblo.

Đặc biệt, trong vụ bắt giữ tàu do thám Pueblo, Liên Xô đã thu được loại máy thông tin liên lạc mã hóa hiện đại nhất của Mỹ lúc đó là KW-7 “Orestes”. Theo các tài liệu mới được giải mật thì có đến 80% các tàu thuyền của Hạm đội Đại Tây Dương, trong đó có tàu ngầm Scorpion sử dụng loại máy để liên lạc năm 1968 và họ tin rằng thông tin của họ có thể được bảo mật tuyệt đối.

Trong những buổi trả lời phỏng vấn mới đây, một số đô đốc hải quân của Nga cho biết, hai phía Mỹ và Nga đã có một thỏa thuận ngầm với nhau không tiết lộ những chi tiết liên quan đến vụ đắm tàu Scorpion và tàu ngầm K-129 của Liên Xô tại Thái Bình Dương 2 tháng trước đó.

Theo họ, việc này có thể ảnh hưởng tới quan hệ Mỹ - Nga. Hiện nay, Hải quân Mỹ vẫn từ chối giải mật các tài liệu liên quan đến nhiệm vụ theo dõi tàu ngầm Liên Xô mà tàu Scorpion được giao. Chính vì thế, nguyên nhân thực sự gây ra vụ đắm tàu ngầm nguyên tử USS Scorpion vẫn còn là một bí mật

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem