Đâu là rào cản thực sự của cầu thủ Việt Nam khi xuất ngoại?

Thứ tư, ngày 29/04/2020 17:10 PM (GMT+7)
Ngoại trừ Đặng Văn Lâm, những cầu thủ còn lại đều thất bại khi bước chân ra khỏi dải đất hình chữ S. Vậy đâu là rào cản thực sự khiến các cầu thủ Việt chưa thể thành công khi xuất ngoại?
Bình luận 0

Tiếng Anh tốt là chưa đủ

Không ít người nhầm tưởng rằng, chỉ cần tiếng Anh tốt (bên cạnh năng lực chuyên môn) là cầu thủ Việt có thể “tung tăng thoải mái” ở nước ngoài. Thế nhưng không phải như vậy. Thực tế là các tuyển thủ Việt Nam xuất ngoại gần đây, Văn Lâm, Xuân Trường, Công Phượng đều là những người có kỹ năng nói tiếng Anh trôi chảy. Điều đó được thể hiện thông qua các video trả lời phỏng vấn, qua những cuộc giao tiếp với các đồng đội nước ngoài.

Tuy nhiên, kết quả xuất ngoại của 3 cầu thủ này lại hoàn toàn trái ngược nhau. Trong khi Văn Lâm đã và đang thành công ở Thai-League thì Xuân Trường và Công Phượng đều đã thất bại ở tất cả những nơi mà họ từng đặt chân đến. Điều đó chứng tỏ rằng tiếng Anh tốt là điều kiện cần nhưng không phải là điều kiện đủ để một cầu thủ Việt Nam có thể xuất ngoại thành công.

img

Công Phượng từng khoác áo STVV

Cần thêm những điều kiện gì?

Thực tế cho thấy: để giành được thành công ở một môi trường bóng đá hoàn toàn mới, cần phải có sự cộng hưởng của nhiều yếu tố như trình độ chuyên môn, trình độ ngoại ngữ, khả năng thích nghi, giao tiếp…thậm chí kể cả một chút may mắn.

Trả lời giới truyền thông cách đây không lâu, Đặng Văn Lâm từng khẳng định rằng tiếng Anh tốt thôi là chưa đủ. Trong thời gian qua, thủ môn Việt kiều này đã phải học thêm một số từ tiếng Thái đơn giản (chẳng hạn như "trái", "phải", "phòng ngự", "dâng lên"…) để có thể tăng cường giao tiếp với các đồng đội bản địa trên sân. Văn Lâm thừa nhận điều đó rất có ích trong việc kết nối khi phần lớn các cầu thủ là người Thái Lan. Nếu chỉ trông chờ vào vốn tiếng Anh mà không tìm cách trau dồi, học thêm tiếng Thái để tìm cách kết nối với các cầu thủ Thái Lan, Văn Lâm sẽ không phải cầu thủ Việt Nam xuất ngoại thành công nhất trong lịch sử tính đến thời điểm này.

img

Đặng Văn Lâm chơi tốt tại Muangthong ở mùa giải trước

Chính vì thế các cầu thủ Việt Nam cần phải tự trang bị cho mình thêm nhiều kiến thức nữa (bên cạnh trình độ chuyên môn), từ việc cải thiện trình độ tiếng Anh cho đến việc tìm cách kết nối, giao tiếp nhiều hơn nữa với các đồng đội xung quanh… Chỉ có như vậy mới có thể tìm được chỗ đứng ở những môi trường bóng đá chuyên nghiệp ở châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc hay Thái Lan. Bằng không, họ sẽ lại đi theo vết xe đổ của những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường - những người phải quay trở lại nơi xuất phát sau khi không tìm được chỗ đứng ở các CLB nước ngoài.

Thùy Trâm (Thanh Niên)
Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem