|
Tại ĐBSCL, hiện chỉ còn rất ít ao nuôi có cá tra để bán. |
Giá cá tra đạt mức kỷ lục 21.000 đồng/kg
Ngày 19-11, Công ty TNHH Hùng Vương (Vĩnh Long ) đã thu mua cá tra với giá từ 20.400 - 21.000 đồng/kg, tăng thêm 800 đồng/kg so với tuần trước. Mặc dù giá cao, nhiều doanh nghiệp đã cho người tỏa đi khắp nơi nhưng vẫn không tìm đủ cá nguyên liệu để mua về chế biến... Một số doanh nghiệp cho biết, nhiều hợp đồng đã ký với các đối tác xuất khẩu và phải giao hàng gấp trong tháng 12 năm nay. Nhưng tình trạng thiếu nguyên liệu trầm trọng này đã khiến xuất khẩu cuối năm lâm vào thế khó!
Các doanh nghiệp đã nhiều lần điều chỉnh tăng giá thu mua với mức tăng tổng cộng trong vòng 1 tháng qua từ 1.400 đồng đến 1.600 đồng/kg, mà tới mức giá này nhưng vẫn không có cá nguyên liệu để mua. Vì vậy, các nhà máy chế biến thủy sản ở khu vực ĐBSCL chỉ hoạt động từ 40-50% công suất... Việc thiếu cá tra nguyên liệu đã ảnh hưởng dây chuyền từ nhà máy chế biến, đến người lao động đều bị ảnh hưởng nặng nề và chắc chắn phần thu nhập những tháng cuối năm bị thất thu nặng!
Theo khảo sát của NTNN trong mấy ngày qua, mặc dù thiếu cá nguyên liệu nhưng nông dân nuôi cá tra trong vùng ĐBSCL vẫn tiếp tục treo ao và cũng tỏ ra không mặn mà vì con cá đã từng một thời “ba chìm bảy nổi” này. Ở tỉnh Vĩnh Long đến thời điểm này nông dân thả nuôi được hơn 200ha, giảm gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Còn ở tỉnh Đồng Tháp và An Giang tỷ lệ treo ao cũng từ 30 - 40%. Hiện tỉnh Đồng Tháp đã thả nuôi được 1.100ha, giảm 700ha so với cùng kỳ năm trước.
Treo ao vì đầu tư nặng quá!
Do nhiều năm nuôi cá bị thua lỗ nên nông dân không còn niềm tin vào con cá tra. Mặt khác nhiều hộ đã không còn vốn để tiếp tục đầu tư thả nuôi như trước đây. Bởi vậy khi giá cá đang cao ngất ngưởng nhưng nhiều hộ vẫn treo ao!
Ông Liêu Cẩm Hiền- Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Long
Còn tại vùng nguyên liệu cá tra được xem là lớn nhất ĐBSCL ở tỉnh An Giang, nông dân vẫn tiếp tục “treo ao” mặc dù vụ thu hoạch vừa qua nông dân đã trúng đậm. Ông Trần Văn Thanh ở xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú, An Giang cho biết: “Để nuôi được 100 tấn cá tra thì người nuôi cần đến 1,5 tỷ đồng tiền vốn. Mấy năm qua thua lỗ nên không còn vốn để tái sản xuất. Trong khi đó từ đây đến giữa năm 2011, khi thu hoạch vụ tới mà giá xuống thấp thì nông dân lại tiếp tục chịu lỗ như trước đây nên rất ít người mạo hiểm thả nuôi”.
Nhiều người nuôi cá tra lâu năm thổ lộ: Chu kỳ tăng giá kéo dài thường vài tháng rồi tiếp tục giảm giá như trước nên người nuôi không dám mạo hiểm tiếp tục thả nuôi. Chính tâm lý này làm cho cá tra nguyên liệu đã thiếu lại càng thiếu trầm trọng hơn. Trong khi đó giá thức ăn cũng tăng lên rất nhanh làm cho người nuôi rất ngại đầu tư vào con cá tra.
Như vậy, mọi cảnh báo của các chuyên gia từ đầu năm 2010 mà NTNN đã từng phản ánh nay đã là sự thật. Không biết các cơ quan chức năng, các nhà quản lý, hoạch định tương lai con cá tra nghĩ gì trước điệp khúc “được mùa mất giá” và “được giá mất mùa” như trên.
Hoàng Mai
Vui lòng nhập nội dung bình luận.