Đế chế nào ở châu Á "ủ mưu", đánh tan đại quân La Mã đông gấp 4 lần?

Thứ năm, ngày 20/07/2023 18:33 PM (GMT+7)
Dù thua thiệt về quân số, một đế chế ở châu Á vẫn khiến tướng La Mã và đội quân 45.000 người phải nhận kết cục thảm.
Bình luận 0

Trận Carrhae (năm 53 TCN) là trận đánh đầu tiên trong lịch sử giữa La Mã và đế chế Parthia (một nước cổ đại ở châu Á, tương ứng với vùng đông bắc Iran ngày nay) và cũng là thất bại nặng nề nhất trong lịch sử của người La Mã.

Trận đánh diễn ra tại làng Carrhae. Khi đó, Marcus Licinius Crassus, một vị tướng La Mã, dẫn khoảng 45.000 quân qua sông Euphrates, tiến hành xâm lược đế chế Parthia để mở rộng địa bàn, bành trướng thế lực.

Đế chế nào ở châu Á "ủ mưu", đánh tan đại quân La Mã đông gấp 4 lần? - Ảnh 1.

Bức tượng tướng La Mã Marcus Licinius Crassus. Ảnh: WH

Hành động xâm lược Parthia lần này xuất phát hoàn toàn từ những toan tính cá nhân và giấc mơ bá quyền của Crassus mà không có sự cho phép của Viện nguyên lão La Mã.

Cuối năm 53 TCN, Crassus tập hợp 1 lực lượng khổng lồ gồm khoảng 35.000 quân bộ binh hạng nặng, 4.000 quân bộ binh hạng nhẹ, 4.000 kỵ binh và hơn 1.000 lính Gallic để chuẩn bị tiến đánh Parthia. Bên phía Parthia, tướng quân Surena cũng ráo riết chuẩn bị lực lượng, vũ khí và chiến thuật vì ông hiểu rõ sự chênh lệch về quân số giữa 2 bên khi người Parthia chỉ có khoảng 10.000 quân.

Ban đầu, Crassus nhận được lời khuyên từ đồng minh - vua Armenia - rằng nên tấn công Parthia bằng con đường mà người Armenia vạch ra vì họ hiểu rõ khu vực này. Địa hình đồi núi nơi con đường chạy qua sẽ gây bất lợi cho kỵ binh của Parthia. Tuy nhiên, vị tướng La Mã từ chối lời khuyên đó mà không đưa ra lý do.

Crassus sau đó nhận được sự chỉ dẫn của Ariamnes, 1 tù trưởng Ả Rập, và quyết định vượt sông Euphrates sớm, đánh phủ đầu quân Parthia. Nhưng điều vị tướng La Mã này không ngờ được là người Parthia đã mua chuộc Ariamnes để tù trưởng này đưa ra những thông tin sai lệch.

Lúc đầu, đội quân của Crassus được bố trí theo mô hình truyền thống khi trải dài và sẵn sàng cho những trận đánh ở quy mô lớn. Tuy nhiên, việc phải vượt sông khiến phần lớn đội hình co lại thành những cụm hình vuông lớn.

Theo trang History Net, Crassus mắc sai lầm khi không làm quen với các chiến thuật của quân đội Parthia. Đây là một sai lầm nghiêm trọng, bởi vì người Parthia đánh trận không giống như bất kỳ quốc gia nào mà quân đội La Mã từng đối mặt.

Người Parthia ít khi sử dụng lính đánh thuê làm bộ binh. Họ sở hữu cả kỵ binh hạng nặng và hạng nhẹ. Các kỵ binh hạng nặng mặc áo giáp, cưỡi ngựa và dùng cây thương dài làm vũ khí. Trông họ không khác nhiều so với hiệp sĩ thời Trung Cổ.

Với người Parthia, kỵ binh hạng nhẹ thậm chí còn quan trọng hơn kỵ binh hạng nặng. Họ sử dụng cây cung ngắn, khó kéo nhưng có độ chính xác cao và sức xuyên phá lớn. Các cung thủ cưỡi ngựa sẽ phi nhanh về phía đối phương, bắn tên rồi rút lui trong phạm vi ngắn để nạp tên rồi lặp lại việc tấn công. Đây là loại chiến thuật mà người La Mã xem thường vì cho là hèn nhát.

Đế chế nào ở châu Á "ủ mưu", đánh tan đại quân La Mã đông gấp 4 lần? - Ảnh 2.

Kỵ binh hạng nhẹ của người Parthia. Ảnh minh họa: WH

Trong khi quân La Mã vất vả vượt sông, tướng Surena khéo léo giấu kỵ binh - sức mạnh chính của quân Parthia - và chỉ để 1 số ít quân phía trước với mục đích dẫn dụ quân La Mã vượt sông.

Khi đối phương mắc bẫy, đích thân tướng Surena dẫn đầu đoàn kỵ binh tấn công quân La Mã. Dù quân số ít hơn nhưng chiến thuật của người Parthia, vốn bị người La Mã xem là hèn nhát, lại rất hiệu quả và khó đối phó. Quân La Mã chết như ngả rạ vì trúng tên.

Các binh đoàn La Mã nhanh chóng bị quân Parthia - những người thông thạo địa hình hơn - bao vây. Crassus lệnh cho con trai Publius dẫn theo 4.000 quân để mở đường cho quân chủ lực phản công.

Kế hoạch là vậy nhưng quân của Publius cũng không trụ được trước chiến thuật bao vây của người Parthia. Cánh quân hơn 4.000 người phần lớn bị tiêu diệt.

Đế chế nào ở châu Á "ủ mưu", đánh tan đại quân La Mã đông gấp 4 lần? - Ảnh 3.

Giao tranh khốc liệt giữa quân Parthia và quân La Mã. Ảnh minh họa

Thất bại cận kề, Crassus cố đưa quân chạy đến ngọn đồi của nước Armenia đồng minh. Tuy nhiên, vua Orodes II của Parthia trước đó đã đưa quân đến để ngăn vua Armenia hỗ trợ cho Crassus. Cửa sang Armenia đã bị đóng lại, Crassus buộc phải đưa tàn quân quay trở lại Carrhae.

Vị tướng La Mã bắt một người địa phương dẫn đường nhưng không thể ngờ người này là gián điệp của quân Parthia.

Trong đêm tối, gián điệp này dẫn Crassus và tàn quân đi vào giữa những bãi lầy, khiến họ lạc lối, tuyệt vọng rồi "biến mất" vào sáng hôm sau. Crassus và nhóm tàn quân chật vật mới tìm được đường thoát ra khỏi các bãi lầy thì lại phải bỏ chạy vì bị người Parthia phát hiện, truy kích.

May mắn cho Crassus, một nhóm quân La Mã đi lạc khác tới và kịp thời giải vây.

Lúc đó, gián điệp đã báo vị trí của Crassus cho tướng Surena. Vị tướng của người Parthia đề nghị đình chiến với quân La Mã, tuyên bố sẽ để họ về nước với một số điều kiện danh dự.

Tướng Crassus miễn cưỡng tới doanh trại của Surena để thảo luận một số điều kiện và ngay lập tức bị giết. Những người La Mã còn lại đầu hàng hoặc bị truy sát.

Quân La Mã bại trận, khoảng 20.000 quân của Crassus chết trong trận Carrhae. Khoảng 10.000 người khác bị bắt làm tù binh. Thương vong của bên Parthia vào khoảng 2.000-3.000 người.

Theo trang Britannica, có nhiều thông tin về cách người Parthia xử lý thi thể của Crassus. Một số nguồn cho rằng người Parthia đã đổ đầy vàng nóng chảy vào miệng Crassus để răn đe người đời sau về sự tham lam. Một số nguồn khác nói rằng thủ cấp và tay của Crassus được gửi về cho vua Orodes II của Parthia.

Tuy nhiên, cái chết của Crassus tác động lớn đến cán cân quyền lực ở Rome. Một cuộc nội chiến xảy ra ở Cộng hòa La Mã năm 49 TCN. Đế quốc La Mã sau đó xuất hiện thay thế Cộng hòa La Mã năm 27 TCN.




Nguyễn Thái (Theo 24h)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem