Đề thi Văn chọn học sinh giỏi Quốc gia 2024 có gì mà thí sinh than khó?

Tào Nga Thứ tư, ngày 25/12/2024 16:36 PM (GMT+7)
Sáng nay (25/12), thí sinh đã làm bài thi môn Văn chọn học sinh giỏi Quốc gia 2024, có nhiều luồng ý kiến xung quanh đề thi này.
Bình luận 0

Đề thi Văn chọn học sinh giỏi Quốc gia 2024

Nhiều giáo viên, học sinh đã chia sẻ đề thi Văn chọn học sinh giỏi Quốc gia năm học 2024-2025 ngay sau khi kết thúc môn thi này.

Đề thi Văn gồm hai phần: Nghị luận xã hội (8 điểm) và Nghị luận văn học (12 điểm). Thí sinh làm bài trong thời gian 180 phút.

Trong đó, phần Nghị luận xã hội đề cho đoạn trích của James Lovelock: "Trái đất dường như là một thực thể sống...". Từ đoạn trích, đề yêu cầu thí sinh viết bài văn nghị luận về chủ đề "Lắng nghe sự thinh lặng".

Ở phần Nghị luận văn học, đề yêu cầu thí sinh bàn luận về ý kiến: "Người nghệ sĩ tôi luyện bản thân trong mối tương quan liên tục giữa mình với người khác, tại quãng đường giữa cái đẹp không thể bỏ qua và cộng đồng không thể tách khỏi".

Đề thi Văn chọn học sinh giỏi Quốc gia 2024 gây chú ý:  - Ảnh 1.

Đề thi Văn chọn học sinh giỏi Quốc gia. Ảnh: CMH

Dư luận cũng như nhiều giáo viên cho biết, đề sử dụng ngôn ngữ và cách diễn đạt phức tạp. Khái niệm "thinh lặng" trừu tượng, không phổ biến trong ngôn ngữ hàng ngày có thể dẫn đến nguy cơ học sinh không hiểu rõ yêu cầu để phát triển bài viết.

Bên cạnh đó, nhiều người cảm thấy băn khoăn với câu 2: "Không biết thí sinh sẽ hiểu nội dung của nó ra sao, liệu có thể hiểu đúng được không và rồi làm bài thế nào khi phải đoán ý tác giả một cách đầy bất trắc như thế? Làm sao có thể bình luận một ý kiến khi không hiểu nó hoặc có thể hiểu sai nó hoàn toàn?". Trong khi đó, nhiều người cho rằng đây là đề thi hay, sáng tạo.

Trao đổi với PV báo Dân Việt, thạc sĩ lý luận và Phương pháp giảng dạy bộ môn Ngữ văn Lê Trần Diệu Thu, giảng dạy môn Ngữ văn tại Khoa Giáo dục Chính trị và Khoa học cơ bản, Trường Cao đẳng Xây dựng Công trình đô thị nhận xét: "Tổng quan về cấu trúc và nội dung, đề thi được chia làm hai câu hỏi lớn. Câu 1 Nghị luận xã hội xoay quanh một trích dẫn sâu sắc về mối quan hệ giữa con người, thiên nhiên và sự sống. Đề yêu cầu học sinh viết bài nghị luận với chủ đề "Lắng nghe sự thinh lặng", khơi gợi sự suy nghĩ về giá trị của sự tĩnh lặng trong đời sống cá nhân và xã hội. Câu 2 Nghị luận văn học dựa trên một phát biểu của Albert Camus, xoay quanh sứ mệnh của người nghệ sĩ trên hành trình sáng tạo nghệ thuật, với trọng tâm là mối tương quan giữa cái đẹp và cộng đồng.

Điểm hay của đề thi là tính sâu sắc và đa chiều, đề bài không chỉ kiểm tra kiến thức lý thuyết mà khuyến khích học sinh suy nghĩ, sáng tạo và bộc lộ cá tính qua lập luận. Câu 1 khai thác một chủ đề thời sự nhưng mang tính nhân văn cao: con người hiện đại thường bỏ quên "sự thinh lặng" trong cuộc sống, và qua đó học sinh có thể phát triển tư duy liên kết giữa cá nhân, xã hội và thiên nhiên.

Câu 2 đòi hỏi học sinh không chỉ phân tích một quan điểm nghệ thuật mà còn phải liên hệ sâu sắc với các tác phẩm văn học, để làm sáng tỏ vai trò của cái đẹp và trách nhiệm xã hội của người nghệ sĩ.

Đề có tính mở, khuyến khích sáng tạo, không áp đặt một khuôn mẫu cố định, tạo điều kiện để học sinh tự do thể hiện suy nghĩ, quan điểm cá nhân. Đề tài liên quan đến các giá trị phổ quát như cái đẹp, nghệ thuật, trách nhiệm với cộng đồng, có thể được phát triển từ nhiều góc nhìn.

Đề thi cũng có tính gắn kết với thực tiễn và văn học. Câu 1 hướng tới vấn đề con người trong xã hội hiện đại, gợi ý cho học sinh suy nghĩ về các giá trị bền vững như thiên nhiên và nội tâm. Câu 2 yêu cầu sự kết hợp hài hòa giữa lý luận văn học và trải nghiệm đọc hiểu các tác phẩm, qua đó khẳng định vai trò của nghệ thuật trong đời sống.

Tuy nhiên, thách thức của đề thi là độ khó cao. Câu 1 có chủ đề "lắng nghe sự thinh lặng" không dễ dàng để hình dung nếu học sinh thiếu vốn sống, khả năng suy luận và liên hệ thực tế. Học sinh cần khả năng tư duy sâu sắc để phát triển luận điểm một cách thuyết phục.

Câu 2 trích dẫn của Albert Camus khá phức tạp về tư tưởng. Học sinh cần hiểu rõ hai khái niệm lớn (cái đẹp và trách nhiệm cộng đồng) và mối quan hệ giữa chúng, đồng thời phải dẫn chứng từ văn học. Điều này đòi hỏi học sinh phải có năng lực cảm thụ văn học sâu sắc và vốn kiến thức phong phú.

Đề thi cũng có tính chuyên biệt cao, đòi hỏi học sinh có khả năng diễn đạt trôi chảy, lập luận sắc bén và cách tổ chức bài viết logic. Nếu học sinh không rèn luyện kỹ năng lập luận chặt chẽ hoặc không quen viết các bài luận dài, rất dễ rơi vào lối viết lan man hoặc thiếu chiều sâu.

Với cả hai câu, đặc biệt là câu 1, học sinh cần có vốn hiểu biết xã hội và khả năng quan sát, trải nghiệm thực tế. Nếu không, bài làm dễ trở nên lý thuyết, thiếu sức thuyết phục.

Đánh giá chung, đây là một đề thi hay và giàu tính nhân văn, khuyến khích học sinh suy nghĩ và sáng tạo, đồng thời rèn luyện các kỹ năng cần thiết như lập luận, phân tích và liên hệ thực tiễn. Tuy nhiên, đề có độ khó cao, đòi hỏi thí sinh phải có nền tảng kiến thức rộng, khả năng tư duy sắc bén và vốn sống phong phú để đạt điểm cao. Đề thi phù hợp với kỳ thi học sinh giỏi nhưng có thể hơi "quá sức" với những học sinh chưa được chuẩn bị kỹ càng hoặc thiếu khả năng liên hệ thực tế".

Từ đề thi này, thạc sĩ Diệu Thu cũng có đề xuất: Câu 1 có thể cung cấp thêm một số gợi ý cụ thể để học sinh định hướng tốt hơn, tránh rơi vào lối viết lan man. Câu 2 nên lồng ghép một số ví dụ từ văn học hoặc nghệ thuật vào đề để học sinh dễ dàng tiếp cận, nhất là với những em không quen với tư duy triết học của Albert Camus. Đề thi này không chỉ là thách thức, mà còn là cơ hội để học sinh thể hiện tài năng, cá tính và khả năng hiểu biết sâu rộng của mình.

Trước đó, ngày 24/12, kỳ thi chọn học sinh giỏi Quốc gia THPT năm học 2024-2025 chính thức khai mạc tại 68 Hội đồng coi thi trên cả nước, với 6.482 thí sinh đăng ký dự thi, tăng 663 thí sinh so với năm học 2023-2024. Kỳ thi năm nay gồm 13 môn thi: Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp, Tiếng Trung Quốc, Tiếng Nhật. Trong đó, đây là năm đầu tiên môn Tiếng Nhật được tổ chức.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem