Mỹ Quỳnh
Thứ năm, ngày 23/03/2023 15:45 PM (GMT+7)
Nhiều ý kiến đề xuất về việc tổ chức cấp chứng chỉ tiếng Anh cho trẻ mầm non tại hội thảo "Làm quen Tiếng Anh bậc mầm non theo chuẩn quốc tế, và ứng dụng công nghệ trong khảo sát năng lực ngoại ngữ".
Hoài nghi về hiệu quả dạy tiếng Anh cho trẻ mầm non
Ngày 23/3, Sở GDĐT TP.HCM tổ chức hội thảo "Làm quen Tiếng Anh bậc mầm non theo chuẩn quốc tế và ứng dụng công nghệ trong khảo sát năng lực ngoại ngữ".
Theo Sở GDĐT TP.HCM, một nghiên cứu được công bố tại đại học Oxford năm 2014, cho thấy phụ huynh và xã hội có nhiều nghi vấn về hiệu quả của việc cho trẻ em làm quen với ngoại ngữ ở cấp mầm non. Tuy nhiên, kết luận nghiên cứu đã khẳng định, việc cho trẻ em làm quen với ngoại ngữ từ lúc nhỏ là một quan điểm đúng đắn.
Kiến thức, kỹ năng ngôn ngữ được phát triển trong giai đoạn này tạo nên một nền tảng kỹ năng vững chắc cho việc học ngôn ngữ hiệu quả hơn trong tương lai.
Tại TP.HCM, Sở GDĐT đã triển khai các văn bản, chỉ đạo các phòng GDĐT và các quận/huyện hướng dẫn, kiểm tra, quản lý các cơ sở giáo dục mầm non cho trẻ làm quen với tiếng Anh, đảm bảo chất lượng, phù hợp nhu cầu của gia đình trẻ, với quan điểm giáo dục "lấy trẻ làm trung tâm".
Ngoài ra, Sở cũng đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong hoạt động giảng dạy và đánh giá như sử dụng các giải pháp công nghệ tương tác, để hỗ trợ giáo viên tổ chức các hoạt động một cách hứng khởi và kích thích cho trẻ mầm non, thực hiện khảo sát năng lực tiếng Anh trực tuyến... Sở cũng sẽ triển khai các giải pháp AI (trí tuệ nhân tạo) để hỗ trợ giáo viên theo dõi quá trình phát triển của trẻ, từ đó có những phương pháp tiếp cận tốt nhất đến từng cá nhân.
Đề xuất cấp chứng chỉ tiếng Anh cho trẻ mầm non
Chia sẻ tại phiên thảo luận, nhiều lãnh đạo Phòng GDĐT và trường mầm non trên địa bàn bày tỏ sự quan tâm lớn đối với việc cho trẻ mầm non tiếp cận với tiếng Anh chuẩn quốc tế.
Đại diện Phòng GDĐT quận 10 (TP.HCM) cho biết quận có 33/39 trường cho trẻ mầm non làm quen với tiếng Anh, với tổng học sinh là hơn 3.600 em, đạt khoảng 63%. Hiện nay quận 10 đang đặt ra nhiều yêu cầu để đảm bảo cơ sở vật chất, sĩ số. Hiệu trưởng các trường cũng tham gia vào việc dự giờ, để đưa ra các góp ý cho để các trung tâm ngoại ngữ mang đến chất lượng tốt hơn.
Tuy nhiên, hiện nay học sinh bậc tiểu học có thể thi các chứng chỉ như starters, movers, flyers... nhưng học sinh bậc mầm non chưa có. Từ đó, đại điện Phòng GDĐT quận 10 đề xuất có thêm chứng chỉ tiếng Anh cho trẻ mầm non từ 3-6 tuổi, để có thể đánh giá được đầu ra của trẻ cũng như trẻ có hướng tiếp cận ở các bậc học sau.
Việc đánh giá được dựa trên kỹ năng, năng lực phù hợp với quy định.
Bà Mai Thuý Hằng- Hiệu trưởng Trường Mầm non Thành phố (quận 1), cho biết với đặc thù là trường theo mô hình trường chất lượng cao tiên tiến hội nhập quốc tế, 100% trẻ từ 3 tuổi tại trường được học chương trình làm quen với tiếng Anh. Hiện trường cũng đang ký 100% giáo viên nước ngoài.
Trường đang theo định hướng là giúp trẻ được tiếp cận với tiếng Anh một cách thoải mái, tự nhiên nhất, để trẻ có thể mạnh dạn, tự tin giao tiếp những câu chuyện ở lứa tuổi của trẻ. Nhà trường cũng rất mong học sinh được khảo sát năng lực, để cuối giai đoạn mầm trẻ được đánh giá đạt được chất lượng theo yêu cầu của Bộ, hoặc tuỳ theo năng lực của trẻ để phát triển tiếp.
Tương tự, bà Bùi Thị Thuý Hà- Hiệu trưởng Trường Mầm non Mai Vàng (quận Gò Vấp), chia sẻ trường rất muốn có bộ tiêu chí về khung năng lực ngoại ngữ ở bậc mầm non, để các trường mầm mon có thể soi vào, đánh giá trẻ phù hợp.
Đồng thời có thêm chứng chỉ ngoại ngữ dành cho trẻ mầm non, tạo thuận lợi cho trẻ tiếp cận với bậc tiểu học hiệu quả hơn.
"Hiện nay 100% trẻ tại trường được làm quen với tiếng Anh theo cách thức ứng dụng trực quan. Ban đầu trẻ sẽ quan sát, nghe xem các video bài giảng của giáo viên bản ngữ. Sau đó, đưa robot hỗ trợ giảng dạy vào trong giờ học, tương tác trong giờ chơi của trẻ. Vì robot có biểu cảm, có trò chơi nên tạo hứng thú cho trẻ khi học, học tiếng Anh một cách tự nhiên. Phụ huynh từ chỗ e dè trong những ngày đầu nay đã rất ủng hộ, đồng hành", bà Hà nói thêm.
Cũng trong khuôn khổ sự kiện này, Sở GDĐT TP.HCM ký thỏa thuận ghi nhớ Hợp tác ba bên về giáo dục với Tập đoàn Giáo dục EMG Education và Tập đoàn Giáo dục Pearson.
Thỏa thuận Ghi là tiền đề để tập đoàn giáo dục Pearson phối hợp với Sở GDĐT TP.HCM và EMG Education giới thiệu chuẩn năng lực Tiếng Anh cho trẻ ở các trường mầm non trên địa bàn TP.HCM.
Cũng trong Thỏa thuận này, Pearson và EMG Education tiếp tục triển khai các khung đánh giá năng lực tiếng Anh trên nền tảng số của Pearson, bao gồm chứng chỉ Pearson English International Certificate (PEIC) phiên bản thi trực tuyến trên máy tính. Ngoài ra, Pearson sẽ hợp tác nghiên cứu và tư vấn về các phương pháp chuyển đổi số trong giáo dục nhằm hỗ trợ Sở GDĐT TP.HCM, thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số một cách hiệu quả và triệt để.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.