Sau sự cố sập cầu Phong Châu cuốn trôi Trụ T7 và 2 nhịp dàn chính (nhịp 6 và 7 phía bờ hữu sông Thao, thuộc địa bàn huyện Tam Nông), Cục Đường bộ Việt Nam đề xuất Bộ GTVT giao nhiệm vụ lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Dự án xây dựng cầu Phong Châu QL32C.
Cục Đường bộ Việt Nam vừa đề xuất Bộ GTVT giao nhiệm vụ lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Dự án xây dựng cầu Phong Châu QL32C, tỉnh Phú Thọ.
Thông tin về cầu Phong Châu, Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, cầu Phong Châu bắc qua sông Thao (sông Hồng) tại vị trí Km18+300 trên QL32C, tỉnh Phú Thọ được xây dựng, hoàn thành đưa vào khai thác năm 1995.
Thiết kế của cầu Phong Châu có chiều dài 375,36 m; gồm 8 nhịp; các nhịp 33m là dầm bê tông cốt thép dự ứng lực mặt cắt chữ T, các nhịp chính bằng kết cấu dàn thép; các trụ cầu bằng bê tông cốt thép.
Ngày 9/9/2024, cầu Phong Châu bị sập, cuốn trôi Trụ T7 và 2 nhịp dàn chính (nhịp 6 và 7 phía bờ hữu sông Thao, thuộc địa bàn huyện Tam Nông).
Sau khi sự cố xảy ra, Cục Đường bộ Việt Nam đã có công điện chỉ đạo Sở GTVT Phú Thọ và các đơn vị liên quan khẩn cấp điều động nhân lực, thiết bị tham gia khắc phục các sự cố và tìm kiếm cứu nạn.
Thực hiện ý kiến của lãnh đạo Chính phủ, Bộ GTVT tại buổi kiểm tra hiện trường cầu Phong Châu ngày 9/9 và trên cơ sở đề xuất của UBND tỉnh Phú Thọ, để có giải pháp lâu dài nhằm đảm bảo ATGT, đáp ứng nhu cầu vận tải trên tuyến QL32C qua sông Thao, Cục Đường bộ Việt Nam kiến nghị Bộ GTVT xem xét, giao Cục nhiệm vụ lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư cầu Phong Châu mới trên QL.32C, tỉnh Phú Thọ bằng nguồn vốn Ngân sách nhà nước. Thời gian thực hiện năm 2024 - 2025.
Trước đó, Tỉnh Phú Thọ đã đề xuất các phương án tìm kiếm cứu nạn, khắc phục sự cố sập cầu Phong Châu. Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang bày tỏ đồng tình với các phương án của tỉnh Phú Thọ.
Theo Thứ trưởng Sang, trước mắt đảm bảo an toàn tìm kiếm cứu hộ. Chỉ khi điều kiện thời tiết cho phép mới có thể triển khai tìm kiếm cứu nạn.
Về phương án tổ chức giao thông, Thứ trưởng Sang cho biết, trước mắt, có 2 phương án là sử dụng phà hoặc làm cầu phao: "Tuyến đường sông này ít phương tiện thủy qua lại nên chúng tôi đề xuất làm cầu phao cố định".
"Về lâu dài, chắc chắn phải làm cầu mới, không thể sửa chữa cầu Phong Châu đã bị sập. Đây là cây cầu huyết mạch, cần xây cầu mới để đáp ứng nhu cầu đi lại của bà con", Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang nói.
Phó thủ tướng chỉ đạo, các Cơ quan chức năng triển khai ngay làm cầu phao hoặc phà, phương án nào cũng cần đảm bảo an toàn trên hết.
Bộ GTVT được giao triển khai lập dự án và các thủ tục đầu tư để sớm có thể triển khai thi công cầu cứng, vì để xây dựng 1 cầu cứng cần rất nhiều thời gian.
Cùng với đó, là đánh giá, tìm hiểu nguyên nhân khiến cây cầu Phong Châu bị sập.
Phó thủ tướng yêu cầu chính quyền, đoàn thể tỉnh Phú Thọ tổ chức thăm hỏi, động viên các nạn nhân bị thương đang điều trị và thân nhân, gia đình có nạn nhân gặp nạn. Triển khai sơ tán, di dời ngay những gia đình nằm trong vùng nguy cơ cao chịu ảnh hưởng của lũ lụt. Các y, bác sĩ tập trung mọi nguồn lực, thiết bị cứu chữa, điều trị kịp thời cho các nạn nhân bị thương trong vụ sập cầu.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.