Dịch cúm A/H1N1: Trường học, phụ huynh theo dõi sát triệu chứng ho, sốt, mệt mỏi của học sinh

Mỹ Quỳnh Thứ sáu, ngày 24/03/2023 11:50 AM (GMT+7)
Trước thông tin 20 học sinh Trường Tiểu học Võ Trường Toản (quận 10, TP.HCM) mắc cúm A/H1N1, các trường học tăng cường ứng phó, nhắc nhở phụ huynh, học sinh đặc biệt chú trọng phòng ngừa dịch bệnh.
Bình luận 0

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM công bố,  TP vừa phát hiện ổ dịch cúm A/(H1N1 tại Trường tiểu học Võ Trường Toản, quận 10. Trong hai ngày, từ 15 đến 16/3, số học sinh nghỉ học của trường này đã tăng cao bất thường.

  • TP.HCM: Phát hiện chùm ca bệnh H1N1 khiến 20 học sinh nghỉ ốm bất thường

    TP.HCM: Phát hiện chùm ca bệnh H1N1 khiến 20 học sinh nghỉ ốm bất thườngĐỌC NGAY

Cụ thể, có tổng cộng 20 học sinh bị bệnh với các triệu chứng như: sốt, ho, đau họng, mệt mỏi, ói. Có học sinh sốt đến 39 độ C.

Chủ động ứng phó

Trao đổi với Dân Việt, đại diện Trường Tiểu học Võ Trường Toản cho biết, hiện tất cả học sinh đều đã đến trường đi học bình thường, sức khỏe tốt. Nhà trường được các đơn vị liên quan phối hợp kiểm tra sức khỏe học sinh tại các lớp phát hiện bị cúm, đồng thời làm vệ sinh khử khuẩn...

Cơ sở giáo dục chủ động phòng ngừa dịch cúm H1N1 - Ảnh 1.

Nhân viên y tế tổ chức thăm khám, điều tra dịch tễ cho trẻ lớp 4/2 Trường Võ Trường Toản. Ảnh: Thành Sơn

Thầy Nguyễn Phương Bình, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngô Quyền (quận Bình Tân) chia sẻ, ngay sau khi tiếp nhận thông tin trên địa bàn xảy ra chùm bệnh cúm A/H1N1, nhà trường đã chủ động nhắn tin cho phụ huynh để lưu ý về tình hình bệnh này.

Ngoài việc khuyến cáo phụ huynh chăm sóc, bổ sung thực phẩm giàu vitamin để tăng sức đề kháng cho trẻ, nhà trường đề nghị phụ huynh theo dõi tình trạng sức khỏe của học sinh. Nếu có các biểu hiện ho, sốt, đau họng, mệt mỏi, ói... thì cần đến cơ sở y tế thăm khám và thông báo với nhà trường để có biện pháp phòng ngừa.

Đồng thời, trường cũng tăng cường công tác vệ sinh lớp học; nhắc nhở học sinh đeo khẩu trang y tế, thường xuyên vệ sinh tay...

Cô Nguyễn Hoàng Yến, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hà Huy Giáp (quận 12) cho biết, trong trường chưa ghi nhận tình trạng học sinh nhiễm cúm. Tuy nhiên, trong cuộc họp hội đồng nhà trường sáng nay (24/3), ban giám hiệu sẽ yêu cầu giáo viên nhắn tin, nhắc nhở phụ huynh để tăng cường phòng ngừa dịch.

Cơ sở giáo dục chủ động phòng ngừa dịch cúm H1N1 - Ảnh 3.

Học sinh bán trú Trường Tiểu học Ngô Quyền trong giờ ăn trưa. Ảnh: Mỹ Quỳnh

Một phụ huynh có con học tại Trường THCS Nguyễn Trãi (quận Gò Vấp) cho biết, giáo viên chủ nhiệm của lớp đã nhắn tin khuyến cáo phụ huynh về tình trạng dịch cúm hiện nay.

Theo ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở GDĐT TP.HCM, Sở đang phối hợp với Sở Y tế theo dõi sát sao tình trạng dịch bệnh. 

Có thể phòng ngừa bệnh cúm A/H1N1

Trước đó, tại họp báo thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội và công tác phòng, chống dịch tại TP.HCM chiều 23/3, bà Lê Hồng Nga, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho biết, sau khi phát hiện 20 ca bệnh cúm A/H1N1 tại Trường Tiểu học Võ Trường Toản, đến nay chưa ghi nhận thêm trường hợp mới.

Cơ sở giáo dục chủ động phòng ngừa dịch cúm H1N1 - Ảnh 4.

Bà Lê Hồng Nga nêu các giải pháp dự phòng cúm A/H1N1. Ảnh: Linh Nhi

Theo bà Nga, cúm A/H1N1 là một trong những tác nhân phổ biến nhất gây bệnh cúm mùa trên thế giới, có biểu hiện lâm sàng khá nhẹ, sốt, mệt mỏi hoặc các biểu hiện của viêm đường hô hấp. Nhóm đối tượng có nguy cơ chuyển biến nặng là những người lớn tuổi, thai phụ, người có bệnh lý nền, bệnh lý mãn tính. Còn các đối tượng khác hầu hết lành tính, tự khỏi sau vài ngày.

Cúm A/H1N1 rất dễ lây lan trong môi trường tập trung đông người, tuy nhiên bà Nga nhận định, đây là loại bệnh có thể dự phòng được.

Ngành y tế TP.HCM khuyến cáo người dân cần chú trọng vệ sinh cá nhân. Đối với người có triệu chứng, cần đeo khẩu trang ở nơi đông người, hạn chế tiếp xúc với người khác. Biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất là tiêm vaccine phòng bệnh cúm hàng năm.

Về vấn đề kiểm soát lây nhiễm, lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM đề nghị thực hiện nghiêm các quy định kiểm soát dịch bệnh trong trường học. Cụ thể, các trường theo dõi và tìm hiểu nguyên nhân trẻ nghỉ học. Nếu có trẻ nghỉ học bất thường và tăng so với những ngày trước đó, cần báo cáo ngay cơ sở y tế nơi trường học trú đóng, qua đó, ngành y tế có hướng dẫn, giám sát, hỗ trợ kịp thời.

Bên cạnh đó, cơ sở giáo dục cần thường xuyên hướng dẫn học sinh thực hiện các biện pháp phòng bệnh không dùng thuốc (rửa tay thường xuyên) và khuyến khích học sinh tiêm chủng phòng bệnh.




Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem