Đích tăng trưởng hai chữ số: Biến khu vực kinh tế tư nhân thành mũi nhọn
Đích tăng trưởng hai chữ số: Biến khu vực kinh tế tư nhân thành mũi nhọn
Vũ Khoa
Thứ năm, ngày 09/01/2025 19:00 PM (GMT+7)
Năm 2024, khu vực kinh tế tư nhân không theo kịp tăng trưởng khu vực công và FDI. Đây là vấn đề bất cập, nhưng cũng là cơ hội, bởi hoàn toàn có thể kích thích khu vực tư, tạo ra động lực mới để phục vụ mục tiêu tăng trưởng 8 – 10%.
Báo cáo tại hội nghị tổng kết của Chính phủ và các địa phương ngày 8/1, Phó thủ tướng Nguyễn Hòa Bình cho biết tình hình kinh tế - xã hội 2024 tiếp tục phục hồi, tích cực trên các lĩnh vực. GDP 2024 tăng 7,09%.
Năm 2025 được coi là thời điểm "tăng tốc và bứt phá" để đạt mục tiêu cả nhiệm kỳ 2020-2025. Do đó, Chính phủ đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn 8% hoặc10% trong điều kiện thuận lợi, để tạo đà tăng trưởng hai chữ số cho giai đoạn tiếp theo.
Chia sẻ với phóng viên Dân Việt, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân (Đoàn Đại biểu Quốc hội Bình Dương) cho rằng mục tiêu tăng trưởng 8%, hoặc thậm chí 2 con số là có cơ sở. Tuy nhiên Chính phủ cần đề cập rõ việc tăng trưởng sẽ định hướng dựa vào động lực nào? Đặc biệt phải có sự chuyển dịch mạnh mẽ về quản lý, cơ chế. Nếu không, thị trường vẫn thế, sản phẩm vẫn thế sẽ rất khó để có cú hích đủ lớn.
"Về cảm quan, tôi cho rằng nền kinh tế còn dư địa tăng trưởng. Năm vừa rồi tăng trưởng GDP cao, nhưng chủ yếu ở khu vực công và FDI. Còn khu vực kinh tế tư nhân lại tăng trưởng không đáng kể. Như vậy, nếu kích thích khu vực tư, hoàn toàn có thể tạo ra động lực mới để phục vụ mục tiêu tăng trưởng đã đề ra", Đại biểu Nguyễn Quang Huân nói.
Tuy nhiên, cần có định hướng rõ ràng, tập trung cụ thể vào những ngành nghề nhất định nào khi kích thích tăng trưởng khu vực tư. Bởi khối này bao gồm doanh nghiệp tiềm năng cả về nông nghiệp, công nghiệp và ngành hàng xuất khẩu. Nhưng tiềm năng này có trở thành động lực không, lại cần đề án chỉ rõ nét mới trong từng nhóm ngành.
"Ví dụ như đất đai, nếu tháo gỡ để đưa ngành bất động sản phát triển trở lại, có thể trở thành động lực kinh tế tư nhân phát triển trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng. Tương tự, với các ngành chế biến nông lâm thủy sản, hay logistic.. đều cần tháo gỡ nút thắt. Có những thứ chỉ luôn ở dạng tiềm năng nếu không được cởi trói cơ chế", Đại biểu Huân chia sẻ.
Nhận định diễn biến kinh tế năm 2025 với PV Dân Việt, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, thị trường bên ngoài đang được dự báo không xấu hơn năm 2024, nhưng cũng không tốt bằng. Kim ngạch xuất khẩu 400 tỷ USD của năm 2024, tăng 14,4% so với năm 2023 là mức tăng rất cao. Do đó, không dễ có mức cao hơn trong năm nay, nhất là khi việc tăng tốc xuất khẩu sang Mỹ phải được cân nhắc thận trọng.
Theo phân tích của TS. Nguyễn Đình Cung, để đạt tốc độ hai con số, cùng với việc xốc lại tinh thần kinh doanh, tinh thần công việc thì cần các chính sách hoàn toàn khác biệt so với hiện tại, với quan điểm là cần làm, quyết tâm làm để phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao.
Trong bối cảnh này, nếu muốn tăng trưởng thì các động lực bên trong sẽ phải tăng mạnh. Đó là đầu tư công phải tăng mạnh, việc cải thiện các thủ tục cũng phải để các dự án chuyển tiếp, các dự án khởi công mới được đảm bảo thuận lợi, nhất là trong bối cảnh các cơ quan đang thực hiện sắp xếp bộ máy.
TS Nguyễn Đình Cung cũng đặc biệt nhấn mạnh khu vực đầu tư của khu vực tư nhân phải nhanh chóng trở lại, phải đạt được tốc độ tăng trưởng hai con số như nhiều năm trước.
"Bài toán lúc này là cải thiện môi trường đầu tư, xốc lại tâm lý, niềm tin kinh doanh. Có lẽ, tháo gỡ thể chế, tháo gỡ điểm nghẽn chính là cơ sở để tạo động lực tăng trưởng. Theo tôi, động lực kinh tế năm 2025 phải từ kinh tế địa phương. Hiện 63 tỉnh, thành phố đã có 63 quy hoạch, với các mục tiêu tăng trưởng đều trên hai con số. Nếu các địa phương ngay năm nay đạt được mức tăng trưởng này, thì nền kinh tế sẽ hưởng lợi ngay", TS. Nguyễn Đình Cung nói.
Dư địa nào cho khối tư nhân?
Với góc nhìn cá nhân, Đại biểu Nguyễn Quang Huân nêu ra một số nhóm ngành thế mạnh trong khối kinh tế tư nhân như xuất nhập khẩu may mặc, da giày, phân bón hữu cơ, vật liệu xây dựng. Giải pháp để phục vụ tăng trưởng, những nhóm thế mạnh này cần vào được nhiều hơn tại các thị trường mới và thị trường khó tính như Mỹ, EU.
Đối với xuất khẩu nguyên vật liệu xây dựng, năm vừa rồi chúng ta bị chững lại do một vài thị trường chính không nhập khẩu hoặc nhập khẩu kém do ảnh hưởng của sự suy giảm ngành hạ tầng. Đại biểu Nguyễn Quang Huân cho rằng cần nhanh chóng cải thiện tình trạng này bằng việc tập trung nghiên cứu, đưa sản phẩm xuất khẩu sang các thị trường khác như Nam Mỹ, Trung Đông.. những nơi vẫn đang phát triển về xây dựng hạ tầng, dân dụng.
Về ngành nông nghiệp, phân bón hữu cơ, hiện nay nhu cầu tại các thị trường Mỹ Latin, Trung Đông đang rất lớn. Đó chính là cơ hội để khối tư nhân tìm cơ hội phát triển, xuất khẩu thay vì chỉ tập trung cung cấp trong nước như hiện tại.
Ngoài ra, ở ngành công nghiệp phụ trợ, chúng ta đã xuất khẩu nhưng không đảm bảo để trở thành nguồn cung ứng thường xuyên cho FDI. Bởi vậy, nếu đẩy mạnh sản xuất trong nước để phục vụ cho chính FDI trong nước, trở thành chuỗi cung ứng của họ cũng trở thành động lực đóng góp tăng trưởng GDP.
"Hiện nay chúng ta xuất khẩu FDI thì nhiều, nhưng tỷ trọng đóng góp vào xuất khẩu lại rất thấp. Nên nếu chúng ta đưa được doanh nghiệp trong nước vào cung cấp hàng cho FDI sẽ tạo kích thích phát triển rất lớn, thì mục tiêu tăng trưởng 2 con số hoàn toàn có thể đạt được", Đại biểu Nguyễn Quang Huân phân tích.
Tạo niềm tin vào nền kinh tế với doanh nghiệp
Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 12/2024, nói về mục tiêu phấn đấu tăng trưởng GDP trên 8% của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Tâm cho biết với vai trò là cơ quan tham mưu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xác định năm 2025 tiếp tục phải thực hiện đổi mới và hoàn thiện thể chế. Trong đó, xác định công tác hoàn thiện thể chế là một trong những động lực giúp cho tăng trưởng đạt được kết quả cao.
Trong năm 2024, chúng ta thực hiện rất nhiều việc liên quan đến miễn, giảm, giãn, hoãn thuế. Tuy vậy, cuối năm vẫn tăng thu ngân sách. Thứ trưởng Nguyễn Đức Tâm khẳng định nếu tạo điều kiện, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp thì sẽ thu được nhiều hơn, doanh nghiệp sẽ quay trở lại hoạt động và tin tưởng vào nền kinh tế hơn. Đây là một trong những giải pháp trong thời gian tới cần tiếp tục triển khai thực hiện.
Cùng đó, Thứ trưởng Nguyễn Đức Tâm nhấn mạnh, mục tiêu tăng trưởng 2 con số yêu cầu rất cao cho các địa phương thường gọi là "đầu tàu, động lực tăng trưởng" như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và một số địa phương khác.
"Nếu các địa phương này tăng trưởng cao hơn con số đạt được của năm 2024 thì sẽ tạo ra động lực tăng trưởng rất lớn", Thứ trưởng Nguyễn Đức Tâm thông tin.
Ngoài ra, cần làm mới các động lực tăng trưởng, nhất là đầu tư, kích cầu tiêu dùng cũng như xuất nhập khẩu. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng xác định năm 2025 sẽ là năm thực hiện kích cầu tiêu dùng trong nước. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, không chỉ Việt Nam mà rất nhiều nước trên thế giới cũng thực hiện.
Bên cạnh đó, sẽ đẩy mạnh thực hiện 17 FTA (hiệp định thương mại tự do) đã ký kết, trong đó có thị trường hàng hóa Halal (thị trường thực phẩm, đồ uống, mỹ phẩm... cho người tiêu dùng Hồi giáo) nhằm thúc đẩy xuất khẩu.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.