Điểm cộng và điểm trừ của ĐT Việt Nam: Trẻ, triển vọng, nhưng non kinh nghiệm

Leo Nguyễn (Theo Sporting News) Thứ bảy, ngày 27/01/2024 18:10 PM (GMT+7)
Tuy ĐT Việt Nam còn nhiều tranh cãi về những sai lầm cá nhân, nhưng chúng ta đều có thể nhận ra tiềm năng của những cái tên như Nguyễn Thái Sơn (2003), Nguyễn Đình Bắc (2004), hay Võ Minh Trọng (2001).
Bình luận 0

ĐT Việt Nam đã phải chia tay Asian Cup 2024 ngay sau vòng bảng với thành tích thua cả 3 trận, ghi 4 bàn và thủng lưới 8 bàn.

Đây là kết quả không như mong muốn với thầy trò HLV Troussier và người hâm mộ, nhất là sau khi chúng ta từng lọt vào tới tứ kết vòng chung kết Asian Cup 2019. Hãy cùng nhìn lại những điều tích cực và hạn chế của Những chiến binh sao vàng ở giải đấu tại Qatar.

Điểm cộng và điểm trừ của ĐT Việt Nam: Trẻ, triển vọng, nhưng non kinh nghiệm- Ảnh 1.

ĐT Việt Nam vừa trải qua giải đấu nhiều cung bậc cảm xúc. Ảnh: Getty.

Điểm cộng của ĐT Việt Nam ở Asian Cup 2024

Những tài năng trẻ đầy triển vọng

Độ tuổi trung bình của ĐT Việt Nam ở Asian Cup 2024 là 23,3, trẻ thứ 2 giải đấu. Điều này khá tương đồng với giải đấu vào năm 2019 khi Việt Nam cũng là một trong những đội trẻ nhất giải.

Tuy nhiên, điểm khác biệt là HLV Park Hang-seo khi đó sở hữu "thế hệ vàng" với bộ khung đã chơi ăn ý với nhau nhiều năm, giành được thành công ở nhiều giải đấu từ U23 châu Á, AFF Cup, Asiad. Đó là những Quang Hải, Văn Hậu, Duy Mạnh, Văn Thanh...

Ở giải lần này, những cầu thủ trẻ ở độ tuổi U23 của ĐT Việt Nam đều đã có cơ hội thi đấu cùng nhau và ra mắt đội tuyển từ trước, nhưng sự ăn ý giữa họ không thể bằng thế hệ trước.

Tuy còn nhiều tranh cãi về những sai lầm cá nhân, nhưng chúng ta đều có thể nhận ra tiềm năng của những cái tên như Nguyễn Thái Sơn (2003), Nguyễn Đình Bắc (2004), hay Võ Minh Trọng (2001). Ngoại trừ vị trí thủ môn, ĐT Việt Nam đã có thể tự tin với một bộ khung tài năng trải đều ở cả 3 tuyến trong tương lai 3-4 năm nữa. Điều quan trọng là giúp các cầu thủ này phát huy hết tiềm năng của mình không chỉ ở đội tuyển quốc gia mà còn ở câu lạc bộ.

Phong cách chơi được định hình

Những cuộc tranh cãi về chuyện lối chơi của HLV Troussier của hợp với bóng đá Việt Nam hay có hiệu quả không sẽ còn tiếp diễn trong thời gian dài. Nhưng có thể tạm kết luận rằng ĐT Việt Nam có những bước tiến đáng kể trong việc kiểm soát bóng, đúng như mong muốn của vị chiến lược gia người Pháp khi nhận chức. Theo thống kê của AFC tính đến hết ngày 24/01, Việt Nam đứng thứ 8/24 đội ở Asian Cup 2024 xét về số đường chuyền thành công.

Xét riêng ở trận gặp ĐT Nhật Bản, đội bóng nổi tiếng toàn thế giới về lối chơi kiểm soát bóng áp đặt đối thủ, ĐT Việt Nam kiểm soát bóng 41% và có 6 lần dứt điểm. Ở lần trước đó gặp ĐT Nhật Bản tại vòng loại World Cup tháng 03/2022, ĐT Việt Nam hòa 1-1 nhưng chỉ kiểm soát bóng 27% và có duy nhất 1 cú dứt điểm (cũng là bàn thắng của Nguyễn Thanh Bình).

Điểm cộng và điểm trừ của ĐT Việt Nam: Trẻ, triển vọng, nhưng non kinh nghiệm- Ảnh 2.

Nguyễn Đình Bắc là phát hiện lớn nhất ở ĐT Việt Nam. Ảnh: Getty.

Điểm trừ của ĐT Việt Nam ở Asian Cup 2024

Sự non nớt và sự yếu kém từ V.League

Trẻ đồng nghĩa với non nớt và thiếu kinh nghiệm. Điều đó thể hiện rõ ở 2 trận đấu với ĐT Indonesia và ĐT Iraq khi mà lần lượt Nguyễn Thanh Bình và Nguyễn Minh Trọng phạm lỗi trong vòng cấm dẫn đến phạt đền, còn Khuất Văn Khang bị đuổi vì 2 thẻ vàng khá "lãng xẹt".

Sự non nớt đó còn có thể giải thích bằng khoảng cách quá xa của giải vô địch quốc gia V.League với thế giới. VAR mới chỉ xuất hiện ở V.League từ cuối mùa giải trước và vẫn đang trong giai đoạn sơ khai, những hành vi tiểu xảo vẫn được bỏ qua, làm ảnh hưởng tới màn trình diễn của các cầu thủ ở những sân khấu lớn như Asian Cup.

Thậm chí xét riêng về độ tinh quái, chúng ta cũng không sánh được so với những đối thủ đã có nhiều kinh nghiệm thi đấu ở các giải vô địch quốc gia lớn hàng đầu thế giới.

Dấu hỏi lựa chọn nhân sự

Nếu như những chấn thương của các ngôi sao hàng đầu như Đặng Văn Lâm, Quế Ngọc Hải, Nguyễn Tiến Linh hay Nguyễn Hoàng Đức khiến họ vắng mặt trong đội hình dự Asian Cup 2024 là điều bất khả kháng, thì có không ít lựa chọn nhân sự của HLV Troussier khiến người hâm mộ và cả giới chuyên môn đặt câu hỏi.

Ví dụ, ông gọi cả Vũ Văn Thanh, Hồ Tấn Tài - vốn là những cầu thủ chạy cánh hàng đầu V.League, vào danh sách 26 cầu thủ thi đấu ở Qatar nhưng kiên định dùng Phạm Xuân Mạnh đá chính cả 3 trận đấu ở hành lang phải. Vũ Văn Thanh có 2 lần vào sân từ ghế dự bị ở các trận gặp Indonesia và Iraq còn Hồ Tấn Tài không được sử dụng bất kỳ phút nào. Nếu đã tin tưởng Phạm Xuân Mạnh và Vũ Văn Thanh đến thế, sao không gọi một cái tên khác (có thể là ở hàng công) hữu ích hơn để thay thế Hồ Tấn Tài?

Hay như việc Đỗ Hùng Dũng bất ngờ vắng mặt ở trận đấu với ĐT Indonesia sau khi thể hiện tương đối tốt bên cạnh Nguyễn Thái Sơn và Nguyễn Tuấn Anh ở trận đấu trước đó vẫn chưa được giải thích thỏa đáng bởi vị HLV người Pháp.

Dĩ nhiên, có thể có rất nhiều câu chuyện bên lề ở hậu trường ảnh hưởng tới lựa chọn nhân sự mà cả giới truyền thông lẫn người hâm mộ chưa thể hiểu. Không may cho ông thầy người Pháp, một lựa chọn bất ngờ và hơi rủi ro đi kèm với kết quả không tốt đã dẫn đến nhiều phản ứng tiêu cực nơi người hâm mộ và giới truyền thông, những người vốn đã không mấy hài lòng với ông trong nửa năm vừa qua.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem