Điểm yếu trong phong cách chỉ đạo trận đấu của HLV Troussier?

Trần Oánh Thứ năm, ngày 23/11/2023 21:10 PM (GMT+7)
ĐT Việt Nam đã để lọt lưới ở những giây cuối cùng trong trận gặp Iraq. Trước đó, U23 Việt Nam của HLV Troussier cũng để thua U23 Indonesia ở phút cuối cùng của trận bán kết SEA Games, trong tình thế hơn người và có quyền đưa trận đấu vào những hiệp phụ đầy lợi thế.
Bình luận 0

Qua 2 trận đấu chính thức trước Philippines và Iraq, chúng ta đã được thấy kết quả đáng khích lệ của ĐT Việt Nam trong quá trình thay đổi lối đá, nhằm bắt kịp với xu hướng của bóng đá hiện đại cũng như tiến tới tiệm cận với trình độ của bóng đá Châu lục.

Trong trận gặp Iraq, trước 1 đối thủ mạnh, nhưng các cầu thủ của chúng ta đã tự tin triển khai lối đá kiểm soát bóng. Mặc dù vẫn còn những sai số trong quá trình thực hiện, như những lỗi kỹ thuật cá nhân hoặc các cầu thủ di chuyển không bóng chưa đủ, chưa phù hợp, nhưng so với các trận đấu với Trung Quốc, Hàn Quốc, đây là sự tiến bộ trông thấy. Tất nhiên đây mới là trận chính thức thứ 2 của ĐT Việt Nam, nên những sai số trong vận hành là khó tránh khỏi.

Việc không thể tung ra cú dút điểm nào về phía cầu môn ĐT Iraq là thông số xấu của đội bóng và cũng là thứ cần phải điều chỉnh. Nhưng ở khía cạnh khác, không phải họ không thể tạo ra cơ hội. Thực tế trong trận đấu trước Iraq, cũng có vài cơ hội đáng để các cầu thủ tấn công Việt Nam tung ra cú sút cầu môn, nhưng họ lại muốn tiếp tục phối hợp để hy vọng sẽ có cơ hội rõ ràng hơn. Và như ta thấy, cơ hội dứt điểm đã qua đi, và đó sẽ là bài học cho các học trò của ông Troussier.

Khi 1 HLV đến nhận 1 đội bóng, nếu chỉ điều chỉnh con người, bổ sung, điều chỉnh các miếng phối hợp cho đội bóng... họ không cần quá nhiều thời gian. Nhưng với việc thay đổi căn bản lối đá của đội bóng như HLV Troussier đang phải làm với ĐT Việt Nam, chắc chắn cần nhiều thời gian hơn để có thể thấy được kết quả. Cho dù như ông nói, ông có lợi thế là đã làm việc 5 năm ở Việt Nam trước khi nhận trách nhiệm này. Quá trình này có rất nhiều việc phải làm, từ thay đổi tư duy chơi bóng, đến thói quen xử lý bóng cũng như kỹ thuật cá nhân của các cầu thủ. Có 1 thực tế khó tin là nhiều tuyển thủ đã phải tập lại động tác kỹ thuật cơ bản để đáp ứng với lối đá phối hợp khi lên tập trung đội tuyển. Những động tác kỹ thuật lẽ ra họ phải thuần thục từ khi là cầu thủ U16, U17.

Điểm yếu trong phong cách chỉ đạo trận đấu của HLV Troussier? - Ảnh 1.

HLV Troussier và các học trò. Ảnh: VFF.

Với những gì diễn ra, có thể thấy việc xây dựng lối đá, xây dựng lực lượng trẻ cho đội bóng của ông Troussier đang có những kết quả tốt. Ông tỏ ra là 1 chiến lược gia dày dặn kinh nghiệm và rất bản lĩnh, kiên định với cách làm rất bài bản và có tầm nhìn xa của mình. Dường như ông không hề bị áp lực của truyền thông, của thành tích trước mắt tác động. Hay nói cách khác, ông đã làm rất tốt phần công việc huấn luyện của mình.

Chúng ta cùng xem xét phần công việc khác, đó là chỉ đạo trận đấu của HLV này qua các trận đấu của ông với đội U23 và ĐT Việt Nam.

Đầu tiên, đó là phong cách chỉ đạo trận đấu. Khác với phong cách máu lửa, nhiệt huyết chỉ đạo chi tiết các học trò trong trận đấu của HLV Park Hang-seo, ông Troussier không thường xuyên chạy ra mép sân để chỉ đạo trực tiếp các học trò. Chúng ta thấy ông rất ít khi hò hét cụ thể cầu thủ nào đó leo lên, lùi về hay phải theo kèm ai đó. Nhiều người cho rằng với phong cách đó sẽ không truyền nhiệt, không động viên tinh thần thi đấu được cho các cầu thủ. Nhưng dường như không phải vậy, chúng ta thấy các học trò của ông Troussier vẫn thi đấu với tinh thần rất tốt.

Có vẻ kể cả phong cách chỉ đạo thi đấu trên sân của HLV Troussier cũng mang sắc thái phong cách huấn luyện của ông. Ông muốn và cho rằng việc leo lên, lùi về hay theo kèm ai đó là thuộc về ý thức của từng cầu thủ, họ phải tự biết mình ở đâu, làm gì trong từng tình huống bóng mà không cần ai nhắc. Điều này có lý, vì không HLV nào có thể đi nhắc nhở cả 11 cầu thủ trên sân phải đứng ở đâu và làm gì. Việc tự ý thức được vị trí và hành động của mình trong trận đấu giúp nâng cao năng lực thi đấu của mỗi cầu thủ, nâng cao sức mạnh của đội bóng.

Nhưng việc này cũng có mặt trái. Bàn thua ở những giây cuối cùng trong trận Iraq của ĐT Việt Nam là 1 ví dụ điển hình. Chỉ cần các cầu thủ cầm chắc bóng, câu giờ hay làm gì cũng được, miễn sao cho trôi qua vài chục giây ngắn ngủi là có kết quả hòa. Nhưng các cầu thủ của chúng ta đã không làm vậy. Thực tế trên sân lúc đó quá nửa là các cầu thủ trẻ, thiếu kinh nghiệm. Người có kinh nghiệm và có thể thay mặt HLV chỉ huy anh em là đội trưởng Quế Ngọc Hải lại đã ra sân. Điều đáng nói là đội U23 của HLV Troussier cũng để xảy ra tình huống thua tương tự khi thi đấu hơn người U23 Indonesia trong trận bán kết SeaGames 32. Chỉ cần các cầu thủ trẻ giữ thế trận, kéo trận đấu vào hiệp phụ để kết liễu đối thủ. Nhưng họ lại dâng lên tấn công để rồi thua Indonesia trong phút cuối cùng. Nếu là trong tay HLV Park Hang-seo, thắng thua chưa biết, nhưng hẳn ông sẽ không để các cầu thủ trẻ của chúng ta thi đấu ngây thơ như vậy.

Điểm yếu trong phong cách chỉ đạo trận đấu của HLV Troussier? - Ảnh 2.

Nổi buồn của các cầu thủ ĐT Việt Nam sau trận thua ĐT Iraq. Ảnh: VFF.

Chắc chắn những tình huống này sẽ là những bài học quý giá cho các cầu thủ trẻ Việt Nam. Nhưng biết đâu, qua đó, chính HLV Troussier cũng rút ra được các bài học cho mình để điều chỉnh phong cách huấn luyện, phong cách chỉ đạo trận đấu cho phù hợp, để bóng đá VIệt Nam có những thành tích tốt hơn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem