Điều gì khiến thần thám Địch Nhân Kiệt công đức cả đời bị tổn hại?

Thứ năm, ngày 15/12/2022 12:32 PM (GMT+7)
Địch Nhân Kiệt là một vị quan và là một thám tử huyền thoại của triều đại nhà Đường. Ông nổi tiếng khắp thế giới và được ví như Sherlock Holmes của phương Đông.
Bình luận 0

Điều gì khiến thần thám Địch Nhân Kiệt công đức cả đời bị tổn hại? - Ảnh 1.

Địch Nhân Kiệt cả đời thanh chính, liêm khiết.

Địch Nhân Kiệt (630-15/8/700), tự Hoài Anh, còn gọi là Lương Văn Huệ công, là một quan lại của nhà Đường cũng như của triều đại Võ Chu do Võ Tắc Thiên lập ra. Ông từng giữ chức Tể tướng thời kỳ Võ Tắc Thiên trị vì. Ông là người làm quan có tiếng là liêm minh.

Ông là người Thái Nguyên, Tịnh Châu (nay là Thái Nguyên, Sơn Tây), sinh ra trong một gia đình quan chức. Cao tổ của ông là Địch Trạm đã theo Vũ Văn Thái chạy về Hàm Dương. Ông nội là Địch Hiếu Tự từng giữ chức thượng thư tả thừa (thư ký trong thượng thư tỉnh), cha đẻ là Địch Tri Tốn từng làm trưởng sử Quỳ Châu (nay là miền đông Trùng Khánh).

Tất cả những vụ việc, biến chuyển xảy ra trong triều đại nhà Đường Trung Quốc đều được sách sử theo dõi, ghi chép một cách nghiêm túc, hình tượng thần thám Địch Nhân Kiệt được biết đến với một hình thức điều tra thông minh liêm khiết. Ông có một lối khai thác phá án nổi tiếng ghi dấu ấn trong nền văn hóa Trung Quốc, những vụ án của ông được ghi chép lại trong tác phẩm “Địch Công Án” với một chuỗi các câu chuyện tiểu thuyết được viết bởi một tác giả vô danh của thế kỷ 18, bộ sách được dịch sang tiếng Anh trong những năm 1940.

Cả đời thanh liêm

Điều gì khiến thần thám Địch Nhân Kiệt công đức cả đời bị tổn hại? - Ảnh 2.

Sinh thời, Địch Nhân Kiệt được nhân dân yêu kính nhờ tài năng và đức độ.

Trải qua bao thăng trầm trên con đường quan lộ, dù được thăng quan hay bị giáng chức, mỗi khi đảm nhận nhiệm vụ, Địch Nhân Kiệt đều lấy dân, lấy nước làm gốc, đạt được nhiều công lao cái thế.

Khi còn là Tể tướng, ông có công phụ quốc, an bang, nhiều lần giúp Võ Tắc Thiên tu chỉnh triều chính, trở thành một đại công thần đưa Đường triều bước trên con đường phồn vinh.

Khi bị giáng chức và điều động về Bành Trạch, vị thần thám này vẫn luôn cần kiệm, thương dân.

Cũng vào khoảng thời gian ấy, Bành Trạch hạn hán nặng nề, nhân dân đói kém, Địch Nhân Kiệt đích thân dâng tấu lên triều đình xin cứu tế, miễn giảm tô thuế, giúp bách tính nơi đây vượt qua giai đoạn khó khăn.

Điều gì khiến thần thám Địch Nhân Kiệt công đức cả đời bị tổn hại? - Ảnh 3.

Địch Nhân Kiệt nhiều lần giúp Võ Tắc Thiên tu chỉnh triều chính.

Tháng 10 năm Vạn Tuế Thông Thiên thứ nhất (696), người Khiết Đan công hãm Ký Châu. Để ổn định tình hình, Võ Tắc Thiên cử Địch Nhân Kiệt nhậm chức Thứ sử Ký Châu và Ngụy Châu.

Thứ sử Ngụy Châu trước đó là Độc Cô Tư Trang vì lo ngại thế giặc, đã hạ lệnh cho dân chúng rời bỏ nhà cửa để vào trong thành lánh nạn. Tuy nhiên, sự điều động này khiến dân chúng càng thêm lo sợ, phẫn nộ.

Sau khi tới đây nhậm chức, Địch Nhân Kiệt nhận thấy quân Khiết Đan còn ở xa, đã khuyến khích dân chúng trở về nhà. Sau khi biết tin, quân giặc đi đường vòng lên phía bắc, Ngụy Châu nhờ vậy mà tránh được một đại nạn binh đao.

Ghi nhớ công ơn của vị Thứ sử lúc bấy giờ, dân chúng nơi đây đã lập một tấm bia ghi tạc công đức Địch Nhân Kiệt.

Tiếc thay “hổ phụ" lại sinh... "khuyển tử"

Sinh thời, Địch Nhân Kiệt có ba người con trai. Trưởng nam là Địch Quang Tự, làm quan tới chức Lang trung bộ hộ. Con thứ là Địch Quang Viễn, chức vụ cao nhất từng đảm nhiệm là Ti mã.

Con trai út của Địch Nhân Kiệt là Địch Quang Chiêu (tự Tử Lương), sau đổi tên thành Địch Quang Huy, làm quan tới chức Phương viên Ngoại Lang.

Noi gương người cha cả đời vì dân, vì nước, hai người con đầu của Địch Nhân Kiệt đều hết mực thanh liêm, chuyên tâm với trách nhiệm. Duy chỉ có “khuyển tử” Địch Cảnh Huy bị coi là một “vết đen” trong cuộc đời của thần thám họ Địch.

Nhắc tới người con trai thứ ba này, "Tân Đường Thư" và "Cựu Đường Thư" đều dùng những lời lẽ không mấy tốt đẹp.

Sinh thời, Địch Cảnh Huy nối gót cha và hai anh, thuận lợi bước vào đường quan lộ. Khi mới nhậm chức, Cảnh Huy hết sức cẩn trọng, đúng mực.

Nhưng càng thăng tiến, người con thứ ba này lại càng bị cám dỗ bởi công danh, lợi lộc.“Cựu Đường Thư” từng đánh giá Địch Cảnh Huy “là người tham bạo, đối nhân xử thế tàn ác”.

Điều gì khiến thần thám Địch Nhân Kiệt công đức cả đời bị tổn hại? - Ảnh 4.

Thanh danh cả đời của Địch Nhân Kiệt lại bị "bêu rếu" bởi người con trai út thất đức.

Khi nhậm chức tham quân (quan thanh tra) tại Ngụy Châu, họ Địch này điên cuồng vơ vét, khiến lòng dân oán hận khôn nguôi.

Ngay trên mảnh đất cha ruột từng lập công, Địch Cảnh Huy lại “bôi đen” thanh danh nhà họ Địch bằng lòng tham và sự thất đức của mình. Vì quá bất mãn, dân chúng Ngụy Châu đã đập tan tấm bia ghi công đức năm xưa của Địch Nhân Kiệt.

Khi sự việc bị phát giác, Địch Nhân Kiệt vô cùng tức giận với đứa con bất hiếu này. Ông thẳng tay bãi chức, cắt bổng lộc của Địch Cảnh Huy.

Lúc đó, không ít vị đại thần ra mặt biện hộ, bản thân Cảnh Huy cũng quỳ xuống, khóc lóc xin cha tha thứ, nhưng Địch Nhân Kiệt vẫn “công tư phân minh”, kiên quyết phạt nặng con trai.

Khi ấy, vị thần thám họ Địch thẳng thắn nói: “Người hiền được nâng đỡ, kẻ tham phải chịu phạt. Đó chính là đạo lý dùng người, cũng là cách để chấn hưng đất nước.”

Địch Nhân Kiệt cả đời thanh chính, liêm khiết, luôn một lòng vì nước, vì dân, được bách tính yêu mến mà lập “Đức chính bia”.

Nhưng tiếc thay “hổ phụ sinh khuyển tử”, chỉ vì lòng tham của con trai ruột mà công đức bị tổn hại, ngay đến tấm bia lưu danh cũng bị nhân dân “giận cá chém thớt” mà đập nát.

Bình luận về sự việc này, học giả Triệu Dực đời nhà Thanh từng thở dài cảm thán: “Âu cũng là do con trai bại đức khiến cả gia đình mất danh dự!”

Có một người con trai như Địch Cảnh Huy, hình tượng và công đức của Địch Nhân Kiệt ít nhiều bị “bôi đen”. Hậu thế cũng càng thêm hiểu rõ: những chân lý như “hổ phụ sinh hổ tử”,“cha anh hùng, con hảo hán” không phải lúc nào cũng đúng.

Địch Nhân Kiệt với điện ảnh

Điều gì khiến thần thám Địch Nhân Kiệt công đức cả đời bị tổn hại? - Ảnh 5.

Phim về Địch Nhân Kiệt được khán giả yêu thích.

Không chỉ là thần thám nổi tiếng trong lịch sử, trên phim ảnh loạt phim trinh thám về ông cũng đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả như Địch Nhân Kiệt: Thông thiên đế quốc là bộ phim hành động, trinh thám cổ trang về Địch Nhân Kiệt - một nhân vật lịch sử xuất chúng trong điện ảnh và sử sách Trung Quốc. Trong phim, võ thuật gia Hồng Kim Bảo được giao vai trò chỉ đạo võ thuật kiêm đạo diễn hành động. Dàn diễn viên chính trong phim bao gồm Lưu Gia Linh, Lưu Đức Hoa,Lý Băng Băng, Đặng Siêu, và Lương Gia Huy.

Bộ phim được khởi quay vào tháng 5 năm 2009 tại phim trường Hoành Điếm (tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc) và được công chiếu bắt đầu từ ngày 29 và 30 tháng 9 năm 2010 lần lượt tại Trung Quốc và Hong Kong. Ngoài ra, đây là bộ phim Hoa ngữ duy nhất được đề cử tranh giải Sư tử vàng tại liên hoan phim Venice diễn ra vào đầu tháng 9 năm 2010 tại Ý.

Nội dung bộ phim nói về ngay trước buổi lễ đăng cơ của nữ hoàng Võ Tắc Thiên, một số nhân vật quan trọng trong triều đình đột nhiên bị thiêu chết bằng những ngọn lửa kỳ bí phát ra từ bên trong cơ thể. Sự việc gây hoang mang tột độ trong lòng mọi người và đe dọa tới quyền lực của nữ hoàng. Trong tình thế cấp bách, Võ Tắc Thiên cho gọi Địch Nhân Kiệt - vị thám tử lừng danh bị đi đày từ tám năm trước, và ra lệnh cho ông điều tra nguyên nhân của những cái chết cũng như khám phá thế lực đen tối đằng sau chúng.

Phần 2, Địch Nhân Kiệt: Rồng biển trỗi dậy ra mắt năm 2013 và phần 3, Địch Nhân Kiệt: Tứ đại Thiên vương công chiếu năm 2018.


Quốc Tiệp (Theo Người Đưa Tin)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem