Mỹ đã điều một chiếc tàu khu trục tới khu vực bờ biển ngoài khơi Hàn Quốc để chống lại khả năng bị tấn công tên lửa. Đây là động thái mới nhất trong hàng loạt vụ Mỹ điều vũ khí hiện đại tới bán đảo Triều Tiên nhằm "chống lại các mối đe dọa từ phía CHDCND Triều Tiên," động thái mà phía Bình Nhưỡng cho là hành động khiêu khích.
Một quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên cho hãng tin AFP biết rằng tàu USS Fitzgerald đã được điều tời bờ biển Tây Nam Hàn Quốc sau khi tham gia các cuộc diễn tập quân sự thường niên, thay vì quay trở về cảng đóng quân ở Nhật Bản.
|
Khu trục hạm USS Fitzgerald trên đường tới bán đảo Triều Tiên (Nguồn: AFP) |
Việc điều con tàu này đi làm nhiệm vụ diễn ra chỉ vài giờ sau khi Quốc hội Triều Tiên thông qua một đạo luật chính thức phê chuẩn vị thế của nước này là một quốc gia có vũ khí hạt nhân.
Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đã tăng cao kể từ khi Bình Nhưỡng phóng một quả tên lửa tầm xa hồi tháng 12 vừa qua và tiếp đó là cho thử hạt nhân vào tháng 2 năm nay.
Các lệnh cấm vận do LHQ ban ra sau đó cùng với các cuộc diễn tập quân sự thường niên giữa Mỹ và Hàn Quốc đã được Triều Tiên lấy làm cái cớ để tăng cường đe dọa nhằm vào Seoul và Washington, gồm cảnh báo tấn công tên lửa và tiến hành chiến tranh hạt nhân.
Quan chức Mỹ trên cho biết trong bối cảnh đó, việc điều tàu USS Fitzgerald tới bán đảo Triều Tiên là "một động thái thận trọng". Quan chức này nói rằng Mỹ sẽ mang tới "các lựa chọn phòng thủ tên lửa lớn hơn khi cần thiết".
Trước đó vào thứ Hai, quân đội Mỹ thông báo họ đã triển khai máy bay chiến đấu F-22 tới Hàn Quốc trong khuôn khổ cuộc tập trận Đại bàng non (Foal Eagle) thường niên.
Phát ngôn viên Lầu Năm Góc George Little cho biết những chiếc F-22 là "sự thể hiện quan trọng" cam kết của Mỹ trong việc liên minh quân sự với Hàn Quốc.
"Những người Triều Tiên có một sự lựa chọn. Họ có thể tiếp tục gây hấn, với những giọng điệu hiếu chiến, nóng nảy, thiếu trách nhiệm, hoặc họ có thể chọn con đường hòa bình" - Little nói với các phóng viên.
Triều Tiên đã đe dọa tấn công lục địa Mỹ và các căn cứ Mỹ ở Thái Bình Dương nhằm phản ứng với việc Mỹ điều các máy bay ném bom B-52 và B-2 tới cuộc tập trận Đại bàng non.
Nhưng tình báo Mỹ đánh giá dù tuyên bố mạnh miệng, Triều Tiên vẫn chưa có hành động thực tế nào tương xứng. Theo phát ngôn viên Nhà Trắng Jay Carney, Mỹ chưa thấy sự thay đổi trong tình hình của quân đội Triều Tiên, như việc điều quân quy mô lớn và tái bố trí lại các lực lượng quân đội.
Trong khi đó, tân Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-Hye đã nói trước các quan chức quân sự cao cấp rằng bất kỳ hành vi gây hấn nào của Triều Tiên cũng phải được đáp trả "mạnh mẽ và ngay lập tức" bằng biện pháp quân sự, không cần biết hậu quả chính trị.
Hành động quyết đoán của Mỹ và quan điểm cứng rắn của Hàn Quốc cho thấy hai đồng minh đang hợp tác rất chặt với nhau. Hiện Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-Se đang ở Washington để hội đàm với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry.
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc nói rằng "các mối đe dọa tiếp tục diễn ra từ phía Triều Tiên" sẽ nằm đầu chương trình nghị sự.
Cuộc đối đầu trên bán đảo Triều Tiên đã khiến cộng đồng thế giới quan ngại về một cuộc xung đột có thể vô tình xảy ra và leo thang nhanh.
Tuy nhiên một số nhà phân tích chỉ ra rằng các đe dọa gần đây nhất của Triều Tiên, dù có giọng điệu to tát, đã nhấn mạnh việc Bình Nhưỡng sẽ chỉ hành động để đối phó với một cuộc tấn công quân sự từ Mỹ và Hàn Quốc.
Theo Stephen Haggard, một chuyên gia Triều Tiên tại Viện nghiên cứu Kinh tế Quốc tế Peterson ở Washington, dựa vào khả năng tấn công phủ đầu trước (của Mỹ - Hàn) là gần như bằng 0, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un sẽ có một lối thoát khỏi khủng hoảng mà không bị bẽ mặt.
Theo ông, Kim vẫn có thể tuyên bố rằng "tất cả các lời đe dọa và các cuộc kiểm tra quân đội do ông thực hiện vẫn thành công trong việc răn đe ngăn ngừa một vụ tấn công, dù cuộc tấn công này sẽ không xảy ra ở bất kỳ tình huống nào".
"Dựa vào đó, chính quyền có thể tuyên bố thành công và lùi bước" - ông nói.
Theo Vietnam+
Vui lòng nhập nội dung bình luận.