Chiến dịch hoàn hảo
Cuộc giải cứu này, có thể coi là điều kỳ diệu nhất năm 2010, là chiến thắng của tình yêu và sự sống. Cùng với nỗ lực của cả đất nước Chile và những người cứu hộ quả cảm, lồng giải cứu Phượng Hoàng trở thành biểu tượng anh hùng mới khi đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử của mình.
|
Daniel Herrera - thợ mỏ thứ 16 hạnh phúc trong vòng tay của mẹ |
Với tốc độ nhanh đến kinh ngạc mà không có một sơ suất nào, lực lượng cứu hộ Chile đã đưa toàn bộ 33 thợ mỏ Chile thoát khỏi "ngục tù" sâu gần 700m dưới lòng đất để trở về với thế giới tươi đẹp này. Cửa lồng cứu hộ đôi lúc bị kẹt, vài bánh xe bị mòn phải thay, nhưng toàn bộ chiến dịch giải cứu đã diễn ra thật hoàn hảo. Lồng cứu hộ đã đi nhanh đến kinh ngạc, có lúc chỉ 25 phút cho chặng đường gần 700m xuống hầm mỏ và đón từng người thợ lên trên.
Kể từ lúc Florencio Avalos, người thợ mỏ đầu tiên được giải cứu vào lúc 10 giờ 10 phút sáng 13-10 (giờ Việt Nam), cho đến 7 giờ 54 phút sáng 14-10, người thợ mỏ cuối cùng bước ra khỏi lồng Phượng Hoàng, cả đất nước Chile gần như thức trắng để theo dõi từng diễn biến của cuộc giải cứu.
Tổng thống Chile, ông Sebastian Pinera, người đã có mặt ở lối xuống khu mỏ trong hầu hết thời gian giải cứu cho rằng, không còn gì mãn nguyện hơn: “Chúng ta đã làm được điều cả thế giới chờ đợi. Chúng ta đã làm điều đó theo cách của Chile. Đó là cách đúng đắn”. Ông Pinera đã gọi cả chiến dịch này là “phép màu”.
Trong phút chờ đợi Luis Urzua, người thợ mỏ cuối cùng lên đến đích, đội cứu hộ ôm nhau và hát vang, vui sướng vì đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tổng thống Pinera lau giọt nước mắt đang rơi trên gò má của mình. Tiếng hát, tiếng hô vang dậy khắp khu mỏ khi mọi người nghe thấy thông báo chiếc lồng cứu hộ chở Urzua di chuyển được 200m.
Lúc Urzua còn khoảng 55m tới đích, họ hét lên, hỏi vọng xuống "Thế nào?", và anh trả lời "Tốt". Khi chiếc lồng lộ diện, mọi người vỗ tay cổ vũ, huýt sáo, thổi còi và khóc vì mừng, chào đón Urzua "hồi sinh". Ngay sau đó, Tổng thống Pinera đã đậy nắp hố giải cứu, đặt dấu chấm hết cho “cuộc khủng hoảng ở Chile” với chi phí cho chiến dịch giải cứu là 20 triệu USD.
Sau 69 ngày dưới lòng đất với cái chết lúc nào cũng lởn vởn xung quanh, tất cả các thợ mỏ, từ người yếu nhất, người nhỏ tuổi nhất, người già nhất, người nước ngoài duy nhất.., giờ đây đều nhận được sự chào đón nồng nhiệt của gia đình, của chính phủ, của nhân viên cứu hộ và của cả những người hoàn toàn xa lạ từ trên khắp thế giới.
Chiến thắng của tình yêu, sự sống
Nước mắt lã chã rơi trên những nụ cười hạnh phúc là cảm xúc của hầu hết những người thợ mỏ được giải cứu.
|
Niềm vui của Luis Urzua - người thợ mỏ cuối cùng lên mặt đất, bên trái anh là Tổng thống Chile Pinera |
Khi đứng trên mặt đất, một vài thợ mỏ giơ ngón tay lên đầy sung sướng. Một vài người vẫy quốc kỳ, rồi ôm chầm lấy người thân. Một người quỳ xuống cầu nguyện. Trong khi đó, một người hỏi về con chó của mình. Đó là cách những người thợ mỏ biểu lộ cảm xúc sau khi từ hầm tối ở mỏ San Jose được ra hít khí trời, bước đi trên mặt đất sau hơn hai tháng dài đằng đẵng.
Mario Sepulveda, người thợ mỏ thứ hai được giải cứu đã mang theo những viên đá anh lấy từ lòng đất lên để tặng cho những người đã cứu mạng sống của anh. "Chúng tôi đã phải trải qua những thời khắc của cái chết cận kề. Hãy gọi cho những người thân yêu khi bạn cảm thấy bế tắc, rồi điều kỳ diệu sẽ đến. Ngay cả tình yêu thương cũng là những điều kỳ diệu nhất trên cuộc đời này" - Mario chia sẻ.
Còn Jimmy Sanchez, chàng thợ mỏ trẻ tuổi nhất đã viết một lá thư dành cho những người thân yêu ngay trong lồng Phượng Hoàng: “Con đã trải qua quá nhiều. Trong những giờ phút tuyệt vọng nhất, con cảm ơn Chúa đã cho con có một cô con gái”.
Đối với Ariel Ticona, nhắm mắt lại và tưởng tượng đến khuôn mặt xinh xắn của cô con gái Esperanza, trong tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là “Hi vọng”, đã mang lại cho anh sức mạnh khi ở trong lồng Phượng Hoàng chờ đợi lên mặt đất.
Người thợ mỏ thứ tám Claudio Yanez đã được tặng một cơn mưa nụ hôn từ Cristina, người vợ chưa cưới khi anh vừa lên mặt đất. Mặc dù đã sống với nhau 11 năm và có hai con gái, Cristina và Claudio chưa kết hôn. Tuy nhiên, trong những bức thư đầu tiên gửi nhau kể từ khi Claudio bị mắc kẹt dưới lòng đất, họ quyết định sẽ làm đám cưới. Và sau cuộc giải cứu này, Cristina sẽ là cô dâu hạnh phúc bên người chồng vừa trở về từ "hầm mộ"...
Công ty San Esteban, chủ sở hữu khu mỏ San Jose đang đối mặt với đơn kiện buộc bồi thường 12 triệu USD từ gia đình các nạn nhân. Tòa đã ra lệnh phong tỏa tài sản hơn 1,8 triệu USD của công ty này trong thời gian thụ lý đơn kiện.
Đăng Thúy
Vui lòng nhập nội dung bình luận.