Đô thị thông minh phải dự báo được kẹt xe, ngập nước

Hồ Văn Chủ nhật, ngày 26/11/2017 19:13 PM (GMT+7)
“Bây giờ mà người dân có hỏi khi nào, chỗ nào kẹt xe, ngập nước thì chúng ta trả lời được không? Không thể trả lời. Đô thị thông minh là phải trả lời trước được vấn đề đó, phải giải quyết được những vấn đề bức xúc đang tồn tại bằng các phần mềm mô phỏng và dữ liệu phân tích để có thể dự báo trước và chủ động phản ứng, giải quyết các bức xúc đó”, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho biết
Bình luận 0

Chiều 26.11, UBND TP.HCM đã tổ chức Hội nghị công bố đề án “Xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020 và tầm nhìn đến 2025”.

img

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với đại biểu bên lề hội nghị. Ảnh: Hồ Văn

Người dân là trung tâm của đô thị thông minh

Theo Bí thư Nhân, lúc còn ở Mặt trận Tổ quốc, ông đã phối hợp với Ngân hàng thế giới tổ chức Hội thảo về đô thị thông minh. Đô thị thông minh liên quan đến tư duy, giải quyết các vấn đề bức xúc của thành phố. Singapore đã làm quốc gia thông minh. Ấn Độ thu nhập thấp hơn mà đô thị của họ nằm trong tốp 100 TP thông minh. TP.HCM làm được không? "Làm được. Khi chưa có cơ chế đặc thù chúng ta đã chủ động rồi, nay cơ chế đặc thù được thông qua thì càng có động lực để đẩy nhanh tiến độ xây dựng đô thị thông minh", ông Nhân khẳng định.

“Đô thị thông minh thì ai thông minh? Chính quyền thông minh, DN thông minh, người dân thông minh… Thông minh là nhìn thấy cái dài hạn, làm hôm nay để phát huy tiềm lực ngày mai phát triển tốt hơn. DN có tầm nhìn, người dân có tầm nhìn dài hạn và bao quát hơn. Thông minh là hiệu quả cao, quản lý dưới góc độ thông minh, dùng được các công nghệ tiên tiến nhất, thông minh nhất”, Bí thư Nhân nói.

Cũng theo ông Nhân, vì sao chỉ có khái niệm đô thị thông minh mà không có nông thôn thông minh, vì đô thị là tổng hợp các vấn đề bức xúc, đô thị càng phát triển vấn đề bức xúc càng nhiều, nhiều hơn nông thôn. Ở Việt Nam, TP.HCM phải làm đô thị thông minh đầu tiên là phù hợp.

Bí thư Nhân cũng tóm gọn, xây dựng đô thị thông minh phải đạt được 4 mục tiêu: Phát triển kinh tế cao, bền vững, phải dự báo trước khó khăn; Môi trường sống tốt; Hạ tầng, chất lượng không khí đô thị đạt tiêu chuẩn; Phát huy được chủ thể sáng tạo của người dân, người dân giám sát, đô thị thông minh là phát huy vai trò giám sát của người dân.

“Bao giờ hết kẹt xe, có trả lời được không? Không thể trả lời. Bao giờ hết ngập nước? Chưa dự báo, chưa mô phỏng được... Những vấn đề này sẽ làm được với dự án đô thị thông minh. Phải thấy trước vấn đề chứ không giật mình khi vấn đề xảy ra nữa, như dự báo trước 3 tháng về kẹt xe; ngập nước phải dự báo trước 1nnăm… Biết được những vấn đề này nhờ phần mềm dự báo và phân tích số liệu, phát hiện tính quy luật, tính lặp lại và không gặp lại”, Bí thư Nhân chỉ đạo.  

Ông Nhân cũng cho rằng, thế giới thông minh sống bằng không gian thật và không gian trên mạng. Không gian mạng trở thành nguyên tắc của đô thị thông minh. Xây dựng đô thị thông minh là mỗi người dân, mỗi cơ quan, tổ chức là mỗi chủ thể sáng tạo, giúp cho chính quyền TP trong điều hành.

Đô thị thông minh phải có công cụ đặc thù gắn với không gian mạng, liên kết hàng triệu, hàng vạn cá thể, hệ thống cảm biến thông minh, đặc biệt là các thiết bị đầu cuối. “Chúng ta phải có nhánh nghiên cứu trí tuệ nhân tạo, về lâu dài, ai làm chủ cái này là thông minh”, Bí thư Nhân khẳng định.

TP.HCM sớm gia nhập đô thị thông minh toàn cầu

Báo cáo Đề án xây dựng đô thị thông minh, phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến cho biết, TP.HCM sẽ phát triển kinh tế tương đối cao, bền vững trên nền tảng khai thác tốt nhất các nguồn lực. Đô thị thông minh xem người dân là trung tâm.

img

Phó chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến trả lời báo chí về đề án thành phố thông minh. Ảnh: Hồ Văn

Tầm nhìn đặt “người dân làm trung tâm của đô thị” được hiểu là người dân sẽ có chất lượng sống tốt, được phục vụ tốt và có thể tham gia vào quá trình giám sát, quản lý và xây dựng TP.

Đô thị thông minh hướng tới các mục tiêu như: Đảm bảo tốc độ tăng tưởng kinh tế, hướng đến kinh tế tri thức, kinh tế số; quản trị đô thị hiệu quả trên cơ sở dự báo; nâng cao chất lượng môi trường sống và làm việc; tăng cường sự tham gia quản lý của người dân...

Theo phó Chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến, đô thị thông minh hiểu như một khái niệm kỹ thuật, là sử dụng các giải pháp thông minh trong quản lý và điều hành của chính quyền. Đô thị thông minh đặt con người là trên hết, con người sử dụng các tiện ích thông minh trong cuộc sống hằng ngày cũng như trong công việc của mình, ví dụ: sử dụng điện thoại thông minh để biết chỗ nào kẹt xe và tự điều tiết hay có thể tra cứu thông tin quy hoạch của TP.

img

Chủ tịch Nguyễn Thành Phong phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Hồ Văn

Phát biểu kết thúc hội nghị, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho rằng, Nghị quyết về cơ chế đặc thù là động lực thì đô thị thông minh là đòn bẫy tăng tưởng vượt bậc so với tăng trưởng truyền thống. Ngoài thu hút đầu tư, các tiện ích thông minh mang lại còn thúc đẩy tăng tưởng kinh tế bền vững và bao trùm. TP.HCM sẽ sớm trở thành TP thông minh, gia nhập nhóm đô thị thông minh toàn cầu, kéo mức thu nhập lên trung bình và khá.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem