Doanh nghiệp nỗ lực đàm phán để gia hạn thanh toán nợ trái phiếu

Quốc Hải Thứ hai, ngày 10/07/2023 06:19 AM (GMT+7)
Khó khăn về dòng tiền, nhiều doanh nghiệp bất động sản (BĐS) đã tích cực đàm phán với các trái chủ để gia hạn thời hạn thanh toán các trái phiếu sắp đến hạn, thậm chí sẵn sàng chấp nhận tăng lãi suất thêm so với thỏa thuận ban đầu để “kịp thở” trước áp lực trả nợ quá lớn.
Bình luận 0

Danh sách doanh nghiệp chậm trả lãi và gốc trái phiếu tiếp tục tăng

Mới nhất, Công ty CP Năng lượng Tái tạo Trung Nam (TNRE) đã thông báo lùi ngày đáo hạn của lô trái phiếu TRECB2223001. Lô trái phiếu này được phát hành vào ngày 30/6/2022 với tổng trị giá 1.500 tỷ đồng, kỳ hạn một năm, lãi suất là 11,5%/năm và 6 tháng trả lãi một lần.

Theo đó, sát đến thời điểm đáo hạn (ngày 30/6/2023), TNRE đã đạt thỏa thuận với các trái chủ để lùi ngày đáo hạn của lô trái phiếu trị giá 1.500 tỷ đồng sang ngày 4/8/2023. Số tiền lãi 86 tỷ đồng còn lại cũng sẽ được trả vào ngày 4/8.

Doanh nghiệp nỗ lực đàm phán gia hạn thanh toán nợ trái phiếu - Ảnh 1.

Danh sách các DN chậm trả lãi và gốc trái phiếu vẫn tiếp tục tăng trước áp lực về dòng tiền. Ảnh: Quốc Hải

Trước đó, hàng loạt DN liên quan đến "ông lớn" Novaland cũng công bố chậm trả lãi và gốc trái phiếu.

Chẳng hạn, Công ty CP BNP Global đang đàm phán thanh toán gốc và lãi 2 lô trái phiếu BNPCH2123001 và BNPCH2123002 nhưng vẫn chưa đạt được thỏa thuận với trái chủ.

Cụ thể, với lô trái phiếu BNPCH2123001, đây là lô trái phiếu phát hành ngày 7/6/2021 và đáo hạn ngày 7/6/2023, có trị giá 500 tỷ đồng. Lãi suất cho cho năm đầu tiên cố định ở mức 10,3%/năm, từ các kỳ lãi tiếp theo bằng tổng của lãi suất tham chiếu cộng 4,7%, nhưng không thấp hơn mức 10,3%/năm.

Đến thời điểm đáo hạn, BNP Global tiến hành đàm phán với trái chủ nhưng chưa có kết quả. Hiện tổng nợ gốc, lãi của lô trái phiếu này là 512 tỷ đồng.

Trong khi đó, lô trái phiếu BNPCH2123002 được phát hành ngày 4/10/2021 và đáo hạn vào 4/6/2023, có trị giá 2.100 tỷ đồng. BNP Global cũng đã đàm phán với trái chủ về việc giãn lịch thanh toán gốc và lãi trái phiếu với tổng số tiền 2.184 tỷ đồng nhưng các trái chủ không đồng ý gia hạn và đang tiếp tục thương thảo thêm.

Được biết, trong dàn thành viên HĐQT Công ty CP BNP Global có ông Bùi Đạt Chương. Ông Bùi Đạt Chương là em trai ruột của ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch HĐQT Novaland.

Một DN khác cũng liên quan đến Novaland là Công ty TNHH Bất động sản Gia Đức (công ty con do Novaland nắm giữ 99,99% vốn điều lệ), mới đây cũng thông báo chậm trả 36 tỷ đồng lãi của lô trái phiếu GDUCH2131001. Lý do được đưa ra là chưa thu xếp kịp nguồn thanh toán.

Công ty TNHH Đầu tư và Bất động sản Ngọc Minh cũng thông báo lùi ngày đáo hạn 750 tỷ đồng trái phiếu còn lại của mã NGOCMINH2019 từ 24/6 sang 31/12. Ngoài ra, doanh nghiệp này còn chậm thanh toán lãi kỳ 28/6 của lô trái phiếu này với số tiền gần 25 tỷ đồng.

Lô trái phiếu NGOCMINH2019 có tổng giá trị phát hành 1.300 tỷ đồng. Lô này được phát hành vào ngày 28/6/2019, có kỳ hạn 4 năm, đáo hạn ngày 28/6. Mức lãi suất là 11,8%/năm. Công ty đã mua lại 550 tỷ đồng trái phiếu trước hạn vào tháng 5/2021.

Được biết, ông Bùi Đạt Chương, em trai ông Bùi Thành Nhơn cũng là một trong ba cổ đông sáng lập của Công ty TNHH Đầu tư và Bất động sản Ngọc Minh.

Doanh nghiệp nỗ lực đàm phán gia hạn thanh toán nợ trái phiếu - Ảnh 3.

Từ nay đến cuối năm, giá trị trái phiếu sắp đáo hạn thuộc nhóm bất động sản là 80.952 tỷ đồng, chiếm 51% tổng giá trị đáo hạn. Ảnh minh họa: Quốc Hải

Theo tìm hiểu của Dân Việt, trong bối cảnh thị trường bất động sản vẫn tiếp tục trầm lắng, nhiều doanh nghiệp BĐS gặp khó về dòng tiền và hạn chế khả năng tiếp cận nguồn vốn, nên phải tích cực đàm phán với các trái chủ để kéo dài thời gian thanh toán cả lãi và gốc các lô trái phiếu đến hạn.

Dù vậy, việc này không đơn giản khi nhiều trái chủ không chấp nhận kéo dài thời gian trả nợ, khiến danh sách các DN chậm thanh toán các nghĩa vụ nợ trái phiếu vẫn tiếp tục tăng lên.

Doanh nghiệp đẩy mạnh đàm phán với trái chủ để "kịp thở" trước áp lực

Theo tìm hiểu của Dân Việt, các DN đang đẩy mạnh hoạt động đàm phán với các trái chủ để "kịp thở" trước áp lực đáo hạn. Theo ghi nhận của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), tính đến thời điểm cuối tháng 6/2023, đã có hơn 30 DN đã đạt được thỏa thuận gia hạn kỳ hạn trái phiếu với các trái chủ.

Cụ thể, tổng giá trị trái phiếu đã được gia hạn kỳ hạn là hơn 42 nghìn tỷ đồng. Thời gian gia hạn của các lô trái phiếu đa dạng từ 1 – 24 tháng. Mức lãi suất được tính trong khoảng thời gian gia hạn cũng tăng từ 0,5% - 3% so với lãi suất ban đầu, tùy theo quãng thời gian gia hạn.

Có thể kể đến một số DN thành công trong gia hạn trái phiếu như: Novaland đã đạt được thỏa thuận gia hạn 3 lô trái phiếu có tổng giá trị khoảng 2.750 tỷ đồng, với thời gian gia hạn từ 12 – 24 tháng. Hoặc Hưng Thịnh Land đã đạt được thỏa thuận gia hạn 3 lô trái phiếu có tổng giá trị khoảng 1.200 tỷ đồng, với thời gian gia hạn từ 6-7 tháng…

"Tổng giá trị trái phiếu sẽ đến hạn từ nay đến cuối năm 2023 là 158.500 tỷ đồng.

Phần lớn giá trị trái phiếu sắp đáo hạn thuộc nhóm bất động sản với 80.952 tỷ đồng, chiếm 51% tổng giá trị đáo hạn.

Theo sau là nhóm ngân hàng với 27.261 tỷ đồng, chiếm 17,2%", theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA).

Tuy nhiên, nhìn từ tổng quan chung của thị trường, hoạt động đàm phán cũng đang khá khó khăn. TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế - tài chính, cho biết mới đây ông đã tham gia một cuộc đàm phán giữa nhà phát hành trái phiếu và các trái chủ. Khi đó, các trái chủ đã yêu cầu nhà phát hành trái phiếu phải trả tiền nhưng các nhà phát hành trái phiếu cho rằng mình có tài sản và sẽ không bán lỗ để trả tiền cho trái chủ.

"Chính bởi các trái chủ (là DN bất động sản) không chấp nhận bán lỗ tài sản để trả nợ nên giá bất động sản vẫn không giảm. Trong khi hoạt động đàm phán trả lãi và nợ trái phiếu thì dậm chân", ông Hiếu nói.

Còn theo dự báo của Chứng khoán VNDirect, hoạt động đàm phán gia hạn kỳ hạn trái phiếu sẽ tiếp tục diễn ra sôi động trong quý III/2023.

"Áp lực trái phiếu DN đáo hạn vẫn đang gia tăng trong 2 quý cuối năm nay, trong khi nhiều tổ chức phát hành vẫn còn khó khăn trong hoạt động kinh doanh và khó khăn về dòng tiền, việc có thể đàm phán để gia hạn thời hạn các trái phiếu sắp đến hạn là một trong những giải pháp tốt nhất để có thêm thời gian phục hồi", VNDirect nhận định.

Dữ liệu từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho thấy, tính đến ngày 26/6/2023, có khoảng 59 DN nằm trong danh sách chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc trái phiếu DN.

Trong khi đó, báo cáo từ Chứng khoán VNDirect cũng cho thấy, tổng dư nợ trái phiếu DN của 59 doanh nghiệp trên vào khoảng 159,5 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 14,6% dư nợ trái phiếu DN toàn thị trường. Trong đó, khoảng hơn 43,8 nghìn tỷ đồng trái phiếu của các doanh nghiệp này sẽ đáo hạn trong năm 2023, chiếm khoảng 19,6% tổng giá trị đáo hạn toàn thị trường cả năm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem