Doanh nghiệp “tung chiêu” giành lao động

Thùy Anh Thứ sáu, ngày 05/07/2024 10:44 AM (GMT+7)
Ghi nhận chung trên thị trường lao động cho thấy tình hình kinh tế khởi sắc, các doanh nghiệp có nhiều hơn các đơn hàng vì thế nhu cầu tuyển dụng tăng cao. Nhiều doanh nghiệp đã nghĩ đủ chiêu để tuyển dụng lao động.
Bình luận 0

Nghĩ đủ “chiêu” để tuyển dụng lao động 

Khảo sát của Tổng Cục Thống kê tại TP Hồ Chí Minh cho thấy, trong năm 2024 tại TP cần khoảng 300.000 - 320.000 lao động. Riêng quý II vừa qua, TP cần khoảng 70.000 vị trí việc làm, từ giờ tới cuối năm cần thêm khoảng 100.000 vị trí việc làm nữa. Tuy vậy, số lượng doanh nghiệp tuyển dụng được lao động là không nhiều.

Khảo sát của PV ở Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7), Khu Công nghệ cao (TP Thủ Đức), Khu chế xuất Vĩnh Lộc (huyện Bình Chánh), hiện không ít doanh nghiệp (DN) có nhu cầu tuyển dụng từ vài chục đến vài trăm lao động.

Công ty TNHH Furukawa Automotive chuyên sản xuất dây điện xe hơi (tại Khu chế xuất Tân Thuận) đang cần tuyển 300 lao động phổ thông làm theo ca. Ngoài môi trường làm việc sạch sẽ, có máy lạnh, công ty còn đưa ra mức thu nhập 8 - 10 triệu đồng/tháng và các chế độ phúc lợi như: mỗi năm điều chỉnh lương một lần, cơm trưa và cơm tăng ca miễn phí...

Doanh nghiệp “tung chiêu” tuyển dụng lao động- Ảnh 1.

Việc tuyển dụng lao động phổ thông trở nên khó khăn hơn. Ảnh: N.T

Công ty TNHH Sonion Việt Nam (Khu Công nghệ cao TP HCM) đang cần tuyển 500 lao động phổ thông, độ tuổi từ 18 - 35, thu nhập 7 - 12 triệu đồng/tháng, có xe đưa rước, phụ cấp chuyên cần, thưởng năng suất... Việc tuyển dụng đã liên tục diễn ra trong 6 tháng qua nhưng đến nay vẫn không đủ người.

Tương tự, tại Bình Dương, 6 tháng cuối năm tỉnh này cần khoảng 30.000 lao động, chủ yếu là lao động phổ thông làm công nhân tại các doanh nghiệp thâm dụng lao động. Tuy nhiên, việc tuyển dụng diễn ra không mấy suôn sẻ. Nhiều doanh nghiệp cho biết tung nhiều “chiêu” nhưng rất khó tuyển dụng lao động.

Ngoài tuyển dụng trực tiếp tại công ty, doanh nghiệp còn tuyển dụng tại Sàn giao dịch việc làm, tuyển dụng trên mạng xã hội, tuyển dụng tik tok…

Ông Trịnh Thanh Định - Chủ tịch Công đoàn của Công ty Tân Đệ cho biết, hiện nay công ty có quy mô gần 16 nghìn lao động. Dạo gần đây các đơn hàng về tới tấp, công ty đang có nhu cầu tuyển dụng lao động số lượng lớn. Tuy nhiên, để tuyển dụng được lao động, công ty đã sáng tạo ra nhiều cách làm.

“Chúng tôi xác định người lao động là tài sản lớn nhất của công ty vì thế có rất nhiều chính sách chăm sóc công nhân, lao động. Ngoài việc nâng lương định kỳ, có lương thưởng, phụ cấp cho người lao động, công ty còn thực hiện chính sách gặp mặt vợ/chồng/ bố mẹ của lao động. Thông qua đó tuyên truyền thêm về chế độ, chính sách của công ty”, ông Định nói.

Ông Định cũng cho biết, nhờ làm tốt việc chăm sóc đời sống cho công nhân lao động, gặp gỡ bố mẹ lao động mà hình ảnh, thương hiệu của công ty được nhiều người biết đến. Khi cần lao động, công ty không cần tuyển dụng mà lao động tự tìm đến công ty xin việc.

Vì sao lao động muốn đi làm, doanh nghiệp tuyển dụng không dễ?

Thực tế, ghi nhận của nhiều trang tuyển dụng cho thấy lao động đi tìm việc vẫn rất đông, nhưng thực tế số lao động có việc làm, doanh nghiệp tuyển dụng được lao động không nhiều. Lý do là bởi nhiều lao động muốn “né” chính sách, nghỉ việc để chờ rút BHXH 1 lần.

Bà Phan Thị Minh Thu - giám đốc một DN tại huyện Hóc Môn, TP. HCM - cho biết từ cuối năm 2023, đơn hàng dồi dào trở lại nên công ty liên tục tuyển dụng lao động để tăng thêm chuyền may nhưng 6 tháng qua vẫn chưa đạt chỉ tiêu.

Doanh nghiệp “tung chiêu” tuyển dụng lao động- Ảnh 2.

Để thu hút lao động, công ty cải thiện phúc lợi, điều kiện làm việc. Hiện mức thu nhập của hơn 360 người lao động từ 7,5 triệu đồng/người/tháng trở lên. Theo bà Phan Thị Minh Thu, thực tế số lượng người tìm việc làm không ít nhưng họ không muốn làm việc chính thức. Nhiều lao động đến ứng tuyển các vị trí công nhân may nhưng đưa ra yêu cầu chỉ làm thời vụ, không muốn ký hợp đồng lao động và tham gia BHXH do họ đang trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp 12 tháng và chờ rút BHXH một lần.

"Công ty đã tham gia chương trình Better Work, yêu cầu tuân thủ các tiêu chuẩn, quy định về lao động nên không thể chấp nhận yêu cầu đó của người lao động. Dù chúng tôi cố gắng thuyết phục họ bảo lưu các chế độ bảo hiểm để có việc làm ổn định nhưng không thành. Đây là một trong những rào cản khiến doanh nghiệp ngày càng khó tuyển lao động phổ thông" - bà Thu lý giải.

Chia sẻ với PV Báo Dân Việt, ông Vũ Quang Thành – Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ Việc làm Hà Nội cho biết đúng là thời gian gần đây tình trạng doanh nghiệp gặp khó trong tuyển dụng khá nhiều. Ngoài những nguyên nhân chủ quan từ phía người lao động còn có những nguyên nhân khách quan đến từ sự thay đổi trong chính sách.

“Hiện nay các thị trường tiếp nhận lao động đi làm việc ở nước ngoài cũng tăng cao, vì thế lao động phổ thông ở các tỉnh thành đăng ký đi xuất khẩu lao động khá nhiều. Điều này cũng dẫn tới khan hiếm lao động phổ thông trong nước”, ông Thành phân tích.

Trả lời câu hỏi riêng của PV Báo Dân Việt về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tuyển dụng lao động, ông Nguyễn Tây Nam – Phó Giám đốc Sở LĐTBXH Hà nội cũng cho biết, đơn vị này đã cập nhật được thông tin và đang báo cáo UBND TP. Hà Nội sớm có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường lao động Thủ đô.

“Khả năng từ giờ tới cuối năm, nhất quý III và quý IV/2024, số lao động từ các trường trung cấp, cao đẳng, đại học ra trường nhiều hơn. Đây sẽ là nguồn lao động đáng kể để bổ sung lực lượng lao động cho thị trường lao động của Thủ đô”, ông Nguyễn Tây Nam cho biết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem