Doanh nghiệp xây dựng thuộc hệ sinh thái BB Group của ông Vũ Quang Bảo liên tục "trượt" thầu
Doanh nghiệp xây dựng thuộc hệ sinh thái BB Group của ông Vũ Quang Bảo liên tục "trượt" thầu
Linh Anh - Vũ Khoa
Thứ năm, ngày 15/08/2024 19:00 PM (GMT+7)
Tổng công ty xây dựng Bạch Đằng – CTCP là công ty thành viên phát triển mảng xây dựng trong hệ sinh thái BB Group của Chủ tịch Vũ Quang Bảo. Nằm trong hệ sinh thái "khủng" nhưng tỷ lệ trượt thầu/tổng số gói đã có kết quả giai đoạn 2022 - 2024 của doanh nghiệp này lần lượt là 16%; 67% và 87%.
Công ty Bạch Đằng của ông Vũ Quang Bảo liên tục "trượt" thầu
Thống kê lịch sử đấu thầu cho thấy, giai đoạn 2014 – 2024, Tổng công ty xây dựng Bạch Đằng – CTCP (Công ty Bạch Đằng) đã tham gia tổng cộng 63 gói thầu. Trong đó trúng 38 gói, trượt 13 gói, 10 chưa có kết quả, 2 gói đã bị huỷ. Tổng giá trị trúng thầu hơn 7.513 tỷ đồng.
Giai đoạn 2022 - 2024, số lượng các gói thầu Tổng công ty tham dự tăng dần đều, lần lượt 6 gói trong năm 2022, 8 gói năm 2022 và 14 gói vào năm 2024. Tuy nhiên, kết quả dường như không được như mong đợi.
Nếu năm 2022, Bạch Đằng trúng 3/6 gói tham dự thì năm 2023, nhà thầu này chỉ trúng 2/8 gói.
8 tháng đầu năm 2024, nhà thầu này mới chỉ trúng vỏn vẹn 1 gói và trượt 7/14 gói thầu đã tham dự. Các gói còn lại chưa có kết quả.
Gần đây nhất, Công ty Bạch Đằng trượt gói cải tạo hệ thống thoát nước và hạ ngầm cáp thông tin, điện chiếu sáng trên tuyến đường Hùng Vương và đường Lý Thái Tổ. Gói thầu có giá dự toán 80 tỷ đồng, do Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên thành phố Đà Nẵng làm chủ đầu tư.
Theo Báo cáo đánh giá, Liên danh Bạch Đằng – Ngũ Thường – Phú Thành Hưng dự thầu với giá trị 75,4 tỷ đồng, cao hơn giá dự thầu của Liên danh CTCP Xây dựng công trình thuỷ Hà Nội – Công ty TNHH xây dựng và thương mại Nhất Huy 2,4 tỷ đồng nên chỉ xếp thứ 2.
Tại Gói số 16 (XL05-QT1) thi công xây dựng tuyến kênh dẫn nước làm mát từ cửa nhận đến StopLog của trạm bơm nước làm mát, giá dự toán 240 tỷ đồng của Tập đoàn điện lực Việt Nam, Công ty Bạch Đằng cũng chỉ xếp thứ 3.
Hiện tại, Công ty Bạch Đằng đang chờ kết quả lựa chọn nhà thầu tại một số gói như Gói xây lắp hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư số 1 Phước Hưng, huyện Long Điền, giá trị gần 574 tỷ đồng; Gói xây dựng cơ sở hạ tầng Khu dân cư đồi An Tôn, phường 5, thành phố Đà Lạt, giá gói hơn 95 tỷ đồng; Gói xây lắp thuộc Dự án xây dựng đường Chí Tân - Toàn Thắng (giao QL.39), giá trị 386 tỷ đồng.
Tại website. doanh nghiệp giới thiệu, Tổng công ty Xây dựng Bạch Đằng tham gia thi công 2 gói thầu với tổng giá trị gần 21 triệu USD tại dự án Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.
Ngoài ra, Công ty Bạch Đằng tham gia dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1, Nhà máy Xi măng Hoàng Thạch dây chuyền 1, 2 & 3, Sân bay Quốc tế Cát Bi,...
Hé mở bức tranh kinh doanh của Công ty Bạch Đằng
Tổng Công ty Xây dựng Bạch Đằng (Công ty Bạch Đằng) tiền thân là Công ty Xây dựng số 16, được thành lập theo Quyết định số 270/BXD-TCLD ngày 15/3/1996. Tháng 7/2014, công ty chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần.
Sau khi Bộ Xây dựng thoái vốn, tại phiên đấu giá công khai cổ phần Tổng công ty tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội ngày 18/6/2018, ông Vũ Quang Bảo – Chủ tịch hệ sinh thái BB Group, Tổng Giám đốc Bitecxo đã chi hơn 540 tỷ đồng để mua 94,61% vốn điều lệ, tương ứng toàn bộ số cổ phần của Bộ Xây Dựng.
Tháng 7/2018, ông Bảo được bầu đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT.
Đến tháng 8/2018, ông Bảo trở thành người đại diện theo pháp luật của Công ty Bạch Đằng.
Dữ liệu thống kê của Dân Việt cho thấy, kết quả kinh doanh của Công ty Bạch Đằng trong giai đoạn 2016 - 2020 lao dốc không phanh.
Cụ thể, năm 2017, Công ty Bạch Đằng ghi nhận doanh thu thuần tăng 29% so với năm 2016 lên 2.669 tỷ đồng. Tuy nhiên, doanh nghiệp báo lãi sau thuế 8,9 tỷ đồng, giảm 75% so với năm 2017.
Năm 2018 - giai đoạn ông Vũ Quang Bảo bắt đầu điều hành Công ty Bạch Đằng, doanh thu thuần giảm 11% còn 2.372 tỷ đồng nhưng lãi trước thuế tăng 169% lên 23,9 tỷ đồng.
Năm 2019, Công ty Bạch Đằng ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.628 tỷ đồng, lãi trước thuế đạt 17,2 tỷ đồng, lần lượt giảm 31% và 28% so với năm 2018.
Năm 2020, dù doanh thu thuần tăng nhẹ lên 1.651,7 tỷ đồng nhưng lợi nhuận trước thuế giảm 19% còn 13,9 tỷ đồng.
Tính đến ngày 31/12/2020, tổng nguồn vốn của Công ty Bạch Đằng ở mức 5.374,6 tỷ đồng, tăng 17% so với đầu năm 2020. Nhưng vốn chủ sở hữu chỉ chiếm 5% tổng nguồn vốn, tương ứng 260 tỷ đồng.
Tại thời điểm trên, nợ phải trả của doanh nghiệp ở mức 5.114,5 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ tài chính ở mức 3.211 tỷ đồng, tương ứng 63% tổng nợ phải trả và 60% tổng nguồn vốn. Còn nếu so với vốn chủ, ước tính nợ tài chính gấp 12,35 lần vốn chủ.
Ở diễn biến mới nhất, ngày 2/7/2024 Công ty Bạch Đằng đã công bố kết quả lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản. Qua đó, ông Vũ Quang Bảo - Chủ tịch HĐQT Công ty Bạch Đằng thôi đảm nhiệm vị trí người đại diện theo pháp luật của công ty.
Đồng thời, bầu ông Dương Văn Thêm - Tổng Giám đốc thay thế vị trí người đại diện theo pháp luật doanh nghiệp.
Ngày 30/11/2020, cổ phiếu BDC của Công ty Bạch Đằng chính thức bị hủy niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội. Nguyên nhân bị hủy đăng ký giao dịch là do Công ty không còn đáp ứng đủ điều kiện là công ty đại chúng vì chậm công bố thông tin quá 45 ngày so với thời hạn quy định chung đối với báo cáo tài chính bán niên 2020 đã soát xét và không có biện pháp khắc phục.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.