Tờ mờ sáng anh Lê Ngọc Phương (24 tuổi, xã Tam Đại, huyện Phú Ninh, Quảng) tay cầm cái vợt hình tròn, rộng khoảng 1m2, bao lưới dài khoảng 2 m. Người mặc quần đùi, áo phông, đầu đội mũ rời nhà để bắt đầu công việc. Anh đưa vợt lên vai dùng một cánh tay cầm, một tay điều khiển xe máy từ nhà ra ven lòng hồ thủy lợi Phú Ninh khoảng 5 phút. Đến bên hồ, anh Phương mang vợt lội xuống dòng nước xanh biếc tiến đến những chùm lá cây đặt nằm dưới nước để thác thủy sản bằng phương pháp thủ công.
Tờ mờ sáng, anh Phương mang dụng cụ lội nước đến ngang bụng ra hồ thủy lợi Phú Ninh đánh bắt tôm tép
Thấy tôi đang đứng trên bờ, anh Phương bảo: "Cởi áo quần dài ra đi bắt tôm tép thôi”. Nói xong, anh cho hay địa điểm lội xuống nước ngập đến ngang bụng và khuyên tôi phải đi theo sát phía sau anh. “Khu vực này, tôi đã quen thuộc nên tránh những hục nước sâu, nếu anh đi sai vị trí sẽ rơi xuống đó tha hồ mà uống nước!”, anh Phương dặn.
Tôi làm theo lời anh nói để được "mục sở thị" nghề bắt tôm tép bằng lá cây. Công việc của những người thợ ngâm cơ thể trong nước, tay cầm vợt, một tay nâng nhẹ chùm lá nằm dưới đáy đưa lên. Trong tích tắc, chiếc vợt hốt trọn chùm lá cây nằm vào phía trong, người thợ đưa chùm lá lên cao giũ mạnh.
Lúc này hàng trăm con tôm, tép rơi xuống vợt nhảy đành đạch, tươi rói. Trong mớ hỗ lộn ngoài tôm tép còn ít cá và rác thải, anh Phương đưa chiếc vợt lên khỏi mặt nước dùng đôi tay nhặt bỏ những thứ không cần thiết ra ngoài. Sau đó đưa vợt lên cao để tôm tép rơi xuống túi đựng ở phía sau. Công việc được lặp lại như vậy cho đến hết buổi khai thác.
Những chùm lá đặt ven hồ dụ tôm tép đến ở.
Quan sát quá trình anh làm, tôi thấy tôm tép là loại không dễ bắt, khi làm nước động chúng sẽ bật nhảy rất nhanh thoát ra ngoài. Thế nhưng giữa biển nước mênh mông sao lại bắt được? Tôi hỏi. Anh Phương liền đáp: “Người bắt phải cần có “nghề” mới sở hữu chúng, chứ không phải ai cũng làm được. Khi đưa chiếc vợt vào chùm lá đòi hỏi thực hiện động tác nhẹ nhàng, một tay nâng từ từ chùm lá lên, một tay khéo léo luồn chiếc vợt vào phía dưới để làm sao không gây ra tiếng động. Nếu người thợ sơ sẩy tạo ra rung lắc nhẹ chùm lá thì không còn một con tôm tép nào ở trong”, anh Phương tiết lộ.
Anh Phương trước đây từng làm công nhân ở khu công nghiệp thu nhập trung bình 5 triệu đồng mỗi tháng, lúc tăng ca 6-7 triệu đồng. Nhưng làm vất vả nên về quê và học nghề đánh bắt tôm tép từ một người bác ruột. Cách đánh bắt này không bỏ tiền của đầu tư dụng cụ, phương tiện nhiều, chỉ tốn thời gian và ngâm mình dưới nước.
Anh học theo cách làm giống như bác mình là vào mùa nắng nóng, anh bẻ cành cây rồi bó lại thành hình nan quạt thả xuống hồ. Sau đó, anh chế ra chiếc vợt để đánh bắt. “Tôi đang bỏ khoảng 60 chùm lá cây dọc ven lòng hồ, nơi sâu nhất gần 1m, nơi cạn khoảng 30cm. Lá cây ngâm xuống nước tạo môi trường cho tôm tép đến trú ẩn, nhất là ngày nắng nóng thì chúng vào ở nhiều”, anh chia sẻ.
Anh Phương nhẹ nhàng dùng vợt xúc tép trú ẩn trong lá cây
Anh Phương tiết lộ, để dụ tôm tép vào ở thì chọn loại lá cây rất quan trọng. Người thợ phải chọn những loại lá không có chất cay và để trong nước lâu rụng. “Lá cây đùng đình thích hợp nhất đối với việc dụ tôm tép vào ở, bởi chúng có đặc điểm giống hình nan quạt, khi bó lại rất dễ. Một đặc điểm khác, lá đùng đình ngâm xuống nước để cả tháng mới mới mục”, anh nói và cho biết còn các loại lá cây khác bỏ xuống khoảng 10 ngày thì rụng, chỉ còn cành, lúc đó phải thay thứ mới.
Theo anh Phương vào tháng 11 hàng năm đang là mùa mưa lũ nên nghề đánh bắt tép bằng lá cây nghỉ, nhưng năm nay trời nắng nóng, mưa ít xuất hiện đã tạo thuận. Đều đặn mỗi ngày, công việc của anh bắt đầu từ 6 giờ sáng và kết thúc 8 giờ. Tép đưa về nhà, anh Phương cho ra thau đổ nước vào rửa sạch. Sau đó cho vào rổ để loại bỏ cát sạn trộn lẫn phía trong ra ngoài.
Người thợ đưa chùm lá lên cao giũ tôm tép rơi vào vợt
Khi công đoạn này hoàn thành, anh Phương tiếp tục nhặt bỏ rác thải, sau đó phân loại tép, cá, tôm. “Ngày nhiều tôi bắt được khoảng 5kg, ngày ít vài kg tôm tép. Ngoài việc đánh bắt buổi sáng thì 2 giờ chiều lại tiếp tục, sau một tiếng công việc kết thúc”, anh nói và cho rằng đánh bắt được nhiều hay ít do thời tiết quyết định. Ngày nắng nóng thì thu về nhiều, ngày trời dịu mát thì đánh bắt được ít hơn.
Tép tôm rửa sạch, vợ anh Phương đưa ra kịp bán phiên chợ buổi sáng với giá 100.000 đồng; tôm 150.000 đồng mỗi kg. “Ngày nhiều thu về được 500.000 đồng, ngày ít hơn 100.000 đồng, trung bình thu khoảng 300.000 đồng mỗi ngày khi hành nghề. Mức thu nhập này so với người nông dân cũng khá cao”, anh Phương bộc bạch và nói thêm mỗi ngày bắt thêm được cá bống, cá tràu…đem bán góp phần tăng thu nhập.
Tôm tép nằm gọn trong vợt
Mỗi ngày đánh bắt, anh Phương thu được vài kg tôm tép đêm về khoản tiền từ 200 - 500.000 đồng
Cách nơi anh Phương đặt lá khoảng 200m, người bác ruột - ông Lê Ngọc Lợi đang dỡ lá cây đặt dọc thân đập phụ hồ Phú Ninh, xã Tam Đại. Từng chùm lá nằm trên những bãi đá, cách bắt tép tương tự như người cháu của mình thực hiện.
Ông Lợi có gần 10 năm hành nghề và quen thuộc địa điểm khai thác được nhiều thủy sản. Ở những bãi đá là nơi tôm tép đến ở nhiều nên ông thường xuyên bỏ lá để bắt. Tuy nhiên, khi hành nghề phải cẩn thận, di chuyển không cẩn thận bị ngã, đá cắt vào chân chảy máu.
“Loại thủy sản này sống trên lòng hồ ở môi trường nước trong sạch và đánh bắt phương pháp thủ công nên được nhiều ưa chuộng. Họ mua về chế biến làm bánh xèo; tôm tép xào; tôm tép làm gỏi...”, người đàn ông 52 tuổi tâm sự và thông tin đặt khoảng 50 chùm lá cây ven hồ, mỗi ngày thu về vài kg tôm tép.
Ông Lê Ngọc Lợi dùng vợt khai thác tôm tép ven bờ đập hồ thủy lợi Phú Ninh
Tháng 3/1977, hồ thủy lợi Phú Ninh khởi công xây dựng, sau hai năm đã chặn dòng sông Tam Kỳ cung cấp nước. Năm 1986 công trình được hoàn tất và trở thành hồ thủy lợi lớn nhất miền Trung, lớn thứ hai Việt Nam, sau hồ Dầu Tiếng.
Hồ có dung tích 344 triệu m3, với diện tích mặt nước 3.433 ha. Hồ Phú Ninh cung cấp nước cho 12.000 ha sản xuất lúa, hoa màu mỗi vụ cho thành phố Tam Kỳ, huyện Núi Thành, Thăng Bình, Quế Sơn và một phần huyện Duy Xuyên. Ngoài ra cung cấp nước sinh hoạt cho 1 triệu m3 mỗi tháng.
Trong hồ có khoảng 30 đảo nhỏ với cảnh quan đẹp đang được đầu tư phát triển du lịch. Khu vực rừng phòng hộ Phú Ninh có 15.768 ha rừng, trong đó 1.500 ha rừng trồng. Vùng phòng hộ có 34 loài thú, 26 loài bò sát và 14 loại động thực vật được ghi vào sách đỏ Việt Nam, là nơi bảo tồn hàng trăm loài thực vật và dược liệu quý, với hệ động thực vật phong phú. Giữa hồ có nguồn nước khoáng thiên nhiên chứa hàm lượng khoáng chất cao đang được khai thác thương mại.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.