Đọc sách cùng bạn: "No guts no glory"

Phạm Xuân Nguyên Thứ sáu, ngày 12/06/2020 08:00 AM (GMT+7)
Chào bạn, ta gặp lại nhau. Hôm nay tôi mời bạn đọc cuốn truyện dài "Bà nội du học" của Lê Lan Anh
Bình luận 0

Đây là một cuốn sách mang tính tự truyện, tác giả kể về chuyến sang Mỹ học tiếng Anh của mình. Tôi phải nói ngay với bạn là đọc cuốn này rất vui. 

Vui đầu tiên là từ hai chữ "bà nội". Khi quyết định du học Lê Lan Anh đã vào tuổi 50, đã là bà nội thực sự, đã từng là một giảng viên tiếng Nga tại trường Đại học Sư phạm ngoại ngữ Hà Nội, đã là một doanh nhân. Đùng một cái chị quyết định sang Mỹ học tiếng Anh. Cả nhà không ai ủng hộ chị. Mẹ đẻ, cô dì chú bác, em trai, con dâu đều bàn ra vì không ai hiểu lý do vì sao chị có một quyết định điên rồ, dở hơi như vậy. 

Chị chỉ chia sẻ được những suy tư của mình cho duy nhất đứa con trai. Ấy là vì chị muốn viết về cuộc chiến tranh vừa qua. Và đứa con đã ủng hộ mẹ: "Phải viết thôi. Không viết ra thì câu chuyện ấy cứ bám riết trong đầu mẹ. Viết chính là để giải thoát! Chỉ có điều mẹ định viết về người Mỹ thì ít nhất cũng phải "ba cùng" với họ một thời gian, đừng có ngồi xó nhà mà "bịa", nhục lắm!" (tr. 14). 

Được tiếp thêm quyết tâm từ lời khích lệ của bố thằng cháu nội, thế là bà nội lên đường. Nhưng trở ngại đầu tiên bà nội phải vượt khi đã đến Mỹ là nỗi nhớ thương những người thân trong gia đình cứ đêm xuống lại hiện về khiến mấy viên thuốc ngủ mất tác dụng. Và bà nội đã đắc ý khi tìm được cách giải quyết thế này: "Sao mình không coi hình ảnh của những người mình yêu quý là báu vật? Mà đã là báu vật thì phải cất kỹ, khóa chặt ở một ngăn nào đó trong… tim, lâu lâu khi nào có thời gian thì mới đem ra ngắm!" (tr. 93). Thế là xong được nỗi nhớ. Đó là cách bà nội "bật công tắc não" mỗi khi gặp khó khăn. 

Thêm một thí dụ: Bà nội mỗi ngày đến lớp đều phải mang theo cặp lồng cơm chuẩn bị sẵn ở nhà, nhưng cứ đến bữa trưa thì cơm bắt đầu bị cứng lại và thức ăn bị nguội, không thể làm nó nóng lại được, vậy tìm cách sao đây để nuốt được chỗ cơm thức ăn ấy? Bà nội loay hoay tìm giải pháp mà chưa thấy, bỗng một hôm vào thư viện trường nhìn thấy tấm áp phích to đùng có in hình nhà bác học thiên tài Einstein với câu nói của ông "Imagination is more important than knowledge!" ("Trí tưởng tượng quan trọng hơn tri thức"). Thế là óc bà nội bừng sáng và thấy ra cách giải quyết bữa cơm trưa của mình. Hãy nghe bà nội kể:

"Tôi vội quay ngược ngay ra chân đồi, mở cặp lồng ra, đút thìa cơm đã cứng ngắc vào mồm và… nhắm mắt lại: tiếng hai đứa cháu nội gây rối ầm ĩ, giọng con dâu đe nẹt… như đang quanh quất đâu đây… và tôi đang thong thả thưởng thức miếng cá mềm ngọt mà con trai vừa gắp cho… Khi tôi mở mắt ra, cặp lồng cơm đã sạch bóng!" (tr. 152).

Bạn thấy vui chưa. Từ đó bà nội cứ thả cho trí tưởng tượng bay bổng trong mọi việc và chính nó đã giúp bà nội đạt được danh hiệu sinh viên xuất sắc nhất toàn khóa học.

Nhưng trước khi được danh hiệu ấy, bà nội đã bị trượt một lần. Cũng là do tính tự do, táo bạo của bà nội mà ra. Nhân một lần dạo phố bà nội bắt gặp tấm áp phích quảng cáo du lịch vùng biển Caribe của công ty du thuyền nổi tiếng Holland American Line, thế là nổi máu lãng du, bà nội rẽ vào tán chuyện bằng thứ tiếng Anh khập khiễng mang từ nhà sang với một nhân viên của hãng. Kết quả là bà nội hứng lên mua một vé hạng VIP cho mình đi tua quanh năm nước vùng Caribe trong vòng 12 ngày. 

Vì chuyến đi này mà bà nội phải nghỉ học. Vì nghỉ học nên khi xét sinh viên xuất sắc bà nội cứ chắc mẩm mình được nhưng hóa ra không được, mặc dù bài làm nào ở lớp cũng đạt điểm A và các bài thi cuối khóa cũng A. Nhưng có thế mới là bà nội Lê Lan Anh.

BÀ NỘI DU HỌC

Tác giả: Lê Lan Anh

Nhà xuất bản Trẻ 2020

Số trang: 398

Số lượng: 1500

Giá bán: 180.000đ

Đọc vào sách bạn mới khoái tính cách của bà nội này. Từ quyết tâm khắc phục thói quen nhàn hạ ở nhà để buộc mình phải dậy sớm cho kịp giờ đến lớp, không muộn một giây (đi học muộn là bị trừ điểm chuyên cần - Attendance cũng sẽ không được xét xuất sắc):  "Ở Việt Nam giờ này làm gì có đứa nào cả gan làm bà tỉnh giấc! Bà nội mà đã đi ngủ thì cả nhà cứ gọi là im phăng phắc, đi nhẹ, nói khẽ… Đó là kỷ luật, con cháu tự bảo nhau tuân thủ. Thế mà bây giờ… Tôi thở một cái rõ dài để… lấy lại khí thế, hất chăn vùng dậy!" (tr. 112). 

Từ cách làm quen với văn hóa văn minh, phong tục tập quán xứ người. Bà nội sang Mỹ được Cassy quen ở Bỉ trong một chuyến đi châu Âu trước đây cho ở nhờ nhà và cô gái Mỹ đó tự nhiên trở thành một thí dụ sinh động, một "nhân cụ" trực quan, về cách sống cách nghĩ của người bản địa cho bà nội học hỏi, tiếp thu. Ngay từ hôm đầu ở chung nhà, Cassy đã cho bà nội một "cú sốc văn hóa đầu tiên" khi nói sẽ tự mình mua các vật liệu về sửa chữa nhà tắm và toilet. Đó là sự đề cao tính độc lập (Independent) của người Mỹ, tự mình làm lấy mọi thứ. Thứ nhất là vì thuê người thuê việc thì chi phí cao. Thứ hai là vì có người chung đụng thì sẽ mất tự do. Và mặc cho bà nội mắt tròn mắt dẹt, Cassy nói thẳng tưng: "Chị đừng mong đợi gì ở tôi cả, phải học hỏi để tự lo cho thân mình tất cả. Đây là Mỹ!" (tr. 59). 

Nhưng bà nội từ chỗ sững sờ thấy tủi thân phát khóc đến quen dần và sống theo "American life style" (Lối sống Mỹ) đã nhanh chóng thấy ổn và bắt ngay vào việc học. Ngay buổi học đầu tiên và trong cả khóa học bà nội đã phát huy tính chủ động của mình, "không biết thì hỏi tự ti làm gì", thậm chí tranh cãi cả với thầy dạy, như chuyện cãi thầy Larry dạy ngữ văn (tr. 376). Và khi tưởng mình "thắng" được thầy thì bà nội mới ngộ ra cái cách thầy dồn đuổi tra vấn học trò, khuyến khích các trò "bật" lại thầy như vậy chính là phương pháp thầy dùng nhằm giúp người học "không còn thời gian để sử dụng vào việc di chuyển tiêu cực qua tiếng mẹ đẻ trong quá trình học ngôn ngữ" (tr. 380). Nghĩa là thầy bắt trò phải bật ngay ra tiếng Anh mà phản biện, trao đổi. Chính vì thế nên bà nội còn nhận được một bài học từ thầy Larry là không vì trò cãi thầy mà thầy không bỏ phiếu cho trò được là sinh viên xuất sắc nhất khóa. 

Sự chủ động của bà nội thể hiện rõ nhất ở lớp Thuyết trình – Presentation, khi các sinh viên được tự do lựa chọn đề tài trình bày trước lớp. Và bà nội khoái chí nhất với mình là buổi thuyết trình về "Chiếc chuông tự do" (The Liberty Bell). Chiếc chuông đó là biểu tượng cho nền độc lập của nước Mỹ vì nó "đã vang lên vào ngày 8 tháng 7 năm 1776 khi lần đầu tiên bản Tuyên Ngôn Độc Lập đã được thông qua trước toàn thể quốc dân Hoa Kỳ tại Philadenphia, tiểu bang Pennsylvania" (tr. 332). Tại cuộc đó bà nội vừa làm diễn giả vừa là người chất vấn cử tọa là các bạn cùng học thay vì để họ "quay" mình. Đọc đến đoạn này bạn sẽ được bà nội cho biết một chi tiết thú vị, đó là người Mỹ đã tổng kết nền độc lập của mình bằng ba chữ G: God (Chúa), Gun (Súng) và Gut (Can đảm).

Cứ thế đọc dần từng trang sách, bạn sẽ thấy bà nội Lê Lan Anh hiện ra là một phụ nữ chủ động trong mọi hoàn cảnh, không chịu bế tắc trong suy nghĩ, luôn năng động, hăng hái khắc phục khó khăn, vượt qua trở ngại, tìm cách đạt kết quả tốt nhất. Nội cái cách kể chuyện trong sách cũng đã cho bạn thấy được một tính cách bà nội "không phải dạng vừa đâu".

Bà nội còn chứng tỏ mình là con cháu bà Trưng bà Triệu, làm người Mỹ phục lăn, khi dám chống trả, đánh lại một tên trấn lột mình khi trên đường đi chơi Manhattan trong kỳ nghỉ Đông. Bà nội bị tên cướp bất ngờ từ phía sau một tay bịt chặt mũi miệng mình, một tay giằng kéo cái ba lô sau lưng. Bằng sự chống cự quyết liệt đó và tiếng kêu cứu, bà nội đã buộc tên cướp phải bỏ chạy. Khi câu chuyện loang ra, cư dân trong vùng đã tỏ ra thán phục bà nội: "Nhiều người còn tha thiết mời tôi tới nhà ăn bánh, uống trà hoặc dự party (tiệc). Có người lại hào phóng ban cho danh hiệu "hero" (anh hùng) làm cho ruột gan tôi ngượng đến… chín" (tr. 324). Rõ là tỏ mặt đàn bà nước Nam trên đất Mỹ! Bà nội kể hồn nhiên nên người đọc thấy tự nhiên.

Kết quả chuyến du học tiếng Anh ở Mỹ đã giúp bà nội có trải nghiệm thực tế để tự tin khi viết cuốn tiểu thuyết của mình như lời con trai động viên mẹ trước khi xuất ngoại. Đó là cuốn "Ở đất kẻ thù" (2007) kể về một phi công Mỹ bị bắt làm tù binh ở Việt Nam, có phần nào lấy hình bóng thượng nghị sĩ John McCain. Năm 2013 cuốn tiểu thuyết này đã được dịch sang tiếng Pháp, in tại nhà xuất bản L'Harmattan. Bà nội thấy cái giá phải trả cho ba năm ở Mỹ sống xa nhà xa nước, bỏ lỡ nhiều cơ hội làm ăn ở quê nhà như thế cũng là đáng.

Cuốn truyện "Bà nội du học" là một cuốn sách truyền cảm hứng. Nó đọc vui, hấp dẫn, đưa ta theo hành trình của một con người, một phụ nữ quyết tâm học tập cho mình, cho một mục đích của mình. Học tập là việc cả đời, đừng bao giờ nói là quá muộn, quá già (You are never too old to learn) bà nội nhắn gửi bạn đọc hãy nhớ nằm lòng câu đó. Bởi vì "No guts no glory" (Không dũng cảm làm gì có vinh quang!).

Hẹn bạn lần tới với một cuốn sách mới khác.

Hà Nội 11/6/2020


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem