Đọc sách cùng bạn: Để được là chính mình

Phạm Xuân Nguyên Thứ sáu, ngày 05/06/2020 08:00 AM (GMT+7)
Chào bạn, ta gặp lại nhau. Hôm nay tôi đưa đến cho bạn một cuốn tiểu thuyết nhưng lại có đầu đề là "Ký sự người đàn bà bị chồng bỏ" của nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc.
Bình luận 0
Đọc sách cùng bạn: Để được là chính mình - Ảnh 1.

Tôi vừa nói cuốn tiểu thuyết nhưng đầu đề lại ghi là ký sự. Trong sáng tác văn chương đây là hai thể loại khác nhau. Ký sự là phi hư cấu, còn tiểu thuyết lại là hư cấu. Nhưng thực ra ở đây chỉ là thủ pháp của nhà văn. 

Phần thứ nhất gồm 8 đoạn có thể gọi là chương (1-8) chiếm gần một nửa số trang cuốn sách là ghi chép của nhân vật chính – cô đào cải lương, sau đó là diễn viên hài Bội Bội Châu – về cuộc đời mình. Phần này được gọi là ký sự và viết ở ngôi thứ nhất, nhân vật xưng tôi. Và để tăng chất ký sự như thực, tác giả còn ghi ở cuối những dòng này: "Ghi chép của đào Bội Bội Châu bắt đầu từ 1988. Tạm ngưng vào ngày 28 tháng 8 năm 1988 (ngày gia đình tác giả Q.L mất). Hai trang cuối bổ sung vào ngày 29 tháng 8 năm 1989 (ngày cô đạo diễn Cẩm Tâm mất)" (tr. 131). 

Phần thứ hai gồm 9 đoạn (9-17) trong đó các đoạn 9-16 viết ở ngôi thứ ba kể truyện cảnh ngộ đàn bà của những phụ nữ khác có quan hệ với Bội Bội Châu, đoạn 17 trở lại ngôi thứ nhất, và cái kết lại về ngôi thứ ba. Thêm vào hai cách dẫn truyện này, tác giả còn lồng vào hình thức nhật ký Bội Bội Châu viết thay cho đứa con không bao giờ được ra đời Hà Anh Ngạc theo giọng kể ngôi thứ nhất của đứa con về mẹ mình. Nhờ đó mạch truyện được dẫn dắt qua các điểm nhìn khác nhau cho nhân vật được hiện hình dưới nhiều góc độ khác nhau. Đó là điểm hấp dẫn đầu tiên của cuốn tiểu thuyết này.

Điểm hấp dẫn tiếp theo là tác giả đặt các nhân vật của mình trong môi trường nghệ thuật, cụ thể là giới sân khấu phía Nam, ở Sài Gòn. Nguyễn Thị Minh Ngọc là nhà văn, nhà viết kịch, đạo diễn sân khấu nổi tiếng nên đây là lĩnh vực chị thông thuộc và am hiểu. Nội những cái tên nhân vật Bội Bội Châu, Điểu Hoa, Túy Cúc, Đại Nguyệt, Huyền Mi, Kỳ Nam, Anh Túc đã đủ thấy mùi sàn diễn. Cuộc đời vui buồn sướng khổ dưới ánh đèn sân khấu và phía sau cánh gà của những phụ nữ tài sắc mà nhiều đa đoan, đố kị, tình tang được tác giả phơi bày chi tiết, sinh động, mở cho người đọc thấy những cảnh đời khuất lấp của một giới nghệ thuật mà thường người ta chỉ thấy lộng lẫy phấn son trong các vai diễn. "Trong giới sân khấu nói chung, cải lương nói riêng, các cô đào trục trặc tình duyên có hai, ba đời chồng hoặc ở vậy nuôi con là chuyện thường" (tr. 110). 

Đời sống kịch trường của các biên kịch, đạo diễn, diễn viên trước và sau 1975 cũng được mô tả khá kỹ. Ở phương diện này, nếu ai thạo sân khấu phía Nam, quen tên biết mặt nhiều người trong nghề, sẽ có thể nhận biết được hình bóng của đôi ba người thật ngoài đời trong những nhân vật nào đó. Liên quan đến đây, nhân vật nhà viết kịch Quân Lam trong truyện với tai nạn giao thông thảm khốc xảy ra cho cả gia đình anh rất gợi nhớ một nhà viết kịch nổi tiếng có thực. Cũng có thể cách viết của tác giả khiến độc giả nghĩ đây là ký sự thực chứ không phải là tiểu thuyết. Và đó lại là một thành công của cuốn tiểu thuyết.

KÝ SỰ NGƯỜI ĐÀN BÀ BỊ CHỒNG BỎ

Tác giả: Nguyễn Thị Minh Ngọc

Nhà xuất bản Trẻ, 2019

Số trang: 319

Số lượng: 1500

Giá bán: 105.000đ

Điểm hấp dẫn nhất của sách này là nội dung của nó. Như tên sách đã nói, đây là câu truyện của những người đàn bà lấy chồng rồi bị chồng bỏ, lại lấy chồng lại bị chồng bỏ, riết rồi họ không biết chồng bỏ mình hay mình bỏ chồng. Nhưng đấy là nói nôm na bề mặt, chứ đọc vào sách mới thấy những tầng sâu của thân phận đàn bà đã được một nhà văn tinh tế, sâu sắc thể hiện sinh động và xúc động. Lấy nhân vật chính Bội Bội Châu làm trung tâm quy tụ và kết nối các nhân vật khác, tác giả muốn cùng họ truy cầu tình yêu và hạnh phúc. Bội Bội Châu ngỡ đã gặp được tình yêu của đời mình, lấy chồng theo sự rung động con tim, nhưng người chồng đã phản bội cô, đã bỏ cô. Vì anh ta không muốn cô làm nghề đào hát. Vì anh ta ghen với một biên kịch tiếng tăm, người bạn nghề thân thiết của cô. Vì anh ta bị một "người em gái" quyến rũ. Lúc đầu, hai tiếng "Chồng bỏ!" gây một chấn thương nặng nề trong cô. Những tưởng cô sẽ gục ngã. Nhưng rồi cô đã dứt bỏ được cái người chồng không còn đáng là chồng ấy. "Có lẽ chị muốn tôi làm một cái gì đó để đòi chồng. Chồng con gì lúc này, khi một tri kỷ của tôi vừa chết thảm; mà cái người tôi đã gọi là chồng kia, cái người đang ân ái với người khác trên chính ngôi giường của tôi, trong căn hộ của chúng tôi ngày xưa kia, đã có lúc đánh tôi vêu mặt vì cứ ngỡ đã có một quan hệ bất chính tương tợ giữa vợ mình và người viết tri kỷ ấy"(tr. 124). 

Và Bội Bội Châu đã tìm mọi cách vượt qua nghịch cảnh của đời và nghịch cảnh của nghề để Sống và được sống. Cô chấp nhận đang từ một cô đào cải lương danh giá nổi tiếng chuyển sang sân khấu hề, đóng vai tấu hài chọc cười cho thiên hạ. Cô quyết tâm nhảy vào đời sống, "mà loại đời của những người quyết tâm đem lại niềm vui cho người khác, cho dù bước đầu đủ thứ ê chề" (tr. 293). 

Rồi cô lại được xưng tụng là Nữ Trạng Hề Bé Xương. Vây quanh cô đào này là những cảnh ngộ thân phận của những người phụ nữ khác. Như "Điển Hoa yêu" - cô ca sĩ có giọng hát trời phú nổi tiếng với bài hát "Tiếng hát sáng niềm tin" được chồng thuận tình cho ly hôn để đi lấy người khác, nhưng tổ chức không chấp nhận, ra kỷ luật không cho hát đơn nữa mà phải hát bè, từ đó cứ nghe bài hát này vang lên là cô đòi phải trả nó về cho mình. Sau Điển Hoa phát điên, cứ đứng truồng hát cạnh Nhà Hát Lớn chỉ một bài đó "Tiếng hát sáng niềm tin". Như "Hồng Diện chiêm bao" - trước bán áo lót ngực ở chợ sau sống bằng nghề bói toán, cũng một người đàn bà bị chồng bỏ, không chỉ một chồng mà hai chồng bỏ. Cuối cùng cô chỉ muốn chiêm bao một đám cưới khác. Một đám cưới không có chú rể, chỉ có cô dâu. Như "Huyền Mi giả dại" – chưa hề lập gia đình nhưng đã nhiều lần đám cưới hụt. Và mỗi lần hụt là một lần thay áo cưới. 

Các nhân vật ở phần hai cuốn tiểu thuyết được gọi tên kèm theo một định ngữ trong một chương như vậy – ngoài ba người trên, còn có "Túy Cúc say", "Đại Nguyệt tiểu ni", "Kỳ Nam hóa thạch", "Ngũ biến Anh Túc", "Nữ Trạng Hề Bé Xương". Cuộc đời tình ái của mỗi cô được kể trong một chương, tất nhiên là có giăng mắc liên quan với Bội Bội Châu. Tác phẩm nhờ đó mà có nhiều lớp lang tình tiết đan cài đa dạng, phong phú như đời thực. Đọc họ mà thấy thương thấy trách thấy giận cho họ, nhưng rồi lại thấy họ cao cả, vị tha, rất đàn bà, vì thế đáng cảm phục họ.

Nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc tâm niệm: "Tôi cố gắng mọi sáng tác của mình nói giúp được phần nào Những Người Không Nói Được (Chết, Bị Oan Khuất, Mất Khả Năng và Quyền Được Nói), trong đó có Tôi. Và viết sao cho những người đời sau có dịp đọc lại sẽ hiểu thêm nhiều góc nhìn nữa về thời đại mình đang sống". Ở cuốn tiểu thuyết này chị đã làm được điều đó. Những người phụ nữ không được hạnh phúc vợ chồng, những người phụ nữ làm nghề sân khấu mua vui cho người đời mà phải chịu tủi buồn cho mình, những người phụ nữ muốn vùng lên muốn bung ra sống thực đời mình, họ đã cất lên tiếng nói của mình trên những trang văn của một nhà văn phụ nữ cũng nhiều trắc trở đa đoan yêu nghề khổ nghiệp như họ. 

Cuối sách, tác giả đã để cho các phụ nữ nhân vật của mình họp lại cùng nhau tập một vở kịch do họ tự viết kịch bản tự đạo diễn tự trang phục hóa trang tự diễn xuất và xin phép biểu diễn vì như lời Kỳ Nam người xướng ra việc này nói "tôi biết các bạn có nhiều người không thích nhau, thậm chí không muốn ngồi chung bàn ăn với nhau vì sợ phải ngó mặt nhau. Nhưng cuộc đời ngắn lắm…" (tr. 282). Và vở diễn đã được nhìn xem và đánh giá qua đôi mắt của đứa trẻ không ra đời Hà Anh Ngạc. Như thế có thể đọc cả cuốn tiểu thuyết này như một vở kịch. Mỗi con người là một diễn viên trên sân khấu đời mình, đóng sao được chính là mình.

Hẹn bạn lần tới với một cuốn sách mới khác.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem