Đọc sách cùng bạn: "Chỉ sóng trôi cùng với sóng"

Phạm Xuân Nguyên Thứ ba, ngày 09/06/2020 08:00 AM (GMT+7)
Chào bạn, ta gặp lại nhau. Hôm nay tôi cùng bạn đọc cuốn sách "Đất & Người" của Đào Trọng Khánh, một đạo diễn phim tài liệu.
Bình luận 0
Đọc sách cùng bạn: "Chỉ sóng trôi cùng với sóng" - Ảnh 1.

Bạn chắc đã từng xem một bộ phim của ông làm hoặc đã từng nghe nhắc đến tên ông. Ông sinh năm 1940 tại Hải Phòng, vào nghề điện ảnh năm 1965, đã được nhiều giải thưởng cho các bộ phim mình làm. Tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 15 (2007), ông được trao giải Đạo diễn xuất sắc về phim tài liệu. Năm 2000 ông được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. Năm 2007 ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật cho cụm 6 phim của mình. Có dịp bạn nên xem các phim tài liệu của ông để biết thêm giá trị của một thể loại điện ảnh và tài năng của một nhà làm phim.

Nhưng có một Đào Trọng Khánh khác trong văn chương. Thực ra cái "gien" văn chương đã có sẵn trong người ông để rồi khi làm phim, dù là phim tài liệu, nó vẫn tỏa lộ ra trong cách ông lập tứ, quay cảnh, viết lời bình cho phim. Nhưng trước hết nó đã làm nên một nhà thơ Đào Nguyễn của đất Cảng trong ông với một giọng thơ da diết dữ dội thẳm sâu. Lưu Quang Vũ trong bài thơ tuyệt tác "Đêm đông chí uống rượu với bác Lâm bác Khánh nói về những cuộc chia tay thời loạn" (1972) đã viết: "Thơ Khánh buồn như lòng đất nước / Thơ hay đời loạn chẳng đâu dùng". Bạn bè vẫn thường nhắc câu thơ của ông viết về Hải Phòng những năm đạn bom: "Thành phố như con tàu chở đầy thuốc nổ / Cùng đi với số phận mỗi con người". 

Thi thoảng lại có người nói thơ Đào Nguyễn mà in ra một tập đọc sẽ rất thấm, rất thích. Trong khi chờ như vậy, đọc 11 bài thơ của ông (các trang 194, 201, 212, 222, 237, 254, 272, 286, 300, 321, 345), được đưa vào tập "Đất & Người", một tập sách phần chính là những bài viết về tư liệu phim, về những suy nghĩ khi làm phim, về truyện phim, về bạn bè văn nghệ sĩ, về những nhận xét nghệ thuật mà Đào Trọng Khánh đã viết trong nhiều năm, bạn sẽ được bước vào tâm hồn một thi sĩ.

Xưa tôi trôi như một cánh buồm

Giờ tôi chỉ là bến cũ

Xưa quăng lưới theo đàn cá lạ

Nay cá đã trôi rồi lưới rách te tua

*

Nào hãy bơi đi đàn cá mòi khô

Ta sẽ thả các người xuống nước

Hãy tìm lại cho ta những ngày đã mất

Nơi đáy sâu im lặng đời đời…

(tr. 345)

Đào Trọng Khánh đã viết như thế trong bài "Bên bờ Tam Bạc – Tự ước một mình".

Tôi muốn dẫn bạn vào thơ ông trước khi đi vào tập sách "Đất & Người" là để thấy hồn thơ và hồn người Đào Trọng Khánh thấm vào từng con chữ ông viết. Tập sách chia làm hai phần. Phần một nhan đề "Cách mạng" là những tư liệu phim, những kỷ niệm khi ông làm những bộ phim tài liệu về đề tài cách mạng và kháng chiến, về các nhân vật lịch sử như Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, và các bậc tiền bối của Đảng. 

Làm những bộ phim tài liệu về cách mạng, Đào Trọng Khánh muốn đưa người xem trở lại ngọn nguồn của cách mạng Việt Nam với Hồ Chí Minh và thế hệ những người cộng sản đầu tiên mà ông gọi đó là "thời đại trong sáng". Ông viết: "Cuộc đổi mới, nói cho cùng là trở về với tấm lòng trung thực cộng sản, trở về với chính bản thân mình, trở về với tinh thần những người cộng sản đầu tiên của thời đại Hồ Chí Minh, những người đã xả thân một cách cao thượng cho hạnh phúc của mọi người" (tr. 43). Đó là điều ông mong mỏi, gửi gắm trong những tác phẩm điện ảnh của mình về đề tài này. 

Ông làm phim "Điện Biên Phủ - Niềm hy vọng" không chỉ để ca ngợi chiến thắng vĩ đại của dân tộc, mà còn để thấy biết bao người lính đã ngã xuống nơi chiến trường rừng núi ấy, biến nơi đó thành "thung lũng những linh hồn bất tử". Trong bài viết về chuyến làm phim đó ông đã nhắc lại cái câu lão du kích nổi tiếng Mùa Sống Lử năm 1984 trỏ vào ngực mình mà nói: "Nhưng về đến căn cứ, anh em tao cũng chết gần hết. Đau lắm mày ơi! Tao hỏi mày: đất có tim không? Có đấy! Điện Biên Phủ ở đây này…" (tr. 122). Chỉ cần một chi tiết như vậy, Đào Trọng Khánh đã làm bật lên điều muốn nói. 

Ở phần một này của cuốn sách, bài hay nhất là "Đi bộ về núi xa". Ông ca ngợi Bác Hồ, chỉ lẩy ra một chi tiết trong cuộc đời Bác là sự đi bộ - đi từ lúc là cậu bé lon ton đi bộ theo cha trên con đường thiên lý Bắc Nam đến tận lúc cuối đời là vị Chủ tịch nước tập luyện đi bộ trong Phủ chủ tịch để mong vượt Trường Sơn vào Nam thăm đồng bào đồng chí. Nhưng lẩy ra chi tiết đó cũng chỉ để khái quát hơn là Bác đi bộ thung dung vào chốn núi xa, vào cõi vĩnh hằng như một người bình thường, để lại bí ẩn cho người đời. Điều mà Tố Hữu nói trong một câu thơ "Như đỉnh non cao tự giấu mình", Đào Trọng Khánh mượn lời một sư thầy nói đầy triết đạo: "Núi là niềm ngưỡng mộ của con người, vì Núi chứa đựng những điều bí ẩn. Mà con có thấy không. Núi Lớn đang chìm trong mây… Bởi Núi cũng không muốn người đời thấy mình là Núi!" (tr. 87).

Hình ảnh Núi còn được Đào Trọng Khánh dùng lại nhiều lần trong các bài viết trong tập sách. Ông sẽ nhắc lại câu nói của nhà cách mạng Phạm Văn Đồng khi về già lên nghỉ ở Tam Đảo: "Anh có biết bi kịch lớn nhất của núi là gì không? Là núi không đi được, núi chỉ ngồi yên một chỗ" (tr. 101). Ông sẽ mượn tên một tác phẩm của văn hào Nhật Bản Yasunari Kawabata "Tiếng rền của núi" để viết về nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Ninh, nhân vật của ông trong phim "Một phần năm mươi giây cuộc đời" (1982). Đây cũng là một bài hay của Đào Trọng Khánh ở phần hai mang tên chung của cuốn sách. Trong chuyến làm phim ấy, nhà nhiếp ảnh đã kể cho nhà làm phim nghe ước muốn một lần lại được nhìn thấy dải nắng vàng trên đỉnh Fansipan, một cái đẹp vĩnh cửu. Để nắm bắt được cái đẹp vĩnh cửu ấy, người nghệ sĩ "không chỉ tìm đến với thiên nhiên mà còn phải cố mà hiểu được thiên nhiên", cụ Võ nói. Một bài viết ngắn mà có nhiều ý hay của cả nhân vật và tác giả. 

Tôi muốn bạn cùng tôi đọc cả đoạn kết của bài viết đó để thấm hiểu điều Đào Trọng Khánh muốn rung lên hồi chuông báo động cõi người: "Sống giữa bụi hồng, chúng ta đang mất dần những rung cảm trước vẻ đẹp vô hạn của thiên nhiên. Chúng ta đã không còn hiểu được thiên nhiên. Thiên nhiên cũng đang dần dần xa lánh chúng ta. Trong phim và trong ảnh của chúng ta không còn những phong cảnh thiên nhiên kỳ diệu như ngày xưa nữa. Chúng ta – những người làm phim và ảnh nghệ thuật suốt đời sống trong đau khổ và mơ mộng trước vẻ đẹp bí ẩn của thiên nhiên, suốt đời tìm kiếm giây phút bất tử của chính cuộc đời mình, giây phút bất tử của cái đẹp" (tr. 320).

Phần hai cuốn sách nhiều những bài viết như vậy của Đào Trọng Khánh về các bạn bè văn nghệ sĩ của mình. Ông viết về người bạn thân thiết gắn bó Lưu Quang Vũ trong chiều không gian khác là đối thoại với người ở cõi xa. Tưởng tượng ra câu Vũ hỏi ông thích tập thơ nào của tôi, Khánh nói: "Tôi thích "Mây trắng của đời tôi" bởi nó đúng là ông, bởi nó sẽ tan biến đi, giống như ông, là toàn bộ sự tồn tại, sự bí ẩn, là "mũi tên không tới đích bao giờ". Bởi vậy, nó cũng chính là tôi, tan biến như một đám mây" (tr. 198).

Ông viết về Ngô Kha - nhà thơ trong phong trào học sinh sinh viên Huế những năm chiến tranh bị kẻ thù thủ tiêu năm 1973, nhằm ngày 27 tháng Chạp Quý Sửu. Không biết người, gặp mặt, ông chỉ được bạn bè Huế ở Hà Nội đọc cho nghe những câu thơ Ngô Kha trong trường ca "Ngụ ngôn cho người đãng trí". Nghe tin Ngô Kha mất, đang ngồi giữa bạn bè ngày xuân, "Lưu Quang Vũ chạy xuống phố mang về một thẻ hương và một chai rượu: năm thằng đãng trí cúng một thằng đãng trí đây! Mùi hương rờn rợn của buổi chiều hôm ấy, bây giờ tôi vẫn còn nhớ" (tr. 197). Nên đến giờ ông vẫn luôn nhắc mình "27 tháng Chạp về ăn Tết với Ngô Kha".

Ông viết về họa sĩ Nguyễn Thị Hiền và những phòng tranh của chị trong "Dòng chảy không có tận cùng" 1 và 2. "Hội họa Nguyễn Thị Hiền đã đến với thế giới, tự nhiên như những giọt mưa rơi trên mặt đất, và cũng rất tự nhiên, "những hạt mưa mang hình trái đất", mang hình mặt trời như một quả cầu vàng, làm thành những dòng chảy, những con đường, thành ánh sáng…" (tr. 211). Với ông, người nữ họa sĩ này sống sôi nổi trong cuộc đời và im lặng trong dòng chảy.

ĐẤT & NGƯỜI

Tác giả: Đào Trọng Khánh

Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2020

Số trang: 430

Số lượng: 1000

Giá bán: 180.000đ

Đấy là cách Đào Trọng Khánh xem tranh, xem triển lãm. Như khi ông xem một phòng tranh của các họa sĩ Hải Phòng và thấy ra trong đó "Cái nhìn của biển" (lại một bài hay!). Bài viết ngắn có 5 khúc như trình bày một quan niệm nghệ thuật của người viết, không chỉ cho riêng hội họa. Ta hãy đọc khúc 2: "Sông nương trên biển mà biểu hiện. Chẳng cứ thơ ca, hội họa hay âm nhạc, tất cả những biểu thị nghệ thuật đều phải in dấu ấn của biểu hiện, nếu không chúng sẽ không có giá trị gì, sẽ không đạt tới tác phẩm nghệ thuật. Nghệ thuật giống như đám mây, không phải sinh ra, nó chỉ nương tựa và biểu hiện. Cội nguồn của Biển là chốn nương tựa cho hội họa Hải Phòng biểu hiện. Nghệ thuật bắt nguồn từ nguồn cội rồi lại trở về nguồn cội. Trở về là một sự tái sinh, là bắt đầu hành trình của một phiêu lãng mới vào nghệ thuật, vào xứ sở của những điều chưa biết" (tr. 213).

Như khi viết về họa sĩ vẽ tranh lụa Nguyễn Phan Chánh (tr. 274), Đào Trọng Khánh cảm phục bậc danh họa bằng cách dẫn hai câu thơ mà ông cho là hay nhất của cụ viết lúc cuối đời sau khi vẽ bức "Kiều tắm": "Ngũ bách niên lai tri kỷ giả / Phong lưu nhất bút dục Kiều nhi" ("Năm trăm năm lẻ còn tri kỷ / Mượn bút phong lưu tắm lại Kiều").

Ông nhớ Nguyễn Khắc Phục "tiếng gọi giữa thiên hà" với cuốn tiểu thuyết cuối cùng của nhà văn mang tên "Hỗn độn". Ông tìm về "Lửa thiêng" của Huy Cận để thức nhận điều này: "Không tỏa sáng thì không có Lửa Thiêng. Không đánh mất mình thì sẽ tìm ra chân lý. Chúng ta đang sống giữa bi kịch của thời đại, giữa niềm vinh quang hạnh phúc và sự đau khổ vô biên" (tr. 358). 

Ông đọc sách "Ngõ phố người đời" của kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính để hiểu sâu thêm về "Làng Việt, nhà Việt" (tr. 277).

Và không chỉ viết về giới nghệ thuật, Đào Trọng Khánh còn viết về người "Con dâu họ Đào" (bà Bội Hoàn, vợ nhà văn hóa Đào Phan), về anh hùng liệt sĩ phi công Vũ Xuân Thiều bắn rơi máy bay B52 trên trời Hà Nội 1972 để lại "Trời xanh sau cơn mưa". Bài nào cũng có tư liệu, chi tiết cụ thể và đều gây xúc động.

Tập "Đất & Người" có nhiều bài về Hải Phòng (cố nhiên) mang nhiều hoài niệm hồi ức, về kiến trúc phong cảnh xứ Bắc. Nhưng không chỉ có thế. Bước chân của người làm phim tài liệu đã dẫn Đào Trọng Khánh đến miền Trung, miền Nam đất nước, lắng nghe được nhiều câu chuyện hay, biết được nhiều sự trăn trở day dứt của người và đất ở các vùng miền xứ sở. Thế nên người đọc còn được theo chân ông về "Dưới bóng những ngôi đình Nam Bộ" (tr. 231), tìm "Vũ nữ Trà Kiệu" (tr. 248) xưa, nhìn "Đà Nẵng trong ai" (tr. 256), ngấm "Giọt nước mắt rừng U Minh" (tr. 322), nghe "Truyền thuyết chim phượng" trong rừng của người Cờ Tu ở vùng núi Quảng Nam (tr. 334). 

Đọc một bài như "Vũ nữ Trà Kiệu" để hiểu về công cuộc tìm kiếm lại những dấu tích văn hóa nghệ thuật người Chăm của Niết Đăm, hậu duệ của một dòng họ vua Chăm xưa, trong đó có điệu múa cổ tên gọi "Vũ nữ Trà Kiệu". Những thế hệ Chăm ngày nay vẫn nối tiếp nhau đi tìm. Còn Niết Đăm chỉ nói và Đào Trọng Khánh nhắc lại với mọi người nói chung: "Nếu mỗi người trước khi từ giã cõi đời chỉ được nhìn thế giới một lần cuối cùng thì hãy làm sao cho cái nhìn của mình có thể làm sạch tâm hồn" (tr. 253).

Đọc cuốn sách của Đào Trọng Khánh, bạn sẽ gặp nhiều những câu nói hay như vậy của người xưa và của các nhân vật đã vào phim của ông và ông được gặp gỡ, trò chuyện. Như là một câu thơ của vua Lý Thái Tổ ở thế kỷ thứ X ông dẫn lại khiến ta bất ngờ: "Chớ tưởng mùa thu lá sen tàn trên mặt nước / Ở đáy sâu có vừng mặt trời làm cho sự sống lại hồi sinh" (tr. 148). Như là câu của nhà nghiên cứu mỹ thuật Thái Bá Vân: "Người nói với tượng lúc nào cũng được, nhưng tượng chỉ nói với người khi thấy người thật quá cô đơn" (tr. 240). Như là câu của nhà sử học Trần Quốc Vượng: "Nghĩ cho cùng mở cửa vào thế giới phẳng, trước hết chúng ta phải mở cửa tâm hồn của mình, như các cụ ta yêu nhau "tam tứ núi cũng trèo, ngũ lục sông cũng lội, thất bát đèo cũng qua". Mở được cửa tâm hồn là thế giới này trở nên phẳng hết" (tr. 285). Phải là người tri kỷ tri âm biết nói chuyện và biết lắng nghe mới nghe được/được nghe những câu như vậy. 

Những câu nói của các nhân vật đã hay, các câu văn của tác giả cũng hay. Đào Trọng Khánh nói chuyện có duyên, viết văn cũng duyên. Ở trên tôi đã dẫn vài đoạn của ông. Còn đây là đoạn kết trong bài về một họa sĩ đã nói được sâu sắc hội họa của một đời người: "Cuộc đời cũng như tranh của Nguyễn Tư Nghiêm không có cái có và cái không có. Chúng lướt qua nhau, xâm lấn nhau, không có sự phân chia cứng nhắc và vô nghĩa của đời sống thực. Ý tưởng nghệ thuật im lặng giấu mình của Nguyễn Tư Nghiêm nói lên nỗi lo âu của con người và dân tộc. Những gì còn lại trong tranh của Nguyễn Tư Nghiêm chỉ là một phần bé nhỏ của tâm hồn ông. Cuối cùng chúng ta trả lại thiên nhiên tất cả những gì mà chúng ta đã có – đó là vinh dự lớn nhất mà nghệ thuật có thể đem lại cho con người. Bởi thiên nhiên là vĩnh cửu mà người nghệ sĩ có thể chối bỏ cả mình để được cuốn theo sự cám dỗ thiêng liêng của cái đẹp bí ẩn trong nghệ thuật" (tr. 221). Đào Trọng Khánh bằng những bài viết trong tập sách này có thể gọi được là nhà phê bình mỹ thuật, nhà phê bình văn chương đích đáng.

Cùng với những câu nói và câu viết đó là rất nhiều kiến thức về khoa học, lịch sử, địa lý, phong thủy, nghệ thuật mà Đào Trọng Khánh tự nhận là "duyên may được các bậc bề trên giúp cho để làm phim" (tr. 333). Ông biết ơn các "bậc bề trên" còn ta biết ơn ông về những bộ phim đã làm hôm qua, về những trang viết đã in ra hôm nay cho công chúng độc giả biết kỹ hiểu sâu hơn về đất nước, dân tộc, con người Việt Nam.

Cuốn sách kết thúc bằng một truyện phim "Thánh Quát" viết về Cao Bá Quát. Thực chất đây là một kịch bản phim được viết theo lối phân cảnh mà nếu được quay do chính Đào Trọng Khánh đạo diễn, tôi tin là sẽ có một bộ phim điện ảnh hay về một nhân vật lịch sử văn hóa tài giỏi ngang tàng của nước Việt thế kỷ XIX. Ông đã để nhân vật quá khứ đồng hiện với hiện tại, vừa sống đời mình trong lịch sử, vừa sống với con người hôm nay. Một kịch bản phim viết rất hiện đại với "một cấu trúc dựa trên nền tảng triết lý của phương Đông về sự tồn tại và khả năng nhận thức thế giới trong sự vận động phức tạp và đa dạng mà trung tâm của nó là sự hiện diện của Con Người" (tr. 380) như chính tác giả đã ở nói ngay ở đầu. Người xưa đồng cảm liên kết với người nay.

"Gốc của Khánh là một thi nhân" – tôi đồng ý với nhận xét này của họa sĩ Lê Thiết Cương trong lời giới thiệu cho tập sách. Và đã dẫn thơ Đào Trọng Khánh ở đầu bài viết, tôi lại vẫn muốn cùng bạn đọc nữa thơ ông để cho bạn thêm cảm hứng đọc cuốn sách này với nỗi niềm ông mang "sóng trôi cùng với sóng".

Ông viết về cuộc chia ly ra trận thời chiến nhẹ mà nặng trĩu thế này đây.

Bây giờ mùa hạ về ngang phố

Nắng đổ bờ xoan má đỏ hây

Tóc và em gái bay trong gió

Thôi nắm tay rồi lại nắm tay.

*

Bây giờ mùa hạ còn dang dở

Sau mùa phượng nở là xa xôi

Bóng ai qua cửa sao không gọi

Ô kìa, trái mận đỏ như môi.

*

Đưa chiều mùa hạ người ra trận

Một mái nhà xưa tình chia đôi.

(tr. 194)

Hẹn bạn lần tới với một cuốn sách mới khác.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem