Chạm trán
Trung tuần tháng 10.2010, sau cả một tuần đi khắp các sòng bạc ở sát biên giới Tây Nam, tôi (Nam Hải), Hữu Thọ (PV ảnh) và Hữu Danh đã quá mệt mỏi. Mệt mỏi bởi sự di chuyển liên tục, mệt mỏi bởi phải căng mình cảnh giác trước những tay bảo vệ to lớn mỗi khi dùng thiết bị tác nghiệp… nhưng càng mệt mỏi hơn nữa khi nhìn những dòng người Việt Nam lũ lượt kéo sang đây lao vào cuộc đen đỏ.
Sòng bạc nơi giáp ranh Hồng Ngự - Svay Rieng là nơi cuối cùng chúng tôi đến trong kế hoạch. Sòng bạc khá lớn cùng một trường đá gà rộng thênh thang. Vì đã mệt mỏi nên chúng tôi cũng bất cần, không thèm để ý tới tấm biển: “Cấm chụp ảnh, bị phát hiện phạt 20 triệu - thu máy ảnh, tạm giữ 3 ngày”…
Về đến nhà trọ được 10 phút thì ngoài cửa rộ lên tiếng xe. 4 tay bảo vệ to cao ở sòng bài, lừ lừ vào nhà, trên tay là xác 3 con gà đẫm máu, máu vẫn nhỏ tong tong xuống thềm nhà. Biết đây là quân của sòng bạc, chủ nhà lễ phép chạy ra chào hỏi, cả bọn im lìm rồi một gã gọn lỏn: “Làm gà đi, 10 phút nữa ông Út sang nhậu”.
|
Trường gà của Út Phụng. |
Chúng tôi giật thót người, đã tìm hiểu từ trước nên chúng tôi biết: Ông Út ở đây là ông Út Phụng, chủ sòng bạc… Chỉ cần thấy thái độ của chủ nhà khi nghe tin ông Út sang đủ để biết tầm ảnh hưởng của nhân vật này: Cả nhà lập tức quét nhà, dọn dẹp nhà cửa, chủ nhà sai vợ con làm gà, hái rau chuẩn bị đồ, lại còn sai vợ mang bát đĩa ra rửa kỹ lại một lần nữa.
Chủ nhà cũng giải thích, mấy con gà đẫm máu kia chẳng qua chỉ là những con gà thua trận bên trường gà - gọi là “gà xác”, chỉ ít thời gian trước thôi, mỗi con gà chọi ấy có giá hàng trăm triệu. Thịt loại gà này được xếp vào loại thượng đẳng.
Đúng 10 phút sau, tiếng xe dừng trước cửa, 4 tên bảo vệ vác trên vai những thùng bia rượu xếp gọn vào phòng rồi lẳng lặng kê ghế “mời ông Út ngồi”. Gọi là “ông” nhưng Út Phụng chỉ trạc 40 tuổi người béo tốt. Ông ta cười hiền lành, gọi con chủ nhà đến cho tiền, lại dặn: “Các con phải ngoan, chịu khó học hành hổng có được bài bạc nghen”. Trong này, chúng tôi đã vạch kế hoạch sẵn sàng.
Tụi tôi là nhà báo!
Gọi là kế hoạch nhưng thực ra cũng chẳng có gì. PV Hữu Danh là người địa phương tại đây nên sẽ thay mặt cả tổ nói chuyện với ông Út, tôi với Hữu Thọ giọng Bắc đặc sệt sẽ cố gắng nói càng ít càng tốt.
Chủ nhà dù trạc tuổi Út Phụng nhưng vẫn lễ phép: “Mấy chú hay đi theo ông Út đâu rồi?” – nghe thế, Út Phụng lập tức nắn gân: “Trời ơi, mấy thằng đó hư thân, gặp mấy thằng “điếm bạc” sang định “cướp người”, tụi nó rút súng ra doạ, hổng dè súng cướp cò làm người ta bị thương, phải trốn rồi. Tụi nó làm khổ mình mà vẫn phải trả lương cho gia đình nó. Mệt thiệt”. Nghe qua, cũng có thể Út Phụng nghi bọn tôi là dân “điếm bạc” sang để “cướp người”.
“Điếm bạc” là những tên cờ bạc bịp sừng sỏ biết những lỗ hổng trong hoạt động của casino để dựa vào đó kiếm lợi. Còn dân “cướp người” thì kinh hơn một bậc: Đó là những tên giang hồ liều lĩnh bạt mạng sang bên kia biên giới để tìm cách đưa những người thua bạc phải vay nợ và đang bị giữ về Việt Nam.
Thông thường, nếu vay nợ 1 tỷ đồng thì người nhà sẵn sàng bỏ ra số tiền tương đương để “cướp người” về chứ không chịu bỏ tiền ra chuộc. Có chuyện này bởi người đã bị “cướp” ra thường không bao giờ dám bén mảng lại các casino thêm lần nào nữa.
|
Xe đưa khách đi đánh bạc ở biên giới. |
Giải quyết nghi ngờ của Út Phụng không khó, tôi cởi áo ở trần, Hữu Thọ, Hữu Danh cũng làm theo cố ý “khoe” không hề có lấy một hình xăm, một vết sẹo thể hiện thân phận giang hồ. Ông Út Phụng tỉnh bơ nhắc: “Trời! Muỗi mùa này đốt chết người đó, mấy anh mặc áo vô”, nhưng mấy con mắt gườm gườm của đám bảo vệ đã giảm đi đôi phần.
Câu chuyện nhàm chán trong tình huống cả hai bên đều căng thẳng khiến tôi để đầu óc đi nơi khác, tôi bỗng nhớ tới nén hương chiều hôm trước tôi thắp lên giữa cánh đồng của đất Svay Rieng. Trên cánh đồng ấy, gần 40 năm trước, cha tôi đã bị thương. Nhưng ông còn là người may mắn, rất nhiều người bạn, người đồng đội của ông đã nằm lại mảnh đất này với tuổi thanh xuân mãi mãi…
40 năm trước khi phải chiến đấu nơi đất khách, đối mặt với kẻ thù tàn bạo và cái chết cận kề, cha tôi cùng các đồng đội của ông chắc chưa khi nào run sợ! Vậy tại sao khi đứng trên chính mảnh đất của đất nước mình, chúng tôi lại phải e dè trước mấy tên “giang hồ để súng cướp cò” này…
Sau lần ấy, chúng tôi càng thận trọng hơn trong mỗi lần tác nghiệp khi biết thêm sức mạnh của báo chí, kể cả dân giang hồ nhiều lúc cũng cần đến tiếng nói của báo chí.
“Tụi tôi là nhà báo” - câu nói tự nhiên bật ra từ miệng tôi. Thấy cả bọn ngơ ngác, tôi tiến tới luôn: “Nghe nói có mấy vụ người của sòng bài chặt tay, cắt tai con nợ, tụi tui sang kiểm tra thực tế để viết bài”. Út Phụng bật cười lớn: “Trời đất ơi! Tui cũng có coi báo, thấy nhiều bài viết như vậy quá nhưng hổng phải đâu. Toàn là bọn con bạc tụi nó hù người nhà để nã tiền không hà”…
Bữa nhậu chuyển sang hướng khác, rôm rả lên trông thấy. Giải thích nhiều mà vẫn không thuyết phục được, Út Phụng thì thầm: “Như vầy nghe, các anh cứ vay đại tiền ở bất cứ sòng bạc dọc biên giới này đi, rồi ở lại dăm hôm xem có phải thực như vậy không, sau đó gọi anh em sang chuộc về. Có bất trắc gì thì nói là người của Út Phụng bên Hồng Ngự, tôi giải quyết cho”.
Tàn cuộc nhậu, đúng theo kế hoạch ấy, tôi đã vào được tận nơi và sống cùng với những con bạc “thế người vay tiền” để hoàn thành nhiệm vụ do Ban Biên tập giao.
Nam Hải
Vui lòng nhập nội dung bình luận.