Đòi nợ không được, quật mồ đốt hài cốt mẹ vợ của con nợ

A.Đ (tổng hợp) Thứ năm, ngày 28/05/2020 20:40 PM (GMT+7)
Công an huyện Cái Bè (Tiền Giang) đang điều tra làm rõ vụ “xâm phạm mồ mả, thi thể, hài cốt” xảy ra ở ấp Hậu Vinh, xã Hậu Thành, huyện Cái Bè.
Bình luận 0
Đòi nợ không được, quật mồ đốt hài cốt mẹ vợ của con nợ - Ảnh 1.

Ngôi mộ bị đập phá tan tành. Nguồn: Dân Trí

Theo Dân Trí: Ngày 28/5, Công an huyện Cái Bè (Tiền Giang) cho biết đang điều tra làm rõ vụ “xâm phạm mồ mả, thi thể, hài cốt” xảy ra ở ấp Hậu Vinh, xã Hậu Thành, huyện Cái Bè.

Trước đó ngày 12/5, một nhóm người do ông Lâm Văn Quýnh (ngụ phường Tân Thới Hòa, quận Tân Phú, TP.HCM) cầm đầu đến nhà ông Nguyễn Văn K. (58 tuổi) đòi nợ nhưng không được.

Ông Quýnh đã cho người đập phá mồ mả cụ H. (mẹ vợ ông K.), sau đó quật mồ đốt hài cốt cụ H. Ngôi mộ cụ H. được xây dựng kiên cố đã 10 năm nay, nằm trên phần đất mà ông K. và vợ được hưởng thừa kế và đang sinh sống.

Theo điều tra ban đầu, vào năm 2019, ông K. có vay của ông Quýnh số tiền 300 triệu đồng với lãi suất 18 triệu đồng/tháng. Ông K. đã lập hợp đồng thế chấp một thửa đất ở xã Hậu Thành cho ông Quýnh.

Đòi nợ không được, quật mồ đốt hài cốt mẹ vợ của con nợ - Ảnh 2.

Đòi nợ không được, quật mồ đốt hài cốt mẹ vợ của con nợ - Ảnh 3.

Đống tro tàn sau khi hài cốt cụ H. bị đốt. Nguồn: Dân Trí

Sau khi vay, ông K. đóng lãi cho ông Quýnh đến tháng 2/2020 thì không có khả năng trả lãi nên vào ngày 12/5, ông Quýnh đã dẫn một số người đến thửa đất được thế chấp để đào phần mộ của mẹ vợ ông K. mang đi đốt.

Hiện tại từ cổng rào đến các buồng ngủ nhà ông K. đều mở toang các cửa. Ngôi mộ cụ H. nằm nép bên phải trước sân nhà. Mộ làm bằng gạch đá, bê tông kiên cố đã bị đập phá, đào huyệt ngổn ngang. Nắp huyệt bằng bê tông bị đập vỡ, cạnh đó là một đống tro tàn sau khi hài cốt cụ H. bị đốt. Quan tài gỗ cùng các vật dụng chôn cất cụ H. bị bỏ trong huyệt.

Người dân địa phương rất bức xúc khi chứng kiến cảnh tượng trên.

Trao đổi với PV, ông Huỳnh Văn Phau - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hậu Thành - cho biết, theo tín ngưỡng đã có từ xa xưa của người Việt Nam thì mồ mả là một nơi vô cùng linh thiêng, được coi là nơi an nghỉ cuối cùng của người chết. Việc “mồ yên mả đẹp” có ý nghĩa rất lớn đối với những người thân của người đã chết. Do đó, việc xâm phạm tới mồ mả, thi thể, hài cốt của người chết là hành vi vô đạo đức, gây bức xúc trong dư luận địa phương.

Vụ việc đang được cơ quan chức năng tiếp tục điều tra làm rõ xử lý.

Nhìn nhận vụ việc dưới góc độ pháp lý, chuyên gia Nguyễn Gia Hải (Hội Luật gia Việt Nam) bày tỏ quan điểm: Hành vi của ông Quýnh và một số đối tượng trong vụ việc nêu trên có dấu hiệu phạm tội "Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt" .

Hành vi xâm phạm mồ mả là hành vi xâm phạm đến nơi an nghỉ cuối cùng của cá nhân người chết. Ngoài hành vi đào, phá mồ mả, chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ thì các hành vi khác xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt cũng được coi là hành vi cấu thành tội trên.

Về mặt dân sự, trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm mồ mả thuộc nhóm trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

Người có hành vi xâm phạm mồ mả có trách nhiệm bồi thường về thiệt hại tài sản gây ra (quy định tại Điều 607 Bộ luật Dân sự năm 2015). Thiệt hại do mồ mả bị xâm phạm gồm những khoản như: Chi phí mua vật liệu xây dựng; chi phí thuê nhân công xây dựng, sửa chữa lại những hư hỏng, thiệt hại mà người phạm tội đã gây ra.

Ngoài những chi phí trên thì người gây thiệt hại còn phải bồi thường chi phí do việc xâm phạm mồ mả của mình trong trường hợp mồ mả bị hư hỏng, không thể sử dụng đúng mục đích. Đó là những chi phí để bảo quản thi thể, hài cốt, chi phí đó có thể là thuê địa điểm trong nhà xác để bảo quản, chi phí thuê người vận chuyển thi thể, hài cốt…

Ngoài ra, do thi thể hay hài cốt của người chết không phải là tài sản, vì vậy người xâm phạm mồ mả của người khác, ngoài trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tài sản thì còn phải bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích của người có mồ mả bị xâm phạm. Bởi lẽ, hành vi xâm phạm mồ mả không những gây thiệt hại về phần tài sản như xác định ở trên mà còn xâm phạm đến quyền nhân thân của chính người có mồ mả đó.

Về mặt hình sự, những kẻ có hành vi xâm phạm mồ mả của người khác sẽ bị xử lý theo Điều 319 Bộ luật Hình sự 2015.

Cụ thể, Điều 319 "Tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt" quy định:

1. Người nào đào, phá mồ mả, chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ hoặc có hành vi khác xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm:

a) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

b) Chiếm đoạt hoặc hủy hoại vật có giá trị lịch sử, văn hóa;

c) Vì động cơ đê hèn;

d) Chiếm đoạt bộ phận thi thể, hài cốt.

Quy chiếu vào vụ việc trên, hành vi của đối tượng Quýnh và đồng bọn có thể sẽ bị xử lý theo khoản 2 (Điều 319, Bộ luật Hình sự 2015), với mức phạt cao nhất là 7 năm tù.

Tất nhiên, về mức độ thiệt hại là bao nhiêu cũng như các dấu hiệu hình sự liên quan tới vụ việc như thế nào thì còn phải chờ kết luận điều tra từ phía cơ quan công an.

Nguồn: GĐ&XH

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem