Đội quân bách chiến bách thắng - Bài 1: Những chiến sĩ cách mạng quả cảm

Thiên Việt Thứ bảy, ngày 06/12/2014 06:43 AM (GMT+7)
Trước năm 1944, ở khu vực Tây Bắc đã có nhiều huyện có Việt Minh kiểm soát, từ đó những chiến sĩ cách mạng quả cảm đã vận động được nhiều người dân tham gia kháng chiến. Vũ khí ít ỏi, thô sơ nhưng cách sử dụng khéo léo đã khiến thanh thế của Việt Minh lan rộng.
Bình luận 0

LTS: Chỉ có 34 người, với 34 khẩu súng các loại nhưng đó là những chiến sĩ kiên quyết, dũng cảm trong các đội du kích Cao-Bắc-Lạng, Cứu quốc quân. Từ khu rừng Trần Hưng Đạo (Cao Bằng), họ đã siết chặt thành một khối vững chắc, không kẻ thù nào phá vỡ nổi để làm nên đội quân bách chiến bách thắng. Khó ai có thể tưởng tượng được đội quân thô sơ ấy đã đi lên từ gian khó thế nào. Mời bạn đọc cùng NTNN trở lại mốc lịch sử hào hùng 70 năm trước - ngày ra đời của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân 22.12.1944.

Ký ức của người nấu cơm cho “anh Văn”

Trong một buổi trò chuyện với báo chí cách đây 5 năm, cụ Nông Thị Lỵ (sinh năm 1917 tại làng Phai Khắt, xã Tam Kim, Nguyên Bình, Cao Bằng)- người từng nấu cơm cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể, trong thời gian lưu lại hoạt động tại huyện Nguyên Bình năm 1941, anh Văn thường xuyên lui tới nhà cụ Nông Văn Báo (bố đẻ của cụ Nông Thị Lỵ). “Căn nhà sàn của gia đình tôi có 4 buồng, hàng ngày anh Văn cùng một người nữa ở trong một buồng kín nhất, khách đến nhà cũng không thể biết, tối đến các anh mới đi tuyên truyền vận động”- bà Lỵ kể.

img
Cụ Nông Thị Lỵ (thứ nhất từ trái qua) thăm Phủ Chủ tịch.       tư liệu
Năm 1942, ở Cao Bằng đã có Việt Minh. Trong hồi ký Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể: Đồng bào Tày, Nùng hăng hái tham gia các hội cứu quốc, kể cả phụ nữ. Thanh niên đi đầu mở đường, các em thiếu nhi giữ vai trò liên lạc và canh gác. Một kiểu chính quyền “hai mặt” xuất hiện ở nông thôn. Tại các làng hoàn toàn thuộc về mình, Ủy ban Việt Minh giải quyết công việc thường ngày, từ hộ tịch đến các vụ tranh chấp đất đai.

Tháng 11, Việt Minh triệu tập ở quy mô cấp tỉnh bầu ra Ban chấp hành. Vấn đề đào tạo cán bộ quân sự được đưa vào chương trình nghị sự để thảo luận. Các khóa đào tạo cán bộ kéo dài một tháng được tổ chức. Mỗi khóa có khoảng 50 học viên. Mọi việc đều phải học từ đầu, từ đi đều bước. Ông Võ Nguyên Giáp dịch cuốn Chiến tranh du kích kháng Nhật của Tổng Tư lệnh Hồng quân Trung Quốc Chu Đức, ông Phạm Văn Đồng soạn cuốn Người chính trị viên. Học viên đến lớp phải tự sắm vũ khí, dao găm, dao phạt, súng kíp hay súng kim tỏa. Thời điểm đó, chủ trương lập các đội Nam tiến được thông qua. Ba đội xuất phát từ 3 cơ sở khác nhau lên đường làm nhiệm vụ. Các chiến sĩ là ông Hoàng Văn Hoan đi xuống các vùng xung quanh Lạng Sơn, ông Chu Văn Tấn, quê tại Bắc Sơn, chỉ huy một bộ phận cứu quốc quân, tiến về phía tây từ khu căn cứ địa này, còn ông Giáp phụ trách hướng quan trọng nhất sẽ mở đường từ Cao Bằng.

Chuẩn bị “phát động chiến tranh du kích”

Theo tác phẩm “Võ Nguyên Giáp” của nhà sử học Pháp Georges Boudarel (NXB Thế giới 2013) cho biết, mùa đông năm 1943-1944 là quãng thời gian gay go nhất. Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: “Địch tăng cường đàn áp. Chúng tôi nhận thấy cán bộ cốt cán của phong trào chạy lên rừng ngày một đông. Tiếp tế cho số người này quả là một vấn đề nan giải, ngày càng khó giải quyết. Bọn lý dịch cấm đồng bào đưa lúa hay ngũ cốc ra khỏi làng. Đây đó, đúng giữa mùa gặt, những bông lúa trĩu hạt, đồng bào cố ý để thóc rụng. Chúng tôi đành phải tổ chức đi mót, rồi giã ngay tại đồng, khi đem nấu hạt cơm rắn như gạo rang. Có lần, bọn lính dõng đánh đập ngay giữa đường một cụ bà có gạo trong mũ và một phụ nữ có ít thóc ẩm đem ra đồng để gieo hạt, nhiều chị em rất sợ… Trong nhiều tháng, chúng tôi chỉ ăn ngô qua ngày, thậm chí có thời gian chỉ ăn thân cây chuối rừng.

Khủng bố gắt gao của địch đã làm giảm đáng kể các cơ sở cách mạng nhưng nơi nào trụ được thì trưởng thành lên trông thấy. Sau một thời gian, đồng bào lại đến với chúng tôi, mỗi nơi một ít, hội viên cứu quốc nối lại liên lạc với chúng tôi, đôi khi đi dự các khóa huấn luyện. Chúng tôi lại mở những khóa đào tạo mới trong rừng và rất nhiều học viên đến học. Trong châu Hà Quảng, chúng tôi tính đã có đến 5.000 hội viên cứu quốc trước khi địch khủng bố, trong đó trên 1.000 tự vệ, thế mà sau đợt khủng bố tạm lắng xuống, hơn 4.000 hội viên cứu quốc lại tham gia sinh hoạt và gần 1.000 tự vệ trở lại hoạt động”.

Từ tháng 7.1944, liên Tỉnh ủy Cao–Bắc–Lạng nhận định phong trào khá mạnh để có thể phát động khởi nghĩa. Tháng 8, liên Tỉnh ủy triệu tập cuộc họp toàn thể. Hội nghị họp trong một hang rộng, bên ngoài có cổng chào bằng tre nứa kết lá, có cột cờ, có nơi ăn nghỉ cho các đại biểu. Không khí cuộc họp không còn bí mật tuyệt đối như xưa. Đại biểu ngồi họp quanh những chiếc bàn tre. Bên ngoài có các tiểu đội tự vệ canh gác. Các ông Võ Nguyên Giáp và Phạm Văn Đồng có mặt tại cuộc họp. Báo cáo chủ trương phát động khởi nghĩa là đáp ứng nguyện vọng nóng bỏng của đại biểu dự hội nghị. Ai nấy đều nhận thấy tình hình địa phương đã thay đổi. Tuy nhiên để tránh hiểu lầm, hội nghị quyết định dùng mấy từ “phát động chiến tranh du kích” thay cho “khởi nghĩa” và dự kiến thời gian chuẩn bị để 2 tháng sau sẽ chuyển sang hành động.

   Hạ tầng cơ sở của một khu du kích và kháng chiến đã được xây dựng, vắt ngang trên 6 huyện của tỉnh Cao Bằng và Bắc Kạn. Theo đà tiến quân, du kích từng bước thành lập chính quyền ở các huyện mới, mang tên các vị anh hùng dân tộc như Lê Lợi, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Trần Hưng Đạo. Ngày 25.9.1943 thì thành lập một khu “hoàn toàn” nghĩa là toàn dân đều vào hội cứu quốc được đặt tên là khu Thiện Thuật. Đầu tháng 11.1943, ông Võ Nguyên Giáp chủ trì việc thành lập một khu “hoàn toàn” nữa trên các triền núi dọc theo con đường Cao Bằng - Bắc Kạn, đặt tên là khu Quang Trung.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem