Đội tự quản trong trường học: Bỏ hay duy trì?

Thứ ba, ngày 04/06/2024 06:40 AM (GMT+7)
Gần đây có một số ý kiến cho rằng trong trường học cần bỏ mô hình đội cờ đỏ/sao đỏ.
Bình luận 0

Lý do được đưa ra là có nhiều thành viên của đội bị dọa đánh; bản thân một số em cũng không thích làm công việc này. Thêm nữa, có không ít trường hợp được “giao quyền” sớm nên bắt nạt bạn.

Chưa thể bỏ

Bản thân vừa đi dạy vừa kiêm nhiệm công tác Đoàn nên thấu hiểu những lo lắng trên. Thực trạng trong trường học hiện nay, đội cờ đỏ ở cấp THPT, đội sao đỏ ở cấp tiểu học và THCS được lập ra để giúp nhà trường quản lý công tác nền nếp. Trước đây, công tác này chủ yếu là vệ sinh trực nhật, đi học chuyên cần hay vấn đề ăn mặc.

Nhưng hiện nay, xã hội phát triển kéo theo nhiều vấn đề nảy sinh như bạo lực học đường, không gian mạng, an toàn giao thông… Do vậy, vấn đề giáo dục đạo đức, lối sống tác phong đang là áp lực lớn với nhiều đơn vị. Đội sao đỏ/cờ đỏ nếu hoạt động đúng mục đích sẽ góp phần uốn nắn, giáo dục những học sinh chưa ngoan.

Mặc dù đâu đó còn tồn tại khuyết điểm nhưng từ thực tế hiện nay, tôi thấy chưa thể bỏ mô hình này. Bởi, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều từng cho rằng, một người đi trong khuôn viên công cộng thấy rác và nhặt nó bỏ vào thùng rác, đó là hành động văn minh trong xã hội văn minh. Và hành động đó là kết quả giáo dục của hàng thế kỷ, nhất là giáo dục gia đình.

Giáo dục gia đình cần hướng đến giáo dục con cái ngay từ nhỏ với những việc đơn giản như bỏ rác đúng nơi quy định, đúng giờ, biết nói lời cảm ơn, xin lỗi… Nhìn thẳng vào thực tế, các gia đình chúng ta đang phó thác trách nhiệm giáo dục này vào trường học. Ngược lại, trường học trong mấy chục năm qua lại chú trọng hơn đến vấn đề dạy “chữ”, dạy kiến thức.

Chưa kể, xã hội Việt Nam đứng trước hiện trạng các gia đình có xu thế “sợ”, “hạn chế” sinh con. Mỗi gia đình chủ yếu sinh hai con nên việc “chiều chuộng” cũng là nguyên nhân tạo ra những thói hư tật xấu cho trẻ. Trẻ em lười lao động, sống thụ động hơn.

Còn nhớ thế hệ chúng tôi, ngày “Tết trồng cây”, mỗi bạn đều tự trồng và chăm sóc một cây xanh trong khuôn viên nhà trường. Ngược lại bây giờ, phần lớn các em không biết trồng, chăm sóc cây. Cả lớp góp tiền và thuê người trồng.

Vệ sinh trực nhật cũng vậy, ngày trước học sinh phải làm mọi việc từ vệ sinh trong lớp học đến các khu vực khác trong nhà trường. Một năm học, có khoảng dăm đợt lao động tập thể như nạo vét kênh mương, phát quang bờ bụi… Chính những hoạt động đó đã giúp chúng tôi hiểu hơn về giá trị của lao động, tạo được sự đoàn kết trong lớp học.

Đội tự quản trong trường học: Bỏ hay duy trì?- Ảnh 1.

Ảnh minh họa ITN.

Ước mơ không xa

Để hình thành thói quen, nhân cách ở con người ngoài nền tảng giáo dục gia đình thì giáo dục ở bậc mầm non, tiểu học hết sức quan trọng. Nghị quyết 29-NQ/TW đã đề ra những mục tiêu cần thực hiện đối với giáo dục mầm non gồm:

Giúp trẻ phát triển thể chất, tình cảm, hiểu biết, thẩm mỹ; hình thành các yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị tốt cho trẻ bước vào lớp 1; hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi vào năm 2015, nâng cao chất lượng phổ cập trong những năm tiếp theo và miễn học phí trước năm 2020; từng bước chuẩn hóa hệ thống trường mầm non; phát triển giáo dục mầm non dưới 5 tuổi có chất lượng phù hợp với điều kiện của từng địa phương và cơ sở giáo dục.

Muốn đáp ứng được mục tiêu trên, chúng ta cần tập trung nguồn lực xây dựng mạng lưới trường mầm non, tiểu học đạt chuẩn. Đây là một trong những vấn đề then chốt cần giải quyết ngay.

Số liệu thống kê năm học 2022 - 2023 từ Bộ GD&ĐT cho thấy, cả nước có 14.890 trường (tỷ lệ 97,1%) có sân chơi riêng, thiết bị đồ chơi ngoài trời theo quy định; có 167.200 nhóm, lớp (82,3%) có đủ đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học tối thiểu theo quy định; có 28.661 bếp ăn, với 46.046 phòng tổ chức ăn cho trẻ; 20.078 công trình vệ sinh; có thêm 659 trường mầm non được công nhận đạt chuẩn quốc gia.

Cũng theo thống kê, cả nước có 63/63 tỉnh, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học. Trong đó, có 29/63 tỉnh, thành phố được Bộ GD&ĐT công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, đạt tỷ lệ 46%. Những yếu tố này đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi hơn cho trẻ khi vào lớp 1, thực hiện theo mục tiêu của Nghị quyết 29.

Đặc biệt, Chương trình GDPT 2018 với mục tiêu tập trung vào phát triển phẩm chất, năng lực cho học trò là cơ hội để mỗi trường học, mỗi cấp học có bước thay đổi đột phá trong việc quản lý, giáo dục học trò với chiến lược, kế hoạch dạy học các môn học tập trải nghiệm một cách bài bản, lâu dài.

Từ đây, học trò sẽ từng bước hoàn thiện, phát triển các kỹ năng, phẩm chất cần thiết cho cuộc sống mới. Trước hết, đó là tính kỷ luật, kỷ cương trong môi trường học đường. Sau nữa, qua các hoạt động học tập trải nghiệm, các em được rèn luyện tính tự giác, tự chủ, tự học cao hơn.

Ngoài ra, mô hình trường học hạnh phúc lâu nay chúng ta đang kiên trì xây dựng, xét đến cùng cũng vì mục tiêu đem đến sự tự do, thoải mái sáng tạo học tập cho học trò. Do đó, quản lý theo “pháp chế” bắt buộc dần được cởi bỏ. Thay vào đó, các trường học đang cố gắng tạo ra môi trường học tập thân thiện, gần gũi, an toàn cho cả thầy và trò.

Khi mạng lưới trường học đồng bộ đạt chuẩn, các nhà trường thay đổi tư duy quản lý sang quản trị, đội ngũ giáo viên đứng lớp luôn sáng tạo, mạnh dạn đổi mới phương pháp dạy học sẽ góp phần hình thành được các phẩm chất tốt cho trẻ. Một thế hệ công dân mới – sống có nền nếp, kỷ luật tác phong tốt hơn là điểm tựa để chúng ta tin tưởng về một trường học không cần sao đỏ/cờ đỏ sẽ thành hiện thực.

Giáo dục đang đi vào giai đoạn đổi mới có tính chất bước ngoặt. Chúng ta tin rằng, công cuộc đổi mới lần này sẽ đi đến thành công, tạo ra một thế hệ học sinh sống có trách nhiệm với cộng đồng, biết yêu thương chia sẻ. Và khi ấy ước mơ về những trường học không cần đội tự quản không còn xa.

Nguyễn Đình Ánh (Trường THPT Nghi Lộc 2 - Nghi Lộc – Nghệ An) (giaoducthoidai.vn)
Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem