Đối tượng cầm 100.000 USD chạy án cho cựu Cục trưởng đăng kiểm có thể bị xử lý thế nào?

Quang Trung Thứ tư, ngày 13/09/2023 11:28 AM (GMT+7)
Công an cáo buộc ông Đặng Việt Hà khi đương chức Cục trưởng Đăng kiểm Việt Nam lo sợ hành vi nhận hối lộ bị phát hiện nên chi 100.000 USD nhờ Nguyễn Văn Chung "chạy án".
Bình luận 0

Cựu cục trưởng Đăng kiểm chi 100.000 USD "chạy án" trước khi bị bắt

Công an TP.HCM vừa ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Lại Thái Phong (37 tuổi, ngụ Bắc Giang) - Phó phòng Kiểm định xe cơ giới (Cục Đăng kiểm Việt Nam) về tội "Môi giới hối lộ" và Nguyễn Văn Chung (44 tuổi, ngụ Hà Nội) về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Đối tượng cầm 100.000 USD chạy án cho cựu Cục trưởng đăng kiểm có thể bị xử lý thế nào? - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Chung tại cơ quan điều tra. Ảnh: CACC

Theo cơ quan điều tra, trong vụ án liên quan đến sai phạm của các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới, ông Đặng Việt Hà, cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam lo sợ bị công an phát hiện nên đã thông qua Phong đưa cho Chung 100.000 USD để tìm cách "chạy án" cho mình. Mặc dù biết không thực hiện được nhưng Chung vẫn nhận và chiếm đoạt số tiền trên.

Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM vẫn đang tiếp tục mở rộng điều tra, xử lý nghiêm các cá nhân liên quan đến vụ án.

Trước đó, công an TP.HCM xác lập chuyên án bóc gỡ các hành vi tội phạm liên quan đến lĩnh vực đăng kiểm bao gồm "Giả mạo trong công tác", "Đưa hối lộ", "Nhận hối lộ".

Đến nay, cơ quan điều tra đã khởi tố 204 bị can. Vụ án gây chấn động dư luận và thuộc diện giám sát của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Môi giới hối lộ bị xử lý thế nào?

Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, người môi giới hối lộ là người kết nối để người đưa hối lộ gặp người nhận hối lộ hoặc là người trung gian chuyển tiền, thông tin từ người đưa hối lộ cho người nhận hối lộ và ngược lại.

Hành vi môi giới hối lộ khiến cho hoạt động đưa nhận hối lộ diễn ra thuận lợi hơn nên đây là hành vi vi phạm pháp luật, người thực hiện hành vi này sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 365 Bộ luật hình sự với hình phạt có thể tới 15 năm tù.

Ngoài ra, trong trường hợp người môi giới không thực hiện hành vi đưa hối lộ nhưng lại đưa ra thông tin gian dối để chiếm đoạt số tiền của người có ý định đưa hối lộ, đây là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Vị chuyên gia thông tin, theo quy định của Bộ luật hình sự, hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hành vi dùng thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản.

Bởi vậy trường hợp kết quả xác minh của cơ quan điều tra cho thấy, đối tượng đã đưa ra thông tin không đúng sự thật nhằm lừa người muốn chạy án để chiếm đoạt tiền chạy án, đây là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Với số tiền như cáo buộc, nếu bị chứng minh có tội, đối tượng có thể đối mặt với khung phạt cao nhất của tội danh này.

Trường hợp đối tượng lúc đầu có ý định thực hiện hành vi môi giới hối lộ nhưng chưa thực hiện hành vi mà tự ý nửa chừng chấm dứt tội phạm, trả lại tiền tài sản cho người đưa mà không bị cơ quan chức năng phát giác, có thể sẽ không bị xử lý hoặc nếu chủ động khai báo với cơ quan chức năng trước khi bị phát giác thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự theo khoản 6, Điều 365 Bộ luật hình sự.

Còn trường hợp nhận tiền để thực hiện hành vi chạy án nhưng không thực hiện hành vi, cũng không trả tiền, thường sẽ bị xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Còn nếu thực hiện hành vi chạy án mà bị phát hiện, kể cả người đưa, người nhận và người môi giới đều bị xử lý hình sự về các tội danh liên quan đến hối lộ.

"Trong quá trình điều tra vụ án này, cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ nguyên nhân động cơ sự việc, làm rõ diễn biến hành vi, mục đích của từng đối tượng để xác định hành vi vi phạm pháp luật, chứng minh các dấu hiệu cấu thành tội phạm để xử lý theo quy định của pháp luật" – vị chuyên gia nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem