Dọn mương, phát bờ... lấy tiền lập quỹ khuyến học

Nguyễn Hùng Thứ ba, ngày 14/04/2015 13:43 PM (GMT+7)
Bản Phù Ninh thuộc xã miền núi Hương Giang (huyện Nam Đông, Thừa Thiên- Huế) vốn nghèo “từ trong trứng nước” nhưng lại là “bản hiếu học”.
Bình luận 0

Cả trăm hộ bà con dân bản từ bao đời sống dựa vào cây lúa nương, lúc nông nhàn thì ra phố làm thuê. Vậy mà tính đến giữa đầu năm 2015 này con số tú tài, cử nhân, y sĩ, giáo viên, sinh viên... xuất thân từ bản đã đạt mức vài chục người. Giờ thì bà con quen gọi bản Phù Ninh với cái tên trìu mến “bản hiếu học”.

img
Ông Nguyễn Lai- Trưởng thôn Phù Ninh, đánh kẻng 
báo hiệu giờ học bài cho các em. Tường Vi

Không phải là “đất học” vang tiếng từ xưa nhưng vì thấm thía nỗi khổ của cảnh thiếu chữ, thiếu văn hóa mà những bậc phụ huynh quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” ở trong bản đã họp nhau lại, bàn cách khởi xướng phong trào hiếu học. Cái "quỹ khuyến học thuần nông" ra đời lần đầu tiên khoảng năm 2008 được người dân trong bản góp bằng chính những ngày công dọn mương, phát bờ, làm cỏ, rồi quy ra thóc, sau đó bán thóc lấy tiền. “Mỗi năm, quỹ khuyến học gom góp được chừng... vài ba triệu. Những học sinh chăm ngoan, đỗ đạt cao thì được quỹ khuyến khích khen thưởng còn cháu nào chưa chăm học thì bị phê bình trên loa phát thanh của bản. Thấy cha mẹ suốt ngày nai lưng kiếm tiền cho mình đến lớp nên đứa trẻ nào trong làng cũng có ý thức thi đua học tập...” - lão nông Nguyễn Lai- Trưởng bản Phù Ninh chia sẻ.

Bây giờ về bản Phù Ninh tìm một gia đình có từ 2 - 3 con vào đại học là chuyện không khó. Bà Mai Thu Hoa một thân một mình nuôi 3 con học đại học, chạy tiền đứt cả hơi. Bao nhiêu lúa gạo thu được, bà bán tất dành làm học phí cho con. Ông Nguyễn Thanh Lý thì gom hết lúa từ 2 sào ruộng cùng với con heo 70kg nuôi cả chục tháng trời để lo tiền học phí cho đứa nhỏ và tiền làm đồ án tốt nghiệp cho đứa lớn. Bà con trong bản xem việc học là đại sự, nên dù nghèo đến mấy cũng gắng không để con cái học hành dở dang. Từ đó, học sinh trong bản cùng thi nhau mà học, nhà nhà cố "theo" nhau bằng thành tích đỗ đạt của con cái mình.

Có mặt ở bản “hiếu học” Phù Ninh những ngày giữa tháng Tư này, chúng tôi càng ngạc nhiên vì bản đông trẻ con thế mà vào buổi tối, nhất là sau khi tiếng kẻng báo hiệu giờ học tối (19 giờ) vang lên thì ngoài đường vắng teo vắng ngắt, họa hoằn lắm mới có tiếng gọi nhau, không phải để đi chơi mà là hỏi bài vở. Ông trưởng bản cười tự hào: “Ở bản này thì việc học không phân biệt dịp nghỉ tết, nghỉ hè gì đâu. Trẻ con bản Phù Ninh bây giờ không tụ tập đi chơi đêm như nơi khác, bản khác đâu...”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem