|
Bongbong Marcos nhận được sự ủng hộ của 1/3 dân số Philippines. |
Nhật báo Pháp "La Croix" nhận định: "Đối với nhiều người Philippines, chế độ độc tài Marcos đã mang lại nhiều điều tốt đẹp cho đất nước này".
Mười hai triệu người Philippines, tức 1/3 dân số nước này, đã bầu Ferdinand Bongbong Marcos, 54 tuổi, con trai của Ferdinand Marcos, vào Thượng viện. Đây là người đầu tiên trong dòng họ Marcos trở lại chính trường, sau khi nhà độc tài Marcos bị cuộc nổi dậy lịch sử năm 1986 lật đổ.
Ông Bongbong Marcos nhận bằng thạc sĩ về quản trị và hành chính tại Trường Đại học Oxford (Anh). Sau khi trở lại Philippines năm 1991, ông đã ra ứng cử hạ nghị sĩ tại chính quê hương mình, một tỉnh cực bắc của quần đảo.Bongbong Marcos trúng cử ngay và từ đó chưa bao giờ bị thất cử.
Sau 2 nhiệm kỳ làm tỉnh trưởng và hạ nghị sĩ, Bongbong Marcos trở thành một nhà lãnh đạo địa phương xuất sắc. Ông đã xây dựng tại tỉnh mình công viên phát điện bằng sức gió đầu tiên của Đông Nam Á và hiện đại hóa nền nông nghiệp địa phương.
Trong con mắt của thượng nghị sĩ Bongbong Marcos, cha ông là một Tổng thống tốt, đã để lại cho đất nước các cơ sở hạ tầng tốt. Thực tế là nhà độc tài Marcos đã hai lần được bầu làm tổng thống trong các cuộc bầu cử dân chủ.
Ông đã tiến hành cải cách nông nghiệp giúp cho nước này tự túc được gạo. Dưới thời Marcos, nền kinh tế Philippines phát triển mạnh và tương đối bình đẳng. Tuy nhiên, cố Tổng thống Marcos cũng là người hủy hoại các thể chế dân chủ tại Philippines, áp đặt tình trạng thiết quân luật trong 9 năm, đàn áp khốc liệt phe đối lập, và cuối cùng biển thủ khoảng 5-10 tỷ Euro công quỹ.
Cho đến nay, chưa có bất kỳ thành viên nào trong gia tộc Marcos bị kết án, bất chấp hàng trăm đơn khiếu nại. Vợ góa của nhà độc tài, nguyên bộ trưởng dưới thời Marcos cầm quyền, lại vừa được bầu làm hạ nghị sĩ, đúng tại nơi con trai đã được bầu.
Hạ Anh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.