Đồng minh của Nga khẳng định, Moscow không bao giờ gây sức ép về vấn đề Ukraine
Đồng minh của Nga khẳng định, Moscow không bao giờ gây sức ép về vấn đề Ukraine
PV (Theo RT)
Thứ ba, ngày 10/12/2024 10:08 AM (GMT+7)
Nga chưa bao giờ cố gắng gây sức ép buộc Armenia tham gia cuộc xung đột ở Ukraine, Bộ trưởng Ngoại giao Armenia Ararat Mirzoyan cho biết. Cả hai nước đều là thành viên của một hiệp ước quốc phòng được ký kết vào đầu những năm 1990.
Bộ trưởng Ngoại giao Armenia Ararat Mirozyan. Ảnh RT
Trong một cuộc phỏng vấn với hãng truyền thông Lannen Media của Phần Lan được công bố vào ngày 9/12, ông Mirzoyan được hỏi liệu Armenia có thể bị Nga gây sức ép để tham gia vào cuộc xung đột ở Ukraine hay không.
“Thành thật mà nói, chúng tôi chưa bao giờ bị gợi ý, gây sức ép hoặc mong đợi tham gia dưới bất kỳ hình thức nào vào cuộc chiến ở Ukraine. Không có nỗ lực nào cả”, ông Mirzoyan trả lời.
Không giống như nhiều nước phương Tây, Armenia đã từ chối áp đặt lệnh trừng phạt đối với Nga và từ chối cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine.
Bộ trưởng Mirzoyan nhắc lại rằng Yerevan đã đình chỉ sự tham gia của mình vào Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO), nhưng không chính thức rút khỏi hiệp ước. Ông lập luận rằng quốc gia nhỏ bé không giáp biển này"chưa bao giờ nhận được bất kỳ sự ủng hộ thực sự nào"từ các đồng minh của mình khi biên giới được quốc tế công nhận của họ bị"xâm phạm"bởi nước láng giềng Azerbaijan.
Thủ tướng thân EU của Armenia Nikol Pashinyan đã tuyên bố đóng băng sự tham gia vào CSTO vào đầu năm nay. Tuần trước, ông Pashinyan nói với quốc hội rằng những bất đồng hiện tại đang khiến Armenia"ngày càng khó khăn" trong việc duy trì hiệp ước.
Vào tháng 9/2023, Azerbaijan đã chiếm lại hoàn toàn khu vực ly khai Karabakh, buộc dân số người Armenia – hơn 100.000 người – phải chạy trốn sang Armenia.
Armenia và Azerbaijan cũng có tranh chấp biên giới khi Yerevan cáo buộc Baku chiếm đóng trái phép khoảng 30 ngôi làng.
Tháng trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố rằng xung đột Karabakh nằm ngoài phạm vi ủy quyền của CSTO vì Armenia chưa bao giờ chính thức công nhận nền độc lập của Karabakh và"chắc chắn chưa đưa khu vực này vào lãnh thổ có chủ quyền của mình".
"Tôi tin rằng tình hình hiện tại liên quan đến Armenia và CSTO được quyết định bởi chính trị trong nước của họ", ông Putin nói. Ông nhấn mạnh rằng quyết định cuối cùng về tư cách thành viên của Yerevan trong tổ chức này là tùy thuộc vào Yerevan.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.