Đồng Nai: Nhiều vi phạm trong công tác quản lý, sử dụng đất tại Trảng Bom

Gia Linh Thứ bảy, ngày 11/05/2024 13:03 PM (GMT+7)
Cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai đã chỉ ra việc các công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp chưa được kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Bình luận 0

Nhiều sai phạm về đất đai tại Đồng Nai

Liên quan đến tình hình quản lý đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai đã công bố kết luận Thanh tra số 24/KL-STNMT về việc sử dụng đất, xây dựng, hoạt động kinh doanh tại khu đất 6,74ha thuộc ấp Sông Mây, xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom.

Cụ thể, về khu đất 6,74ha có vị trí mặt tiền Tỉnh lộ 767 có địa chỉ số 199, ấp Sông Mây, xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom bao gồm 7 thửa đất (thửa đất số 02, 147, 148, 149 tờ bản đồ số 21 và các thửa đất số 395, 396, 397 tờ bản đồ số 11).

Khu đất này được ông Đoàn H, là chủ sử dụng và đang kinh doanh với tên gọi: Khu du lịch Bát Tiên, sau đó đổi tên thành Khu sinh thái dưỡng sinh Thiên Phước. Quá trình thanh kiểm tra của cơ quan chức năng, kết luận Thanh tra xác định, các công trình xây dựng trên đất nông nghiệp ở khu đất 6,74ha đã thực hiện dần qua nhiều năm nhưng địa phương không kiểm tra, xử lý kịp thời.

Đồng Nai: Nhiều vi phạm trong công tác quản lý, sử dụng đất tại Trảng Bom- Ảnh 1.

Nhiều vi phạm trong công tác quản lý, sử dụng đất tại Đồng Nai. Ảnh: Gia Linh

Tại khu đất 6,74ha có 300m2 đất ở nông thôn thuộc thửa đất số 2 tờ bản đồ số 21, khu đất ở này chủ sử dụng đất đã xây dựng nhà ở, phù hợp mục đích sử dụng đất. Phần diện tích còn lại, mục đích sử dụng đất là đất nông nghiệp, chủ sử dụng đã xây dựng công trình trên đất nông nghiệp khi chưa được cơ quan Nhà nước cho phép là vi phạm Điều 57 Luật Đất đai (diện tích vi phạm là 13.160,3m2).

Bên cạnh đó, các công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp trong thời gian dài nhưng UBND xã Bắc Sơn, UBND huyện Trảng Bom và các cơ quan chuyên môn không kiểm tra, xử lý kịp thời. Chưa thực hiện nghiêm theo chức trách, nhiệm vụ của UBND xã các cấp theo quy định tại điều 208 Luật Đất đai;

 Không thực hiện nghiêm việc xử lý vi phạm hành chính khi phát hiện công trình xây dựng trái phép (Nhà thờ tự) vào năm 2015 dẫn đến công trình xây dựng hoàn thiện và đưa vào sử dụng vi phạm quy định.

Sau khi có Kết luận Thanh tra số 408/KL-UBND ngày 6/9/2019 của Chủ tịch UBND huyện Trảng Bom, UBND xã, UBND huyện không xử lý vi phạm hành chính (theo giải trình của UBND huyện Trảng Bom thì các công trình trên đất đã quá thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính).

Tuy nhiên, UBND xã, các cơ quan chuyên môn không lập biên bản vi phạm hành chính, UBND huyện không ban hành quyết định khắc phục hậu quả là không đúng theo quy định.

Đồng Nai: Nhiều vi phạm trong công tác quản lý, sử dụng đất tại Trảng Bom- Ảnh 3.

Đồng Nai siết quản lý đất đai. Ảnh: Gia Linh

Kết luận thanh tra cũng chỉ rõ "Trách nhiệm thuộc Chủ tịch UBND huyện, Phó Chủ tịch UBND huyện phụ trách lĩnh vực đất đai, Trưởng Phòng Tài nguyên Môi trường, Chủ tịch UBND xã, Phó Chủ tịch UBND xã phụ trách, công chức địa chính xã Bắc Sơn qua nhiều thời kỳ và các cá nhân có liên quan".

Qua đó, cơ quan thanh tra yêu cầu UBND huyện Trảng Bom thực hiện các nội dung, xem xét xử lý vi phạm hành chính đối với công trình xây dựng trên đất không đúng mục đích khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép theo quy định tại Nghị định số 91/NĐ-CP ngày 19/11/2019. Trường hợp quá thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính thì ban hành quyết định khắc phục hậu quả theo quy định.

Cùng đó, cơ quan Thanh tra kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai giao Chủ tịch UBND huyện Trảng Bom xác định trách nhiệm các tổ chức, cá nhân qua các thời kỳ, tổ chức kiểm điểm, xử lý kỷ luật phù hợp, kết quả báo cáo về Sở Nội vụ trong tháng 5/2024. 

Trên cơ sở kết quả xử lý trách nhiệm do UBND huyện Trảng Bom báo cáo, giao Sở Nội vụ theo dõi, giám sát, đánh giá việc xử lý trách nhiệm này theo quy định pháp luật; tham mưu, báo cáo UBND tỉnh trong tháng 6/2024…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem