Đợt không khí lạnh hiếm gặp đang di chuyển tới vùng núi phía Bắc nước ta, có thể gây mưa diện rộng
Đợt không khí lạnh hiếm gặp đang di chuyển tới vùng núi phía Bắc nước ta, có thể gây mưa diện rộng
L.V.S
Thứ sáu, ngày 13/05/2022 16:14 PM (GMT+7)
Hiện nay (13/5), ở phía Bắc có một bộ phận không khí lạnh đang di chuyển xuống phía Nam. Dự báo, khoảng ngày 15/5, không khí lạnh ảnh hưởng đến khu vực vùng núi Bắc Bộ; từ chiều và đêm 15/5 ảnh hưởng đến các nơi khác ở Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng đến Bắc Trung Bộ và một số nơi ở Trung Trung Bộ.
Cụ thể, cách đây ít phút Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia vừa phát thông báo mới nhất về đợt không khí lạnh hiếm gặp hơn 40 năm mới xảy ra hiện đang ở di chuyển xuống phía Nam tức khu vực vùng núi phía Bắc nước ta.
Hiện nay (13/5), ở phía Bắc có một bộ phận không khí lạnh đang di chuyển xuống phía Nam. Đêm mai (14/5) đến hết ngày 15/5, ở khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, khu vực đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa rào và dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to. Từ chiều 15/5 đến ngày 16/5, khu vực Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Từ ngày 15/5, ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời chuyển mát, vùng núi có nơi chuyển lạnh với nhiệt độ thấp nhất phổ biến từ 20-22 độ, vùng núi có nơi từ 17-19 độ.
Từ chiều ngày 15/5, trên đất liền gió chuyển hướng Đông Bắc cấp 3, vùng ven biển cấp 3-4. Từ chiều tối ngày 15/5, ở vịnh Bắc Bộ gió chuyển hướng Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7-8, biển động, sóng biển cao từ 2,0-3,0m. Từ ngày 16/5, khu vực Bắc Biển Đông và vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi gió chuyển hướng Đông Bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8, biển động; sóng biển cao từ 2,0-4,0m.
Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do gió mạnh trên biển: cấp 2. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn, lốc, sét, mưa đá: cấp 1.
Khu vực Hà Nội: Đêm mai (14/5) đến hết ngày 15/5 có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to. Từ đêm 15/5 trời chuyển mát với nhiệt độ thấp nhất phổ biến 20-22 độ. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Chia sẻ về đợt không khí lạnh hiếm gặp giữa tháng 5 này, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Khí hậu, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, đợt không khí lạnh giữa tháng 5 ở miền Bắc tuy không làm nhiệt độ giảm sâu nhưng có thể gây mưa lớn trên diện rộng, gió giật mạnh trên biển.
Đặc biệt, ông Hưởng cũng nhận định: Đối với đợt không khí lạnh này, việc giảm nhiệt không đáng ngại, tuy nhiên chúng tôi cảnh báo trên đất liền sẽ gây ra mưa trên diện rộng ở Bắc Bộ sau đó lan rộng đến miền Trung, nhất là trong ngày 15, 16/5, có khả năng gây ra lũ quét sạt lở đất, dông lốc sét, mưa đá. Trên biển sẽ có gió cấp 6, giật cấp 7, 8 ở khu vực biển miền Trung.
Trước tình hình thời tiết có những diễn biến phức tạp đặc biệt là đợt không khí lạnh giữa tháng 5 cực hiếm gặp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký công điện về việc chủ động ứng phó với mưa lũ tại khu vực Bắc Bộ.
Công điện có nêu rõ:
Vừa qua tại một số tỉnh miền núi phía Bắc đã liên tục có mưa lớn cục bộ, gây ngập lụt, sạt lở, thiệt hại về người, nhà cửa, tài sản của Nhân dân và Nhà nước, ảnh hưởng đến sản xuất của người dân, nhất là tại các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Kạn. Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc nhất đến thân nhân các gia đình có người bị nạn.
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, từ ngày 12 đến ngày 16 tháng 5 năm 2022, tại các tỉnh Bắc Bộ có khả năng tiếp tục xảy ra mưa lớn cục bộ, trên các sông suối Bắc Bộ sẽ xuất hiện một đợt lũ; nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh miền núi phía Bắc, ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, khu đô thị. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh tập trung chỉ đạo, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, hạn chế thiệt hại do thiên tai, trong đó tập trung một số nhiệm vụ chủ yếu sau:
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh:
- Tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ; chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó kịp thời, hiệu quả, chủ động sơ tán dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.
- Tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại, nhất là những hộ nghèo, khó khăn, gia đình có người bị nạn; huy động lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục nhanh hậu quả, khôi phục sản xuất nông nghiệp sau lũ.
| 2. Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, dự báo, thông tin kịp thời cho cơ quan chức năng và người dân biết để chủ động triển khai công tác ứng phó.
3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương theo chức năng quản lý nhà nước được giao phối hợp địa phương chỉ đạo kiểm tra, điều tiết các hồ thủy lợi, thủy điện bảo đảm vận hành khoa học, hiệu quả, an toàn cho công trình, góp phần cắt giảm lũ cho hạ du, trong đó lưu ý phải thông báo sớm cho người dân trước khi vận hành xả lũ; chỉ đạo bảo vệ sản xuất nông, công nghiệp.
4. Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo, hướng dẫn công tác bảo đảm an toàn giao thông tại các địa phương bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, kịp thời khắc phục nhanh sự cố, bảo đảm giao thông thông suốt, nhất là trên các trục giao thông chính.
5. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn chủ động bố trí lực lượng, phương tiện hỗ trợ sơ tán, di dời dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai khi có yêu cầu của địa phương.
. 6. Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo dõi chặt chẽ tình hình, chủ động chỉ đạo, đôn đốc các địa phương triển khai công tác ứng phó theo thẩm quyền, kịp thời báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo những vấn đề vượt thẩm quyền./.
Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Khí hậu, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia nhận định về không khí lạnh giữa tháng 5. Nguồn: nchmf.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.