Đốt than sưởi ấm: Hiểm họa về những cái chết "êm dịu"
Đốt than sưởi ấm: Hiểm họa về những cái chết "êm dịu"
Diệu Linh
Thứ ba, ngày 03/01/2023 06:06 AM (GMT+7)
Trong những ngày trời rét vừa qua liên tục xảy ra các vụ ngộ độc khí CO do đốt than sưởi ấm khiến nhiều người nhập viện cấp cứu và có không ít trường hợp tử vong.
Ngày 2/1/2023, thông tin từ UBND xã Hoằng Xuân, huyện Hoằng Hoá (Thanh Hoá) xác nhận vụ việc hai vợ chồng tử vong nghi do đốt than sưởi ấm ngay ngày đầu tiên của năm mới. Cụ thể, sáng ngày 1/1/2023, người thân đến nhà ông H.V.Q (56 tuổi, ở thôn Hữu Khánh, xã Hoằng Xuân, huyện Hoằng Hoá) gọi mãi nhưng không thấy ai trả lời.
Nghi có chuyện xấu đã xảy ra, người thân và người dân sinh sống gần nhà ông H.V.Q tìm cách mở cửa vào bên trong thì phát hiện ông H.V.Q cùng vợ là bà L.T.N (52 tuổi) đã tử vong trong phòng ngủ, bên cạnh giường có một chậu than củi đã tàn.
Tin từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh cũng cho biết, ngày 22/12/2022, bệnh viện vừa tiếp nhận 3 người trong một gia đình nhập viện vì ngộ độc khí CO do đốt than sưởi ấm trong nhà.
Hai vợ chồng và 1 bé trai gần 1 tháng tuổi (trú xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) được đưa vào viện cấp cứu trong tình trạng mệt, khó thở, có biểu hiện ngộ độc khí CO. Sau khi được cấp cứu, thở oxy, hai vợ chồng đã ổn định còn con nhỏ diễn biến nặng phải chuyển lên Bệnh viện Nhi Nhi Trung ương để điều trị tiếp.
Đốt than sưởi ấm gây ngộ độc khí CO là việc "đến hẹn lại lên" vào mùa lạnh. Cho dù đã được cảnh báo rất nhiều nhưng người dân vẫn đốt than, đóng cửa kín để sưởi ấm và dẫn đến những vụ tử vong rất đáng tiếc, có nhiều vụ có nhiều người trong gia đình cùng tử vong vì ngộ độc khí CO.
Nguy hiểm đốt than sưởi ấm trong nhà kín
Bác sĩ Nguyễn Bá Trọng (Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh) cho biết: "Việc sử dụng thiết bị đốt cháy nhiên liệu trong phòng kín như: máy phát điện, bếp than, lò than… sẽ tiêu thụ oxy rất nhanh, đồng thời sinh ra khí CO2 và CO.
Khí CO2 gây ngạt thở còn CO gây ngộ độc, cả 2 khí tạo thành một hỗn hợp nguy hiểm. Trong thời gian rất ngắn, người ở trong phòng kín sẽ cảm thấy ngột ngạt, mệt mỏi và rơi vào hôn mê, nguy hiểm.
Nạn nhân bị ngộ độc khí CO có các dấu hiệu như nhức đầu, chóng mặt, yếu cơ, buồn nôn, ói mửa, đau ngực, mất ý thức. Với những người đang ngủ hoặc say rượu, nạn nhân có thể tử vong mà không có biểu hiện nào"
Cũng theo bác sỹ Trọng, khi nghi ngờ nạn nhân có tiếp xúc với khí CO như lò sưởi, bếp than, người nhà cần làm thông thoáng không khí trước khi đi vào vùng nhiễm độc. Mang mặt nạ phòng độc hoặc khẩu trang ẩm, nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi nơi nguy hiểm, đề phòng khả năng nổ của không khí giàu khí CO.
Oxy được xem là “thuốc giải độc” cho các trường hợp ngộ độc khí CO, khi sơ cứu, người nhà nếu được thì cho nạn nhân thở mặt nạ oxy ngay. Nếu nạn nhân bị ngưng hô hấp tuần hoàn, cần phải cấp cứu ngừng tuần hoàn và nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất.
Tại Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cũng tiếp nhận không ít ca ngộ độc khí CO do đốt than sưởi ấm vào mùa lạnh.
TS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) nhấn mạnh, người dân tuyệt đối không đốt củi để sưởi ấm hoặc nấu nướng trong không gian kín, kể cả dùng khí gas bởi khi đốt, ôxy sẽ tiêu hao dần, trong khi CO độc hại sẽ ngày càng tăng.
Phản ứng đốt cháy trong điều kiện thiếu ôxy sẽ hình thành CO ngày càng nhiều. Hai tác động đồng thời này là nguy cơ khiến những người trong phòng kín nhanh chóng rơi vào cái chết “êm dịu”.
"CO không màu, không mùi nên rất khó phát hiện nên người dân hầu như bị ngộ độc mới nhận ra mình đang bị mệt lả đi, còn nếu đã ngủ say thì sẽ không thể có phản ứng.
Khi hít phải CO sẽ nhanh chóng ngấm vào máu và “cướp” mất ôxy trong máu làm nạn nhân đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, thấy yếu, buồn nôn, đau ngực và lẫn lộn. Hít phải lượng lớn khí CO có thể bất tỉnh và tử vong rất nhanh, đặc biệt ở phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ, người già mắc bệnh tim, phổi mãn tính", TS Nguyên cho biết.
Theo TS Nguyên, đối với người ngộ độc CO được cứu sống cũng để lại nhiều di chứng như giảm trí nhớ, giảm tập trung, cơ mặt liệt, vận động bất thường, đi đứng khó khăn, tay chân cứng và run, liệt nửa người…
"Chỉ dùng bếp than, bếp củi để sưởi ấm trong điều kiện ngoài trời hoặc phòng thoáng khí, có mở cửa hoặc ô thoáng để thông khí. Tuyệt đối không sưởi ấm bằng bếp than trong phòng kín”, TS Nguyên khuyến cáo.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.