Trần Oánh
Thứ năm, ngày 26/12/2024 10:10 AM (GMT+7)
Không phải bằng những chiến thắng 5, 7 sao trước các đội bóng trong khu vực, mà chỉ khi nào đội bóng khắc phục được các điểm yếu cố hữu của mình, ĐT Việt Nam mới thực sự bước lên một đẳng cấp mới.
Thông thường, sau 1 trận thắng đậm đà, với tỷ số cách biệt của ĐT Việt Nam, kiểu như trận thắng mà nhiều người hay gọi theo cách nói văn vẻ "Chiến thắng 5 sao" trước ĐT Myanmar, NHM bóng đá nói chung sẽ cảm thấy thỏa mãn với màn thể hiện của đội bóng, và đương nhiên, cũng sẽ ít ai nhắc đến những điểm yếu, những điểm cần khắc phục, giống như khi đội bóng bị thua. Nhưng chắc chắn HLV Kim Sang-sik sẽ có một bảng liệt kê một loạt các điểm chưa đạt yêu cầu của đội trong trận thắng tưng bừng vừa qua. Bởi vì hơn ai hết, ông là người hiểu rõ từng cầu thủ, là người hình dung các cầu thủ nên làm gì, phải làm gì và có thể làm gì trong từng tình huống bóng diễn ra trong trận đấu.
Với tư cách người xem, chúng ta sẽ thử liệt kê những điểm chưa đạt, những điểm cần cải thiện của ĐT Việt Nam trong trận thắng này, để đội bóng có thể trở thành 1 đội bóng mạnh hơn.
Điểm yếu đầu tiên đó là khả năng tận dụng cơ hội. Hẳn người xem đã cảm thấy rất sốt ruột khi chứng kiến các cơ hội ghi bàn hiện ra trước mũi giày của các cầu thủ Việt Nam, sau đó trôi đi rất vô duyên như kiểu các cơ hội của Bùi Vĩ Hào hay Nguyễn Văn Vĩ. Ngay trước cầu môn rộng mở, không bị hậu vệ đối phương can thiệp, tác động, mà cả 2 cầu thủ này có cú đệm lòng không chính xác, bỏ lỡ cơ hội mười mươi cho đội bóng. Nếu liên hệ với các trận đấu trong quá khứ của ĐT Việt Nam, chúng ta sẽ thấy các tình huống bỏ lỡ như vừa nói ở trên là khởi đầu cho một kịch bản quen thuộc, đó là đội bóng sẽ có một trận đấu hòa hoặc thua sau khi bỏ lỡ vài cơ hội ghi bàn. Hy vọng với sự xuất hiện của Nguyễn Xuân Son, điểm yếu cố hữu này của ĐT Việt Nam sẽ được cải thiện.
Điểm yếu tiếp theo đó là sự chắc chắn của hàng phòng ngự, thể hiện ở khả năng kiểm soát, không để xảy ra sai lầm cá nhân nghiêm trọng ở khu vực phòng thủ, khu vực mà mỗi sai lầm cá nhân đều có thể dẫn đến 1 bàn thua. Đây là 1 điểm yếu tồn tại dai dẳng, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả thi đấu của ĐT Việt Nam trong thời gian qua.
Sau 1 trận đấu mà hàng phòng ngự ĐT Việt Nam không để xảy ra sai lầm cá nhân nào đáng kể ở khu vực trước cầu môn đội nhà với ĐT Indonesia, thì trong trận này, trong 1 pha phối hợp kiểm soát bóng trước vạch 16m50, Nguyễn Hoàng Đức lại có 1 pha chuyền bóng nửa vời, dẫn đến tiền đạo đội bạn đã cướp được bóng trước mặt trung vệ ĐT Việt Nam, đẩy cầu môn của ĐT Việt Nam vào tình huống báo động. Rất may là các cầu thủ phòng ngự ĐT Việt Nam đã hóa giải được tình huống đó.
Điều đáng nói là tình huống mất bóng kiểu này của Hoàng Đức đã diễn ra vài lần trước đây, và đã có hậu quả bằng bàn thua của ĐT Việt Nam. Qua quan sát, ta nhận thấy các tình huống dẫn đến mất bóng của tiền vệ này thường diễn ra khi thể lực của anh suy giảm, cảm giác bóng không còn tốt. Có lẽ cải thiện thể lực sẽ là yêu cầu quan trọng nhất trong giai đoạn này đối với cầu thủ có khả năng sáng tạo vào loại bậc nhất Việt Nam như Hoàng Đức. Bằng không thì anh khó có thể được HLV KimSang-sik sử dụng cho cả 90 phút của trận đấu.
Có một điểm nữa khó nhận ra hơn, và không bị đặt thành vấn đề đối với 1 đội bóng yếu. Nó chỉ bị coi là điểm yếu đối với một đội bóng được coi là mạnh thôi, đó là khả năng pressing tầm cao hiệu quả, mà bản chất, nó là khả năng tổ chức tấn công khi đội bóng không kiểm soát bóng. Quan sát ĐT Việt Nam thi đấu, rất nhiều lần chúng ta thấy Tiến Linh, Văn Toàn hay trong trận đấu với Myanmar vừa rồi là Nguyễn Xuân Son, mở tốc độ ập vào hậu vệ đối phương khi họ vừa cướp được bóng hay cầm bóng chuẩn bị triển khai tấn công. Bản chất động thái này của cầu thủ đó tương đương với việc kích hoạt toàn hệ thống tiến hành pressing.
Với 1 đội bóng mạnh, cả hệ thống sẽ thực hiện pressing đối phương bằng cách đồng bộ dâng lên phong tỏa mọi hướng chuyền bóng của cầu thủ cầm bóng đối phương. Kết quả sẽ là hoặc cướp được bóng, hoặc ép đối phương phải phất dài vu vơ lên phía trên. Nhưng trong các trận đấu vừa qua ở giải này, rất ít lần ĐT Việt Nam thực hiện pressing tầm cao có kết quả. Mà nguyên nhân dễ thấy nhất đó là quá trình pressing thường được thực hiện thiếu đồng bộ, và nó thường được kết thúc bằng thái độ thất vọng của cầu thủ tiền đạo khởi xướng pressing.
Các điểm yếu nêu trên không mới, nó tồn tại dai dẳng ở ĐT Việt Nam. Không phải bằng những chiến thắng 5, 7 sao trước các đội bóng yếu trong khu vực, mà chỉ khi nào đội bóng khắc phục được các điểm yếu cố hữu nêu trên, ĐT Việt Nam mới thực sự bước lên 1 đẳng cấp mới.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.