Phạm Trần Oánh
Thứ năm, ngày 25/01/2024 14:10 PM (GMT+7)
"Lăn xả" không giúp các cầu thủ dám phối hợp, cầm chắc bóng ở khu vực gần cầu môn đội nhà, chờ nhịp thuận lợi để tổ chức tấn công. Chỉ "không sợ hãi" mới làm được điều đó và các cầu thủ ĐT Việt Nam dưới tay HLV Troussier thể hiện họ đã thi đấu mạnh mẽ trước những đội bóng được cho là mạnh hơn.
Đúng như chúng tôi đã nhận định, có phần giống với cách thi đấu của các cầu thủ Indonesia, khi các cầu thủ Iraq có bóng, các cầu thủ Việt Nam thi đấu áp sát, triển khai pressing sâu trên phần sân của ĐT Iraq, không cho đối thủ có nhiều khoảng trống, thời gian để phối hợp một cách thoải mái để tổ chức tấn công. Ở chiều ngược lại, các cầu thủ Việt Nam khi cầm bóng thật sự tự tin. Họ chuyền ban, phối hợp nhỏ thoát pressing rất tốt.
ĐT Iraq có vẻ bị bất ngờ với sức ép, khả năng kiểm soát của đối thủ. Các cầu thủ Việt Nam thi đấu lấn lướt hơn, cầm bóng phối hợp rất nhuyễn. Trong 1 pha đá phạt, trung vệ Bùi Hoàng Việt Anh đã ghi bàn thắng cho ĐT Việt Nam.
Có khá nhiều thứ để nói về bàn thắng này của Bùi Hoàng Việt Anh. Đầu tiên, bàn thắng này làm chúng ta nhớ đến Gong Oh-kyun, cựu HLV của CLB CAHN. Chính HLV này đã có những miếng chiến thuật rất sáng tạo, sử dụng linh hoạt các trung vệ của mình, đặc biệt là các pha tham gia tấn công của họ. Và trung vệ Bùi Hoàng Việt Anh đã có 3 bàn thắng khi thực hiện các miếng chiến thuật tấn công của ông Gong Oh-kyun khi ở CLB CAHN.
Tiếp theo, cùng với 2 bàn thắng vào lưới Nhật Bản, chúng ta thấy tính chính xác, khoa học và hiệu quả của các pha dàn xếp đá phạt trực tiếp của ĐT Việt Nam trong tay ông Troussier. Mà chúng ta đều hiểu, dàn xếp đá phạt trong trận đấu là biểu hiện dễ thấy nhất của khả năng áp dụng chiến thuật của 1 đội bóng.
Vào hiệp 2, gần như đội hình trên sân của các cầu thủ Iraq là đội 1, cùng việc thi đấu thiếu người, nhưng các cầu thủ Việt Nam vẫn thi đấu khá chắc chắn. HLV Troussier đã có những điều chỉnh để phù hợp với tình thế.
Những điều chỉnh này đều dễ hình dung về tính hợp lý. Ví dụ như Văn Toàn được vào thay Đình Bắc ngay từ đầu hiệp 2. Điều này dễ hiểu, vì Văn Toàn chơi phòng ngự phản công tốt hơn cầu thủ trẻ Đình Bắc. Khi có Văn Toàn ở trên, Quang Hải vào sân với khả năng chuyền bóng đột biến, làm bóng cho Văn Toàn trong những pha phản công là dễ hiểu. Rồi Thanh Bình với chiều cao 1m83 vào thay Tuấn Tài, Đỗ Duy Mạnh vào sân để tăng cường khả năng chống bóng bổng cho hàng phòng ngự cũng rất hợp lý.
Nhưng điều đáng nói nhất lại là mặc dù trong tình thế như vậy, các học trò của ông Troussier vẫn có thể tiếp tục chuyền ban, kiểm soát bóng. Hiệp 2 là điển hình của lối đá kiểm soát trong hình thái phòng ngự. Mặc dù là thi đấu phòng ngự phản công, nhưng khác trước đây, các cầu thủ bây giờ vẫn bình tĩnh phối hợp giữ bóng.
Cùng trọng tài, sân Jassim Bin Hamad như là sân của đội Iraq vậy. Chúng ta có thể nghe tiếng cổ động lấn át của của cổ động viên Iraq. Không bàn đến tính đúng đắn trong các quyết định của trọng tài, nhưng cho dù trọng tài người Malaysia đưa ra những quyết định bất lợi cho ĐT Việt Nam, góp phần làm hạ thấp kết quả thi đấu của ĐT Việt Nam, nhưng không vì thế mà có thể hạ thấp mức độ đánh giá của những người có chuyên môn bóng đá về màn trình diễn rất tốt của các học trò ông Troussier trong trận này.
Đương nhiên là để phù hợp với chiến lược lâu dài, các cầu thủ của ĐT Việt Nam phải ưu tiên những cầu thủ trẻ. Mà đã là các cầu thủ trẻ, họ luôn thiếu kinh nghiệm. Chính sự thiếu kinh nghiệm của các cầu thủ trẻ đã dẫn đến những bàn thua đáng tiếc của đội tuyển.
Nhưng cũng chính vì họ thiếu kinh nghiệm, cho nên vẫn phải ưu tiên họ thi đấu cho ĐT Việt Nam, vì đơn giản điều đó giúp họ tích lũy kinh nghiệm, càng sớm càng tốt. Chứ không phải chờ họ mỏi mòn trên ghế dự bị của CLB, và chỉ có kinh nghiệm khi đã qua lứa được gọi là trẻ, như 1 số cầu thủ trụ cột của các CLB thi đấu ở V. League bây giờ. Họ thi đấu tốt, nhiều kinh nghiệm, nhưng lại quá già để là đối tượng của chiến lược dài hạn.
Trận đấu này còn thể hiện tinh thần thi đấu rất tốt của các cầu thủ. Còn hơn cả thi đấu "lăn xả", là thứ thi đấu phải dùng mọi thứ để bù đắp cho sự thiếu hụt kỹ thuật, các học trò của HLV Troussier đã thi đấu một cách "không sợ hãi". Phải là người đã từng đá bóng, mới hiểu được việc cầm bóng phối hợp ở khu vực gần cầu môn đội nhà khó không kém, nếu không nói là khó hơn nhiều khi phối hợp gần khu cầu môn đối phương.
"Lăn xả" không giúp các cầu thủ dám phối hợp, cầm chắc bóng ở khu vực gần cầu môn đội nhà, chỉ "không sợ hãi" mới làm được điều đó. Chúng ta đừng khen ngợi các cầu thủ thi đấu "lăn xả" nữa, vì bên cạnh tính tích cực của trạng thái này, là sự tiêu cực. Ta sẽ phải lăn xả đề bù đắp những thiếu hụt về mặt kỹ thuật, chiến thuật, và cả thể lực nữa. Các cầu thủ của chúng ta bây giờ xứng đáng và nên được khen là đã thi đấu một cách "không sợ hãi".
Có thể trong chúng ta có những người đến lúc này vẫn không tin vào HLV Troussier, vào cách ông dẫn dắt ĐT, nhưng điều đó không quan trọng. Quan trọng là các cầu thủ của ĐT, những người cần phải tin vào ông nhất thì đang rất tin vào khả năng dẫn dắt của ông. Bằng chứng là trả lời trước camera sau trận đấu, trung vệ Bùi Hoàng Việt Anh đã rơm rớm nước mắt, khẳng định: ĐT Việt Nam trong những trận đấu tiếp theo, chắc chắn, chắc chắn, chắc chắn (3 lần anh nói từ chắc chắn) sẽ thi đấu tốt hơn.
Và chúng ta hiểu rằng, có 1 quy luật, đó là để có nụ cười, đôi khi chúng ta phải trải qua nước mắt.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.