Nhiều bất cập
“Mục tiêu của công tác quy hoạch, là phát triển sản phẩm theo vùng; phải tìm ra vùng, khu vực du lịch có sản phẩm khác biệt. Trong khi hiện nay, quy hoạch chưa đạt được mục tiêu. Trước hết là tài nguyên du lịch-yếu tố hình thành nên sản phẩm du lịch-tương đối giống nhau”, TS Dương Đình Hiền, Trưởng phòng Quy hoạch, Viện Nghiên cứu và Phát triển du lịch nói.
Khách du lịch dạo quanh bán đảo Sơn Trà bằng xe đạp. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Vùng duyên hải Nam Trung bộ, nơi nào cũng có biển, có văn hóa Chăm, khi lập quy hoạch rất khó để tìm sản phẩm đặc thù cho từng nơi. “Mỗi tỉnh phải xác định có sản phẩm mũi nhọn, sản phẩm phụ. Thực tế các địa phương đều muốn có nhiều sản phẩm. Bắc Trung bộ phải khác duyên hải Nam Trung bộ, nhưng họ vẫn cứ phát triển biển, mà biển thì giống nhau. Thiếu sự điều chỉnh của cơ quan quản lý cấp trên nên xảy ra tình trạng phát triển tràn lan, giống nhau, hiệu quả không như ý”, ông Hiền nói thêm.
PGS.TS Phạm Trung Lương, Viện phó Viện Nghiên cứu và Phát triển du lịch nói đến bất cập khác trong quy hoạch du lịch: Sự phối hợp của ngành du lịch với các ngành có liên quan, với địa phương lỏng lẻo. Chỉ làm du lịch theo suy nghĩ của người tư vấn, thiếu thông tin, ý kiến của các bên liên quan trong quá trình hình thành quy hoạch, ý kiến chồng chéo không rõ ràng. Những người làm quy hoạch du lịch thiếu thông tin đặc biệt là thông tin về thị trường quốc tế. Ít nhà chuyên môn tham gia hội đồng thẩm định quy hoạch, vì vậy kết quả bị méo mó.
Nhiều chuyên gia nói, du lịch được cho là một trong những ngành có quy hoạch sớm, từ năm 1996 và khá bài bản. Một phần do khó khăn nguồn lực và khi thực hiện không đầy đủ, hoặc do cách nhìn thay đổi nên hiệu quả chưa được như mong muốn. Trước đây theo Thông tư 59, chi phí lập quy hoạch du lịch được đầu tư lớn, hiện áp dụng theo Thông tư 01 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, coi du lịch là phân ngành nhỏ nên chi phí ít đi.
Bài học từ Sơn Trà
Ông Martin L.Fontanari, chuyên gia dự án EU nói Việt Nam giàu tiềm năng du lịch, quản lý tiềm năng tương đối tốt, nhưng thiếu sót là chưa phân tích theo hướng thị trường xem khách cần gì. “Các nhà quản lý mới chỉ quan tâm đến cái họ có, chưa quan tâm đến bên ngoài. Thiếu sót ở đây là một chiến lược chung hoặc sợi chỉ đỏ xuyên suốt cho các bên liên quan”, ông Martin L.Fontanari nói thêm.
Theo chuyên gia này, thị trường mục tiêu Việt Nam đã có châu Âu, Úc, châu Á, châu Mỹ, nhưng phải nghiên cứu để xác định rõ thị trường mục tiêu nào cần hướng đến, tập trung vào sản phẩm mục tiêu đó. Gợi ý của chuyên gia này đưa ra là hãy gặp các nhà điều hành tour ở các quốc gia mà Việt Nam muốn hướng đến, tư vấn và cung cấp sản phẩm phù hợp.
Các chuyên gia EU thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển du lịch bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng), dù trước đó có vài quy hoạch do Việt Nam thực hiện. “Sơn Trà có thể trở thành điển hình tốt, bởi có nhiều cơ quan nghiên cứu hướng phát triển cho nơi này, thậm chí có cả công ty của Mỹ có quy hoạch tổng thể ban đầu cho Sơn Trà. Điều chúng tôi mong muốn là biến ý tưởng ban đầu để Sơn Trà thành điểm đến mang tính quốc tế hấp dẫn, hướng đến dự án tích hợp thông minh, tạo ra gói sản phẩm mang tính quốc tế, đáp ứng nhiều yêu cầu”, vị này nói thêm.
Quy hoạch này chỉ ra các yếu tố chiếm ưu thế nhất trong môi trường xung quanh: biển, khí hậu, lịch sử, tâm linh, vịnh, cảng gắn với thành phố Đà Nẵng. Kết quả điều tra khách năm 2014 cho thấy, khách du lịch quốc tế đến từ nhiều quốc gia nhưng khách Anh, Úc phổ biến nhất. Các chuyên gia cũng đề xuất một số ý tưởng về dự án tích hợp như công viên vui chơi giải trí của người dân địa phương, giải trí dưới nước, kết nối, trải nghiệm cảnh quan dưới nhiều phương tiện khác nhau.
Một trong những giải pháp mà PGS.TS Phạm Trung Lương nhắc đến để quy hoạch du lịch Việt Nam trong thời gian tới thực sự hiệu quả, bền vững-thay đổi tư duy ngắn hạn, nhiệm kỳ. “Nếu các nhà quản lý thiếu sự tin tưởng với nhà chuyên môn, bất cập trong quy hoạch du lịch vẫn tiếp diễn”, ông nói
(Theo Tiền Phong)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.