Dự luật an ninh và cú sốc tín nhiệm trên chính trường Nhật

Đức Hoàng Thứ hai, ngày 20/07/2015 08:03 AM (GMT+7)
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Nội các đang đối mặt với tỷ lệ ủng hộ thấp chưa từng có khi dự luật an ninh gây tranh cãi vừa được Quốc hội nước này chấp thuận.
Bình luận 0

Tỷ lệ ủng hộ thấp kỷ lục

Theo kết quả do Báo Mainichi Shimbun của Nhật Bản công bố ngày 19.7, tỷ lệ ủng hộ Nội các Nhật Bản giảm xuống còn 35% - mức thấp nhất kể từ khi ông Abe lên nắm quyền hồi cuối năm 2012 và giảm 7 điểm so với 2 tuần trước. Trong khi đó, tỷ lệ phản đối Chính phủ tăng 8 điểm, lên mức 51%.

img

Người dân Nhật Bản biểu tình phản đối dự luật an ninh mới ngày 18.7.  Ảnh: pressTV

Hãng thông tấn Kyodo một ngày trước đó cũng đưa tin, sau khi dự luật an ninh được Hạ viện nước này thông qua, tỷ lệ ủng hộ Nội các của Thủ tướng Shinzo Abe đã giảm 9,7 điểm % xuống còn 37,7%, mức thấp nhất kể từ khi ông trở lại nắm chính quyền vào tháng 12.2012.

Theo kết quả một cuộc thăm dò qua điện thoại do Kyodo thực hiện, tỷ lệ phản đối Nội các tăng từ 43% trong tháng 6 lên 51,6%. Có tới 73,3% số người tham gia thăm dò cho biết họ không đồng tình với cách thức thông qua dự luật an ninh trên, trong khi chỉ có 21,4% bày tỏ ủng hộ.

Chỉ 13,1% số người được hỏi ghi nhận Chính phủ đã giải trình đầy đủ về dự luật an ninh, so với 82,9% người nói rằng sự giải trình này chưa hợp lý. Ngoài ra, hơn một nửa số người tham gia thăm dò (56,6%) cho rằng dự luật an ninh đã vi phạm Hiến pháp từ bỏ chiến tranh và 68,2% phản đối ban hành dự luật này trong kỳ họp Quốc hội hiện đang diễn ra, dự kiến kéo dài đến cuối tháng 9 tới.

Bên cạnh đó, kết quả thăm dò cho thấy tỷ lệ ủng hộ Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền đạt 31,9%, giảm 5,1 điểm so với cuộc thăm dò trước; trong khi tỷ lệ ủng hộ đảng đối lập chính Dân chủ Nhật Bản (DPJ) là 11,2%, tăng 1,1%.

Trước đó, ngày 16.7, Hạ viện Nhật Bản đã thông qua các dự luật an ninh gây tranh cãi bất chấp sự phản đối gay gắt của công chúng. Những dự luật này sẽ mở rộng vai trò của quân đội và nhờ chúng mà binh sĩ Nhật Bản sẽ có thể lần đầu tiên tham chiến ở nước ngoài kể từ Chiến tranh Thế giới thứ 2.

Ngăn chặn chiến tranh

 Liên minh cầm quyền Nhật Bản hy vọng sau khi đưa lên Thượng viện, dự luật sẽ được cơ quan này thông qua và chính thức có hiệu lực từ ngày 27.9, thời điểm kết thúc kỳ họp Quốc hội được kéo dài.  

Nếu được Quốc hội thông qua, dự luật an ninh sẽ chính thức hiện thực hoá quyết định lịch sử của Nội các Nhật Bản hồi tháng 7.2014, theo đó Tokyo diễn giải lại Hiến pháp cho phép Nhật Bản thực thi quyền phòng vệ tập thể hoặc trợ giúp Mỹ và các nước hữu hảo khác bị tấn công vũ trang, cho dù bản thân Nhật Bản không bị tấn công. Đây là thay đổi lớn đối với chính sách an ninh của Nhật Bản sau Chiến tranh Thế giới 2 chỉ hướng tới phòng vệ.

Tuy nhiên, cho dù Thượng viện không thể bỏ phiếu trong 60 ngày, thì liên minh của Thủ tướng Abe ở Hạ viện vẫn có thể kích hoạt các đạo luật này. Trước những chỉ trích gay gắt từ dư luận, Thủ tướng Abe khẳng định rằng: “Tình hình an ninh xung quanh Nhật Bản ngày càng khắc nghiệt. Các dự luật là cần thiết nhằm bảo vệ mạng sống người dân Nhật Bản cũng như ngăn chặn chiến tranh”. Trước đó, Thủ tướng Abe cũng nhiều lần nhấn mạnh rằng, Nhật Bản không khơi nguồn chiến tranh, nhưng phải có biện pháp để đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Giới chuyên gia cũng cho rằng, với việc cho ra đời đự luật an ninh mới này, Nhật Bản đã thể hiện rõ hơn sự tham gia và vai trò chủ chốt của mình đối với vấn đề an ninh khu vực.

Các chính trị gia đối lập cho rằng động thái này có thể đẩy Nhật vào cuộc chiến của các đồng minh và đe dọa mạng sống các binh lính và công dân Nhật. Họ cũng nhắc lại sự việc các nhà báo nước này bị chặt đầu vì Tokyo cam kết giúp đỡ khối liên minh chống phiến quân Nhà nước Hồi giáo.  

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem