Dự thảo nghị định quản lý sản xuất, kinh doanh rượu bia: Đừng ra quy định theo kiểu “tiếu lâm”

Mai Hương (thực hiện) Thứ hai, ngày 08/09/2014 07:15 AM (GMT+7)
“Việc quản lý bia rượu là cần thiết nhưng mục tiêu là phải quản lý được chứ ra một văn bản mà đặt ra các quy định như trong chuyện “tiếu lâm” thì sẽ phản tác dụng…”- Tiến sĩ Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch Hiệp hội Rượu bia - Nước giải khát Việt Nam trả lời PV NTNN về dự thảo Nghị định quản lý, sản xuất kinh doanh rượu bia.
Bình luận 0

Thưa ông, dư luận đang phản đối về việc cấm kinh doanh rượu bia vỉa hè và nhiều thứ khác tại dự thảo nghị định quản lý sản xuất kinh doanh rượu bia của Bộ Công Thương. Ông nghĩ sao?

- Cá nhân tôi cũng thấy không hiểu sao Bộ Công Thương lại soạn thảo ra một văn bản mà có nhiều điểm là lạ như vậy, dường như nó không phải là quan điểm của chính Bộ này. Theo dự thảo này, nhiều hành vi như kinh doanh bia tại các địa điểm như trường học, bệnh viện, công sở, vỉa hè sẽ bị cấm; bán sản phẩm bia cho phụ nữ có thai hoặc trong thời gian đang cho con bú cũng bị cấm và nhiều thứ cấm khác nữa... Việc ra một nghị định quản lý một sản phẩm thực phẩm là bia rượu là tốt và cần thiết nhưng mục tiêu là phải quản lý được chứ ra một văn bản mà quy định như trong chuyện “tiếu lâm” như vậy tôi thấy không ổn.

Không ổn ở chỗ nào, thưa ông?


img
Ông Nguyễn Văn Việt
  
Quyết định 244 của Thủ tướng Chính phủ về Chính sách quốc gia phòng chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn tới năm 2020, với mục tiêu là chống tác hại, lạm dụng các chất có cồn nói chung. Cũng cần phải làm rõ mục đích cấm để làm gì nữa và thế nào là "lạm dụng". Phòng chống sự lạm dụng không có nghĩa là cấm tiệt hành động đó thì sẽ là “phòng”, là “chống”. Cách hiểu như vậy là sai, chệch với quyết định của Thủ tướng”.  
- Chỉ đạo của Chính phủ tới Bộ Công Thương đặt mục tiêu là phải quản lý và quản lý được các sản phẩm bia rượu. Việc ban hành nghị định này phải giúp cho xã hội có được các sản phẩm bia rượu có chất lượng, an toàn và đem lại trật tự, mỹ quan đô thị cho xã hội. Với các quy định cấm như dự thảo đưa ra, không những mục tiêu sẽ không đạt được mà còn không khả thi và gây tốn kém cho xã hội. Tôi chỉ ví dụ, làm sao xác định được một người phụ nữ đang cho con bú để không bán bia nếu ra đường họ ăn mặc đẹp. Rồi chuyện phụ nữ có thai đôi khi uống tí bia được xã hội cho là tốt cho sức khỏe thì sao?Tôi cho những điều như thế chưa phù hợp với xã hội chúng ta. Hay trong khi Nhà nước đang khuyến khích việc không ban hành ra các giấy phép con thì dự thảo nghị định còn bắt thêm giấy phép, xin phép là không ổn với doanh nghiệp lẫn người kinh doanh. Hay bia bán ra thị trường hiện lên đến hàng tỷ chai, lon thì dán tem cũng không khả thi, thực hiện được cũng tốn kém, rất khó…

 

Nhưng Bộ Công Thương cũng có cái lý của họ khi cho rằng: Các quy định này sẽ góp phần hạn chế tình trạng tràn lan các cửa hàng bia rượu; giảm việc lạm dụng rượu bia mà hệ lụy của nó là bạo lực gia đình, mất an toàn trật tự xã hội và tai nạn giao thông...?

- Tôi khẳng định bia là sản phẩm giải khát bình thường, chưa gây tệ hại cho xã hội. Hiện tình trạng kinh doanh, sản xuất bia cỏ kém chất lượng đã không còn. Còn đúng là thực tế có tình trạng nhếch nhác của một số quán bia vỉa hè, nhưng chưa có nghiên cứu cụ thể nào về tình trạng này. Hiện bia chai lẫn bia lon, kể cả bia bom đều đã được sản xuất theo công nghệ cao, đáp ứng được yêu cầu tiêu dùng của xã hội. Nếu muốn quản ở khía cạnh nhếch nhác thì phải quan tâm từ nhiều vấn đề khác, chứ không thể cấm bán vỉa hè mà được.

Vậy theo ông dự thảo nghị định nên quy định theo hướng nào để phù hợp với thực tiễn cuộc sống?

- Quản việc sản xuất kinh doanh bia rượu tôi vẫn khẳng định là cần thiết. Song quan điểm của tôi là không thể đưa ra một quy định mà không quản nổi. Trước khi xây dựng dự thảo nghị định, các cơ quan Nhà nước đã điều tra thực trạng chưa? Chúng ta còn chưa xác định rõ cái gì chưa tốt trong lĩnh vực này thì làm sao quy định? Tai nạn giao thông do rượu bia thì rõ rồi. Còn thì bao nhiêu vỉa hè nhếch nhác là do kinh doanh bia rượu? Một nghị định khi ban hành có tác động rộng rãi tới mọi thành phần trong xã hội thì chúng ta phải có những nghiên cứu về xã hội trước đã. Với bia rượu thì càng phải điều tra kỹ, cái gì là tác hại, cái gì là bất ổn, cái gì chưa tốt thì ta mới làm.

- Xin cảm ơn ông!

Không phải thấy khó mà “chùn”

Ông Phan Chí Dũng- Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công Thương), đơn vị tham mưu soạn thảo nghị định cho rằng: Ở nước ta việc kinh doanh bia rượu vỉa hè vẫn còn nhếch nhác, mất vệ sinh và mỹ quan đô thị, thậm chí còn gây mất an ninh trật tự... Ông Dũng cho rằng, nếu không cấm thì xử lý thế nào với tình trạng rượu bia mất mỹ quan, lộn xộn ở nước ta hiện nay?! Tất cả đang đòi hỏi các bộ ngành cùng phối hợp xử lý. Khi soạn thảo nghị định này, Bộ Công Thương đã đặt nặng vấn đề ý thức tự giác từ người bán và người mua. Ý thức này cần phải dần được hình thành qua việc ban hành và thực thi các quy định của pháp luật. Không phải thấy khó thực hiện mà chúng ta “chùn bước” bởi việc bán bia ở vỉa hè nhiều nước không cấm song họ cũng áp đặt người bán và người uống phải tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem